Đối phó với phát ban dị ứng do stress

18-10-2020 10:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Căng thẳng cảm xúc (stress) có thể ảnh hưởng đến tâm trí và cơ thể. Một trong những ảnh hưởng của stress là nguy cơ dị ứng, có thể gọi là phát ban do căng thẳng, thường xuất hiện dưới dạng mề đay nổi trên ngực, cổ hoặc vùng mặt.

Mề đay (còn gọi là mày đay) là phản ứng của mao mạch trên da với các yếu tố khác nhau gây phù (cấp tính hoặc mạn tính) ở trung bì. Màu sắc của mề đay có thể khác nhau, vì nó phụ thuộc vào màu da của mỗi người.

Phát ban do stress xuất hiện dưới dạng mề đay có xu hướng phổ biến hơn trên mặt, ngực và vùng cổ.

Đối với những người có sẵn bệnh lý da từ trước (như bệnh chàm, vẩy nến, bệnh trứng cá đỏ), phát ban do stress có thể không xuất hiện dưới dạng mề đay. Thay vào đó, nó gây bùng phát hoặc làm cho các triệu chứng của bệnh này trầm trọng hơn.

Nhận diện phát ban do stress

Tùy thuộc vào màu da của mỗi người, phát ban có thể xuất hiện dưới dạng các mảng sẩn màu đỏ, hồng sẫm hoặc tím nổi lên trên da và thường gây ngứa.

Kích thước và hình dạng phát ban có thể khác nhau. Ở một số người, mảng sẩn có thể ảnh hưởng đến phần lớn khuôn mặt.

Thông thường sẽ khó xác định phát ban do stress ở những người có bệnh da từ trước, vì các triệu chứng có thể tương tự nhau. Nếu đã có sẵn bệnh chàm, hay bệnh vẩy nến... căng thẳng cảm xúc có thể ảnh hưởng tới quá trình cơ thể phục hồi các tổn thương da, nên nếu tự nhiên các triệu chứng xấu đi đột ngột có thể xem xét nguyên nhân phát ban do stress.

Đối phó với phát ban dị ứng do stressCần phân biệt phát ban do căng thẳng tâm lý với chứng đỏ mặt.

Vì sao stress gây nguy cơ phát ban dị ứng?

Khi gặp căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra hormon cortisol. Hormon này đóng vai trò thiết yếu trong việc đối phó với tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, nếu cortisol tích lũy quá nhiều trong cơ thể, hàm lượng cortisol quá cao trong thời gian dài lại gây tác hại cho cơ thể. Hormon này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch và kiểm soát tình trạng viêm, làm cho cơ thể dễ bị bệnh và dị ứng. Ở những người có bệnh từ trước, sự suy yếu của hệ miễn dịch kết hợp với tác động của cortisol lên hệ thống ức chế miễn dịch có thể gây bùng phát hoặc làm các triệu chứng trầm trọng hơn.

Điều trị thế nào?

Đối với phát ban do stress, ban đầu nên áp dụng một số biện pháp điều trị tại nhà để giúp giảm các triệu chứng. Một số sản phẩm thông thường dễ kiếm tìm như dầu dừa, dầu hoa cúc, nha đam... Để giảm phát ban, giảm ngứa có thể sử dụng nha đam, dầu dừa để bôi lên da. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, dầu dừa tinh khiết có thể chống viêm và bảo vệ da. Kem dưỡng ẩm kết hợp với tinh dầu hoa cúc thoa lên vùng da bị ảnh hưởng cũng đem lại hiệu quả tốt bởi theo nghiên cứu, dầu hoa cúc có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống viêm. Chỉ cần nhỏ 1-2 giọt dầu hoa cúc vào kem dưỡng ẩm và thoa hỗn hợp lên các khu vực bị ảnh hưởng. Nếu ngứa nhiều, diện tích phát ban lớn, có thể ngâm khăn hoặc vải mềm trong nước lạnh, thả đá và đặt lên vùng bị ảnh hưởng có thể giúp giảm ngứa.

Bên cạnh những biện pháp trên, có thể điều trị bằng thuốc thông thường không cần kê đơn (OTC), chẳng hạn như thuốc kháng histamin để giúp giảm ngứa hoặc kem calamine để giảm bớt các triệu chứng phát ban khác.

Trong những trường hợp nặng hơn, cần bác sĩ kê đơn corticosteroid hoặc thuốc kháng sinh để giúp giảm sưng, đỏ và ngứa.

Các phương pháp điều trị tại nhà và OTC là những lựa chọn phù hợp cho người bị phát ban do stress. Tuy nhiên, nếu tình trạng phát ban thường xuyên xảy ra cho thấy stress là trường diễn, cần tập trung vào việc loại bỏ nguồn gốc của nó hoặc tìm kiếm các biện pháp quản lý stress, giảm căng thẳng khác.

Lưu ý phân biệt với loại phát ban khác

Trong một số trường hợp, có thể nhầm chứng phát ban do căng thẳng tâm lý với một tình trạng khác tương tự khác:

Chứng đỏ mặt Rosacea: Bệnh khiến da có màu sắc giống như khi đỏ mặt hoặc cháy nắng. Một số người bị bệnh Rosacea có thể cảm thấy bỏng rát, ngứa hoặc châm chích ở các vùng bị ảnh hưởng. Da có thể ửng đỏ, hoặc xuất hiện hồng ban, giãn mạch, xuất hiện nốt sần và mụn mủ.

phát ban dị ứng do stressMề đay cấp tính có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân stress.

Bệnh chàm cơ địa: Là bệnh da mạn tính, tái phát nhiều lần, tiến triển lâu dài. Nó có thể khiến da khô, bong tróc, đỏ hoặc ngứa. Bệnh khởi phát từ suy yếu hàng rào bảo vệ da, dẫn đến da khô, ngứa và sự xâm nhập của các dị nguyên, vi khuẩn gây nhiễm trùng da. Do vậy, điều trị viêm da cơ địa bằng chất giữ ẩm là một điều trị nền tảng trong các giai đoạn của bệnh. Sau đó, tùy từng cấp độ, giai đoạn của bệnh mà sẽ có phương pháp điều trị cụ thể như dùng thuốc chống viêm, giảm ngứa, thay đổi lối sống, giảm stress...

Bệnh vẩy nến: Đây là một bệnh viêm da mạn tính khá phổ biến. Triệu chứng trên da của bệnh vảy nến là xuất hiện những mảng dày, đỏ được bao phủ bởi các vảy trắng hoặc bạc gây đau hoặc ngứa.

Phát ban nhiệt: Phát ban nhiệt xảy ra do đổ mồ hôi quá nhiều. Chẳng hạn sống ở nơi có khí hậu nóng và ẩm, hoặc tham gia nhiều hoạt động thể chất, phát ban nhiệt có thể xuất hiện. Phát ban nhiệt có thể giảm và tự hết khi được làm mát.

Viêm da tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc xảy ra khi người bệnh gặp phải chất gây dị ứng, gây phát ban.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Hầu hết các phát ban nhỏ sẽ cải thiện và tự trở lại bình thường. Nếu sau vài ngày mà mày đay không bắt đầu thuyên giảm, thậm chí trầm trọng hơn hoặc có thêm các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt thì bạn cần đi khám bác sĩ. Đặc biệt nếu người bị phát ban đột nhiên có dấu hiệu khó thở hoặc khó nuốt, cần đến cơ sở y tế khẩn cấp.


BS. Hà Thu
Ý kiến của bạn