Người bệnh COPD dễ bị suy dinh dưỡng, vì sao?
Suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng khá phổ biến ở bệnh nhân COPD. Nguyên nhân do có sự mất cân bằng giữa cung cấp năng lượng và nhu cầu tiêu hao năng lượng. Người bệnh COPD phải tiêu hao nhiều năng lượng hơn người bình thường vì phải tăng cường hoạt động hô hấp chống lại sự tắc nghẽn phế quản và tình trạng ứ khí trong lồng ngực. Khi đó, các cơ hô hấp phải hoạt động nhiều hơn, nhịp thở phải tăng nhanh hơn và vì vậy năng lượng cần thiết để thực hiện động tác hô hấp cũng phải tăng nhiều hơn. Mặc dù nhu cầu năng lượng tăng cao nhưng người bệnh COPD lại ăn uống kém vì: Tình trạng ứ khí trong lồng ngực làm cho lồng ngực căng phồng quá mức và ép vào dạ dày làm cho người bệnh rất dễ mệt khi ăn no. Nhiều người bệnh khó thở nhiều hơn trong khi ăn, vì khi nuốt, người bệnh thường phải ngưng thở trong vài giây. Ở người bình thường, việc ngưng thở ngắn khi nuốt thường không ảnh hưởng gì nhưng ở người bệnh COPD sẽ bị mệt khi ăn và vì vậy thường ăn ít. Hơn nữa, do người bệnh ít đi lại, ít vận động để tránh khó thở nên ít thèm ăn. Nhiều người bệnh thường xuyên lo lắng quá mức về bệnh tật dẫn đến rối loạn tiêu hóa, thậm chí bị loét dạ dày, ảnh hưởng nhiều đến ăn uống. Do cán cân năng lượng ở bệnh nhân COPD bị mất cân bằng nghiêm trọng nên dễ dẫn đến SDD.
Người bệnh COPD nên bổ sung hoa quả tươi, rau xanh.
Suy dinh dưỡng tác động xấu đến bệnh COPD
SDD làm cho bệnh COPD nặng thêm bởi: SDD làm cho các bắp cơ toàn thân trong đó có cơ hô hấp bị mỏng đi, bị yếu đi không đảm đương nổi hoạt động hô hấp. Các bắp cơ hô hấp rất yếu và dễ mỏi mệt còn phải gắng sức lâu dài để đối phó với tình trạng tắc nghẽn phế quản sẽ trở nên quá tải và người bệnh sẽ khó thở nhiều hơn. SDD thường hay kèm theo thiếu các chất khoáng cần thiết cho cơ thể và cơ bắp như canxi, magie, phốt pho... nên các bắp cơ thường bị yếu. SDD làm giảm sức đề kháng và cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng hô hấp. Đây chính là một trong những nguyên nhân thường gặp của đợt cấp bệnh COPD.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh COPD
Để hạn chế tình trạng SDD ở bệnh nhân COPD, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cần được quan tâm chặt chẽ. Nhu cầu năng lượng tối thiểu hằng ngày cho các bệnh nhân COPD là 40-45 kcalo/kg trọng lượng cơ thể. Năng lượng được cung cấp chủ yếu từ 3 nguồn: chất bột, đạm và chất béo theo tỉ lệ: 50%:15%:35% một ngày. Hạn chế thực phẩm không có giá trị dinh dưỡng như rượu, bia, cà phê. Ăn 2-4 chén cơm một ngày, ăn đủ đạm, chất béo, việc sử dụng nhiều tinh bột có thể làm tăng CO2 trong máu. Các chất béo có nguồn gốc từ cá, dầu thực vật có lợi cho bệnh nhân do cung cấp năng lượng cao. Tăng cường bổ sung các loại vitamin, omega-3, các yếu tố vi lượng như các loại rau, củ, quả, đặc biệt là các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, C, E. Các vitamin này có tác dụng giảm các gốc ôxy hóa do khói thuốc lá và quá trình viêm mạn tính của bệnh tạo ra. Ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh - là những thực phẩm giàu chất xơ giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol. Ngoài ra, để tăng sức cơ hô hấp (cơ hoành, cơ liên sườn), cần ăn thực phẩm giàu phốt pho, canxi, kali, magiesium như: sữa, hải sản, các loai hạt như đậu phộng, hạt điều, rau má. Không nên ăn các thực phẩm có nhiều muối (đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối sẵn...). Người bệnh nên uống trung bình khoảng 2-3 lít nước/ngày để hạn chế táo bón, giúp làm loãng đờm, tạo điều kiện cho ho khạc đờm dễ dàng. Nên ăn chậm, ăn từng miếng nhỏ, chọn thực phẩm mềm, dễ nhai. Nếu khó thở do trướng bụng, mệt, nên ăn 5-6 bữa nhỏ trong ngày, ăn ở tư thế ngồi.