Đối phó với cơn bốc hỏa mãn kinh và đổ mồ hôi đêm

03-03-2020 14:47 | Đời sống
google news

SKĐS - Năm nay tôi 47 tuổi. Gần đây tôi có hiện tượng cơn bốc hỏa, nóng bừng và đổ mồ hôi đêm.

Một ngày tôi có thể gặp nhiều cơn như vậy, nên rất khó chịu. Tôi có thể dùng thuốc nào để khắc phục tình trạng này?

Vũ Thùy Dương (Hà Nội)

Hầu hết mọi người đều trải qua các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm khi trải qua thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Đây là giai đoạn bình thường của cuộc sống. Tần suất bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm khác nhau giữa các cá nhân. Một số phụ nữ có những cơn bốc hỏa thoáng qua, không gây cản trở cuộc sống hàng ngày, nhưng đối với nhiều người, các triệu chứng này thật sự làm họ khó chịu và làm giảm chất lượng sống.

Nóng bừng và đổ mồ hôi đêm xảy ra trước và trong thời kỳ mãn kinh do thay đổi nồng độ hormon, bao gồm estrogen và progesterone, ảnh hưởng đến việc kiểm soát nhiệt độ của cơ thể, gây ra cảm giác đặc trưng là nóng, đỏ bừng và đổ mồ hôi quá nhiều.

Có nhiều cách có thể giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng khó chịu này. Với trường hợp nhẹ có thể áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà như: Thay đổi lối sống như tránh các yếu tố gây kích hoạt các triệu chứng này như: rượu, thực phẩm cay, cafein, hút thuốc và luyện tập thể dục đều đặn...

Trong trường hợp nghiêm trọng có thể cần sử dụng bao gồm cả liệu pháp hormon. Liệu pháp hormon sẽ giúp giảm rõ rệt nhiều triệu chứng mãn kinh, bao gồm bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liệu pháp hormon cho từng cá nhân, theo các yếu tố nguy cơ có liên quan và sẽ kê toa liều hormon có hiệu quả thấp nhất để giảm tác dụng phụ.

Tuy nhiên, không dùng liệu pháp này trong những trường hợp bị ung thư nhạy cảm với hormon (ví dụ ung thư vú) vì sẽ làm cho ung thư phát triển nhanh hơn hoặc những người bị cục máu đông cũng không được dùng liệu pháp này.

Thuốc chống trầm cảm cũng được sử dụng để giảm cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm, mặc dù chúng không hiệu quả như liệu pháp hormon. Tuy nhiên, chúng là một lựa chọn tốt cho những phụ nữ không thể điều trị bằng hormon. Một số thuốc chống trầm cảm có thể dùng như paroxetine, venlafaxine và fluoxetine...

Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có lời khuyên và kê thuốc thích hợp. Vì thế, chị nên đi khám để được tư vấn cụ thể hơn.

DS. Hoàng Thu Thủy


Ý kiến của bạn