Kích cầu văn hóa đọc
Có rất nhiều lựa chọn để mỗi người dân sử dụng hết quỹ thời gian khi ở nhà trong lúc cách ly xã hội. Xem phim, nghe nhạc, lên mạng xã hội, đọc báo online... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm này đọc sách là việc làm hữu ích hơn cả. Theo bà Trần Phương Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Sách Thái Hà, ở nhà đọc sách là một việc làm hết sức thú vị, ý nghĩa và đây cũng là một cách để phòng chống dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, đọc sách đem lại những hữu ích rõ rệt đối với mỗi con người. Việc làm này sẽ giúp chúng ta lấp đầy khoảng thời gian rảnh, nâng cao kiến thức. Những cuốn sách còn là liều thuốc tinh thần giúp mọi người cảm thấy bình thản, vững tâm hơn vào công cuộc toàn dân chống dịch. Hơn thế, những cuốn sách về sức khỏe, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn người dân sống khỏe cũng giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết để tự bảo vệ mình trước COVID-19.
Nhưng lúc cả gia đình ở nhà để tránh dịch bệnh, bố mẹ có thể đọc sách cùng con, kể cho con nghe những câu chuyện hay, những tấm gương về đạo đức, lòng tốt... từ trang sách. Chị Khánh Hòa (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, thời gian vừa qua, thực hiện giãn cách xã hội, nơi chị công tác cho nhân viên làm việc trực tuyến ở nhà. Vì vậy chị có thời gian ở cạnh hai con trai đang học cấp 2 nhiều hơn. Chị Hòa đặt mua một số truyện tranh, sách tham khảo về cho hai con và chúng rất hào hứng, thích thú đọc. Thường ngày không có mẹ ở cạnh, con chị Hòa thường bật tivi xem ca nhạc, phim hoạt hình hoặc đòi chơi điện tử trên điện thoại, máy tính. Tuy nhiên, khi chị Hòa ở nhà cùng các con thì mọi chuyện đã khác, chị hạn chế tối đa và gần như “cấm cửa” con chơi điện tử, xem tivi nhiều, thay vào đó chị hướng con mình đọc những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi để nâng cao kiến thức, sự hiểu biết.
Nữ điều dưỡng của Viện Tim mạch (khu C Bệnh viện Bạch Mai) tranh thủ đọc sách hướng dẫn về sinh nở và nuôi con vào buổi tối tại khu cách ly.
Sách hiện diện ở khu cách ly
Mới đây, thông qua Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL), First News - Trí Việt đã chuyển hơn 2.000 cuốn sách trong tủ sách “Hạt giống tâm hồn” và tác phẩm Hành trình về Phương Đông của Nguyên Phong để tặng đội ngũ bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại các khu cách ly. Các ấn phẩm này có Tuyển tập Hạt giống tâm hồn, Nhắm mắt nhìn sao, Không gục ngã, Vượt lên cái chết, Bí mật hạnh phúc, Không nơi nương tựa, Lựa chọn nhiệm Màu, Luôn là cảm hứng, Phút nhìn lại mình, Tư duy tích cực...
Tại khu cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học FPT (cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội) cũng đã có hàng nghìn cuốn sách được giới thiệu tới người dân phải cách ly. Những cuốn sách được chọn lọc thuộc nhiều chủ đề khác nhau, trong đó nổi bật là các tác phẩm nuôi dưỡng ước mơ, khích lệ tinh thần hay xoa dịu tâm hồn như: Think and Grow Rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, Muốn an được an, Nhà giả kim, Lối sống tối giản của người Nhật... Nhiều người đánh giá khu cách ly tại Ký túc xá Đại học FPT là khu cách ly yêu thương, tử tế và tri thức, biến thời gian cách ly thành thời gian sống chậm, hưởng thụ cuộc sống, tích lũy tri thức. Hay tại Đà Nẵng, mô hình “tủ sách di động” (gồm cả sách tiếng Việt và tiếng nước ngoài) đưa đến các điểm cách ly tập trung để hỗ trợ, phục vụ đời sống tinh thần cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang thực hiện việc cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế cũng được lãnh đạo thành phố nhắc tới.
Có thể nói, khoảng thời gian này, đọc sách dù ở nhà hay khu cách ly, với mọi người đều là những phút giây quý giá để bồi dưỡng tâm hồn, rèn luyện lối sống lành mạnh và cùng nắm tay nhau “miễn nhiễm” với COVID-19.