Giảm trí nhớ là biểu hiện quan trọng nhất. SSTT có thể khởi phát ở tuổi trẻ song chủ yếu là lứa tuổi già. Một số nghiên cứu cho thấy ở lứa tuổi 65, tỉ lệ SSTT là 5%, cứ tăng thêm 5 tuổi thì số lượng người SSTT tăng lên 2 lần, đến 80 tuổi thì 1/3 số người già mắc hội chứng này.
Biểu hiện của SSTT
SSTT mức độ nhẹ: Triệu chứng nổi bật nhất là giảm trí nhớ gần hay trí nhớ ngắn hạn. Bệnh nhân (BN) thường biểu hiện dưới hình thức nhắc lại 1 câu hỏi đã hỏi nhiều lần, thậm chí 2 câu hỏi cùng một nội dung được nhắc lại cách nhau vài phút, hoặc hay đi tìm đồ dùng cá nhân vì quên mất không nhớ chúng được để ở đâu. BN không nhớ những từ ngữ hàng ngày nên thường diễn đạt vòng vo. Công việc thường ngày như lái xe, nội trợ, quản lý tiền bạc ngày càng trở nên khó khăn. Các rối loạn cảm xúc và sự suy giảm khả năng học các kiến thức, kỹ thuật mới xuất hiện từ trong giai đoạn sớm của SSTT. Cảm xúc dao động giữa hai cực trầm cảm và hưng cảm. BN thay đổi tính tình như trở nên khó tính hơn, dễ nóng giận và xúc động.
Não bình thường và não ở bệnh nhân SSTT.
SSTT mức độ trung bình: Giai đoạn này BN rối loạn trí nhớ nặng hơn, ngôn ngữ thiếu lưu loát. BN vụng về trong sinh hoạt hàng ngày như sử dụng các trang thiết bị trong gia đình, khó khăn trong mua sắm tính toán. BN thực hiện khó khăn hay không thực hiện được các hoạt động thường ngày: nấu cơm, pha trà, lựa chọn quần áo phù hợp. Người bệnh mất dần khả năng thu nhận những thông tin mới. Họ không lưu giữ được các thông tin về môi trường xung quanh, do đó bị rối loạn định hướng nặng về không gian và địa lý. BN có thể lạc khi ra khỏi nhà và một số khác lạc ngay trong nhà mình. BN dễ gặp các tai nạn (ngã), giảm khả năng lao động và nghề nghiệp. BN có hoang tưởng nhiều hơn, nghi ngờ những người xung quanh. Các rối loạn hành vi khác thường gặp và nặng nề: kích động tấn công người khác, tình dục bất thường...
SSTT mức độ nặng: Đây là giai đoạn cuối của bệnh. BN mất toàn bộ khả năng tự phục vụ và chăm sóc bản thân trong sinh hoạt hàng ngày. Họ hoàn toàn lệ thuộc vào người khác vì không thể tự ăn uống, tiểu tiện, tắm rửa, di chuyển. Người bệnh mất cả trí nhớ gần và trí nhớ xa, không còn nhận biết người thân trong gia đình. BN vong ngôn, vong tri, vong hành. Người bệnh thường nằm liệt giường, có nguy cơ thiếu dinh dưỡng, viêm phổi, loét…
Các biểu hiện suy giảm hoạt động nhận thức trong SSTT
Các rối loạn cảm xúc: Trầm cảm ở bệnh nhân SSTT trước hết là trầm cảm ở người già. Triệu chứng trầm cảm không điển hình gồm nhiều triệu chứng cơ thể: Bàng quan: hay gặp với tỉ lệ tương đương trầm cảm. Biểu hiện của bàng quan tương ứng với mức độ trầm trọng của nhận thức; Lo âu: thường thấy ở 21 - 60% BN SSTT.
Các rối loạn hành vi: Kích động có thể gặp ở 30% BN SSTT. Hành vi thường gặp có tính chất phá hoại hay hành vi bạo lực. Kích động biểu hiện bằng hành vi tấn công hay đe dọa (kích động thể lực), biểu hiện bằng ngôn ngữ (kích động ngôn ngữ), biểu hiện bằng cơn kêu khóc hay giận dữ (kích động cảm xúc). Kích động ở BN SSTT có tính chất đột ngột, mất định hướng, vô nghĩa.
Các biến đổi nhân cách: Bệnh nhân SSTT trở nên hướng nội, ít quan tâm hơn trước kia về những hậu quả hành vi của mình đối với những người xung quanh. BN SSTT có hoang tưởng, hội chứng paranoid thường thù ghét các thành viên trong gia đình hoặc người chăm sóc mình. BN mất dần các ham muốn thích thú cũ, trở nên cáu kỉnh, độc đoán. BN trở nên bủn xỉn, hoài nghi, ghen tuông vô lý, trẻ con hóa, ăn mặc cẩu thả, cóp nhặt bẩn thỉu.
Đặc điểm loạn thần trong SSTT
Các triệu chứng loạn thần phổ biến trong bệnh SSTT. Hoang tưởng và ảo giác là những triệu chứng chủ yếu làm cho BN phải vào viện sớm trong tiến triển bệnh. Hoang tưởng ảo giác liên quan với rối loạn cảm xúc, kích động và những hành vi bạo lực trong gia đình.
Hội chứng hoàng hôn được đặc trưng bởi các biểu hiện rối loạn chu kỳ thức ngủ: ngủ gà ngủ gật ban ngày, thức tỉnh kích động ban đêm.
Lú lẫn, kích động, ngã… Các biểu hiện này thường xuất hiện ở các bệnh nhân sa sút trí tuệ khi điều kiện tri giác các kích thích bên ngoài như ánh sáng, giọng nói quen thuộc… bị cản trở và suy giảm.
Vong ngôn là hội chứng bất lực ngôn ngữ, nghĩa là mất khả năng tạo và thấu hiểu ngôn ngữ.
Vong tri là giảm hoặc mất khả năng nhận biết, gọi tên đồ vật, đối tượng, mặc dù các cơ quan cảm giác, giác quan không bị tổn thương.
Vong hành là bệnh nhân không làm được những hoạt động có mục đích theo yêu cầu bằng lời nói hay bắt chước trong khi không có tổn thương hệ thống vận động hay cảm giác.
Điều trị và tiên lượng: Nguyên tắc chung để điều trị là tổ chức não bị các rối loạn chức năng vẫn duy trì được một khả năng hồi phục nếu được điều trị kịp thời. Do vậy, việc khám toàn diện cả lâm sàng và cận lâm sàng… để tìm các nguyên nhân gây ra SSTT nằm bên dưới nhằm có được một trị liệu đặc hiệu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Đối với các rối loạn như hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm, kích động…, có thể sử dụng các thuốc an thần kinh, chống trầm cảm, giải lo âu… song cần lưu ý những hiệu quả đặc ứng do thuốc có thể xảy ra ở người già.