Cơn đau không đơn thuần chỉ là do sự thay đổi của thời tiết, do ngồi hay do làm việc sai tư thế mà đó còn là cảnh báo những căn bệnh về xương khớp nguy hiểm được phát hiện sớm để phòng tránh nguy cơ bị liệt. Vì vậy, việc phát hiện sớm và hiểu về vấn đề này là rất cần thiết.
Nguyên nhân do đâu?
Đau nhức xương khớp là bệnh phổ biến ở lứa tuổi trung niên và về già. Tuy nhiên, căn bệnh này ngày càng có xu hướng “trẻ hóa” gây ảnh hưởng đến cuộc sống của không ít người. Theo Hội Thấp khớp học Mỹ, có đến 12% dân số Mỹ trong độ tuổi 25-75 có biểu hiện lâm sàng và triệu chứng của thoái hóa khớp.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ người trẻ mắc thoái hóa khớp đã tăng khoảng 20% so với trước đây, phần lớn là giới văn phòng hoặc vận động quá mức. Và các chuyên gia cũng khẳng định, hiện nay, thoái hóa khớp không còn là bệnh của người già mà hiện tại, tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ tuổi đang ngày càng tăng trong độ tuổi từ 30-35.
Tập luyện thường xuyên tốt cho người bệnh xương khớp.
Nguyên nhân chính gây ra đau nhức xương khớp là do lớp sụn ở khớp xương bị thoái hóa và ăn mòn dẫn đến xương thiếu chất nhờn ở các khớp xương, điều này tạo nên những cơn đau nhức khi cử động hoặc vận động.
Những người trẻ tuổi đang bị đau xương khớp ngày càng nhiều có thể vì một trong các lý do như:
Béo phì: Do trọng lượng cơ thể tác động mạnh vào xương và các khớp nên những người bị béo phì là những người có nguy cơ đau nhức xương khớp cao nhất hiện nay. Nghiên cứu của Viện Y khoa Quốc gia Mỹ chỉ ra, đối với những người thừa cân, chỉ cần giảm 5kg sẽ giảm nguy cơ thoái hóa khớp hoặc viêm khớp đến một nửa.
Ít vận động: Thiếu hoạt động thể dục, các cơ bị lỏng lẻo, các khớp xương không còn được hỗ trợ một cách vững chãi dẫn đến các cơ, xương, gân, dây chằng, khớp và sụn dễ bị sai lệch cũng là nhóm nguyên nhân khá phổ biến. Với đặc tính ngồi nhiều, ít vận động, thậm chí là ngồi sai tư thế, dân văn phòng có tỷ lệ đau xương khớp rất cao.
Tập luyện quá mức: Ngược lại với đối tượng lười vận động, có một bộ phận giới trẻ lại quá “phấn khích” trong việc vận động. Họ không biết rằng vận động quá mức không phải lúc nào cũng tốt vì nó có thể ảnh hưởng đến xương khớp. Nếu các cơ và khớp luôn trong tình trạng chịu lực quá tải và lặp đi lặp lại một động tác tại cùng một khớp thì nguy cơ giãn dây chằng, tổn thương sụn sẽ càng đẩy nhanh hơn quá trình thoái hóa sụn khớp.
Yếu tố di truyền: Một số trường hợp bệnh nhân khi sinh ra đã có những khiếm khuyết di truyền, ở một trong các gene chịu trách nhiệm cho việc tạo ra sụn. Điều này có thể gây khiếm khuyết sụn dẫn đến việc suy thoái nhanh chóng của các khớp xương. Do vậy, đừng quá ngạc nhiên khi vẫn còn trẻ mà vẫn bị đau nhức xương khớp, đó có thể là vì yếu tố di truyền.
Tình trạng đau nhức xương khớp đã trở nên không còn xa lạ ở những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, nên nhớ rằng: đau nhức xương khớp không phải là bệnh nan y và hoàn toàn có thể tự mình chữa bệnh. Cách chữa hiệu quả nhất là áp dụng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp, vận động hợp lý để bảo vệ xương khớp luôn được khỏe mạnh.
Nhận biết các cơn đau nhức xương khớp
Loãng xương: Ở những người mắc bệnh loãng xương, có biểu hiện đau nhức xương khớp và được mô tả là đau trong xương. Đây là biểu hiện hay bị người bệnh lơ là, chủ quan, làm bệnh tình ngày càng nặng hơn và hậu quả là xương yếu dần và dễ gãy.
Thoái hóa khớp: Đau nhức xương khớp có thể là biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp. Bệnh là sự tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn.
Để phân biệt được đau nhức xương khớp do thoái hóa khớp với những bệnh xương khớp khác, thường dựa trên đặc điểm của cơn đau. Cơn đau của thoái hóa khớp thông thường tăng lên mỗi khi khớp cử động và giảm được khi nghỉ ngơi. Mỗi khi trái gió trở trời, đặc biệt là thời tiết lạnh hơn, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, còn có biểu hiện cứng khớp mỗi sáng khi thức dậy nhưng sẽ trở lại sau vài phút vận động. Tất cả các khớp trên cơ thể đều có khả năng bị thoái hóa.
Viêm khớp dạng thấp: Ngoài thoái hóa khớp, biểu hiện đau nhức xương khớp có thể là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp. Đây là một bệnh lý khớp mạn tính có liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, nếu không được điều trị sớm và kịp thời sẽ phá hủy sụn khớp gây biến dạng khớp, làm mất khả năng lao động, gia tăng nguy cơ tàn phế.
Loại viêm khớp dạng thấp này sẽ khiến người bệnh có các cơn đau nhỏ xảy ra thường xuyên và mang tính đối xứng như đau đầu gối, hai ngón tay ở cùng vị trí của hai bàn tay, kèm theo đó là hiện tượng sưng, nóng, đỏ.
Bệnh gút: Ở những người mắc bệnh gút cũng có biểu hiện đau nhức xương khớp vì đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể gây nên khi cơ thể dư thừa chất đạm.
Bệnh gây đau nhức kèm sưng nóng đỏ ở một hoặc nhiều khớp như khớp ngón chân, cổ chân, gối và khớp bàn tay. Cơn đau thường xuất hiện về ban đêm, cường độ đau tăng dần đến mức bệnh nhân không thể chịu đựng nổi, có thể kèm theo sốt cao, nhức đầu và mệt mỏi. Khi bệnh gút chuyển sang giai đoạn mạn tính, các khớp có thể bị biến dạng vĩnh viễn, các khối u mọc lên quanh khớp, vành tai, dưới da, sưng trên bàn tay, bàn chân.
Cần làm gì?
Đau nhức xương khớp dường như đã trở nên quá phổ biến trong xã hội hiện đại và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Chính vì khá phổ biến, nhiều người chủ quan chọn cách “sống chung” với đau nhức xương khớp thay vì học cách phòng tránh và điều trị nó, điều này là hoàn toàn sai lầm. Để không bị đau khớp, trước hết cần kiểm soát cân nặng và phòng ngừa thoái hóa xương khớp từ khi còn trẻ bằng cách ngay từ tuổi thanh niên nên chú ý: Thay đổi tư thế thường xuyên khi làm việc bởi nếu tư thế làm việc không đúng (chủ yếu với người lao động trí óc) có thể bị thoái hóa khớp. Hãy giảm cân nếu cân nặng của bạn vượt chuẩn. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu bởi nó sẽ giúp giảm áp lực cho khớp.
Cần thường xuyên luyện tập, tốt nhất lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe bản thân. Các động tác nhẹ nhàng có tác dụng thư giãn các khớp, tránh tình trạng để cho các khớp bị “ỳ”, ít hoạt động.
Đối với phụ nữ ở tuổi mãn kinh có nguy cơ loãng xương rất cao và nguy cơ gãy xương, lún xẹp đốt sống cũng tăng lên, mật độ xương trong thời kỳ này rất thấp nên dễ xuất hiện triệu chứng viêm khớp. Vì vậy, chế độ ăn uống hợp lý thời kỳ này là vô cùng quan trọng.
Ở người cao tuổi, cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh kết hợp với chế độ thuốc men phù hợp với đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi. Các biện pháp tập luyện như khí công, thái cực quyền thường có hiệu quả lớn ở những người cao tuổi.