Đối phó với chứng lo âu không cần dùng thuốc

SKĐS - Lo âu là trạng thái tâm lý rất thường gặp trong cuộc sống. Để đối phó với tình trạng này, người bị lo âu nên thực hiện những biện pháp hỗ trợ như tập luyện, thay đổi lối sống nhằm cải thiện sức khỏe.

1. Chứng lo âu gây hậu quả gì?

Lo âu là trạng thái căng thẳng trong cuộc sống như khi làm bài thi, khi công việc không suôn sẻ... Nhưng lo âu sẽ trở thành dấu hiệu bệnh lý nếu cảm xúc trở nên thái quá, kéo dài, khiến cơ thể mệt mỏi về thể chất và tinh thần.

Theo TS. Vara Saripalli, chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại Mỹ, những tác động về thể chất do chứng lo âu gây ra có thể kể đến những vấn đề sức khỏe liên quan đến hiện tượng tim đập nhanh, đánh trống ngực, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, chán ăn, mất ngủ, thở nhanh và nông.

Chứng lo âu có thể khiến con người luôn ở trong trạng thái phiền muộn, hạn chế tiếp xúc xã hội gây nên những trở ngại trong công việc và học tập.

    2. Những biện pháp giảm chứng lo âu

    2.1 Tập thể dục

    Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp năm 2018 của các nhà khoa học Anh cho thấy rằng, tập thể dục, đặc biệt là tập thể dục cường độ cao, có thể đặc biệt có lợi cho những trường hợp mắc chứng lo âu.

    Nguyên nhân là do trong quá trình tập luyện, cơ thể sản xuất ra endorphin, một hóa chất tự nhiên trong não, giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng, nâng cao sự tự tin và tương tác xã hội.

    Mỗi người có thể lựa chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe hiện tại của mình như đi xe đạp, đi dạo, đi bộ, bơi lội... và thực hiện đều đặn mỗi ngày.

    photo-1669084906322

    Tập thể dục rất có hiệu quả trong việc cải thiện chứng lo âu và nâng cao tương tác xã hội.

    2.2 Tâm lý trị liệu và liệu pháp hành vi

    Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho biết, liệu pháp tâm lý và liệu pháp hành vi là giải pháp hiệu quả cho chứng lo âu. Lý do là khi thực hiện, người bệnh được bộc lộ những lo lắng của bản thân, được giải thích về mối liên hệ giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, từ đó, giúp họ tự học cách phá vỡ những suy nghĩ tiêu cực và có thể tìm ra giải pháp cho những vấn đề này.

    2.3 Thay đổi chế độ ăn uống và dinh dưỡng

    Giảm caffeine: Một số nghiên cứu cho thấy, caffeine là một chất kích thích, có tác dụng làm tăng tốc độ hoạt động của não và cơ thể, có thể gây cảm giác bồn chồn và lo lắng.

    Ghi nhật ký thức ăn: Ghi nhật ký thức ăn để đánh giá xem liệu lo âu có trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn một số loại thức ăn hay không. Một nghiên cứu năm 2019 tại Mỹ cho thấy, sử dụng nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa và đường làm tăng sự lo âu ở người lớn. Mặc dù nghiên cứu không thiết lập mối quan hệ nhân quả nhưng vẫn cho thấy chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của mỗi người.

    Tuy nhiên, vẫn có nhiều loại thực phẩm có thể chứa các chất dinh dưỡng giúp giảm các triệu chứng lo âu như thực phẩm chứa nhiều magie, kẽm...

    photo-1669084908644

    Ghi nhật ký thức ăn giúp xác định loại thực phẩm giúp giảm chứng lo âu.

    2.4 Phương pháp điều trị bổ sung và thay thế

    Một số phương pháp điều trị bổ sung và thay thế, chẳng hạn như xoa bóp, châm cứu... giúp cải thiện các triệu chứng lo âu. Một đánh giá có hệ thống năm 2018 của các nhà khoa học Bồ Đào Nha về 13 nghiên cứu cho thấy, cả châm cứu và điện châm đều có thể làm giảm lo âu.

    Các liệu pháp thay thế khác cũng có thể có một số lợi ích trong việc điều trị chứng lo âu như kích thích từ xuyên sọ hay sử dụng các thiết bị giúp giảm lo âu trong những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn những người cảm thấy lo lắng khi ở nhà một mình vào ban đêm có thể sử dụng hệ thống báo động hoặc nuôi một con chó để có cảm giác an toàn...

    2.5 Một số biện pháp khác

    Bên cạnh những biện pháp trên, một số chiến lược có thể hiệu quả đối với chứng lo âu bao gồm thực hiện các bài tập giãn cơ, đặc biệt nên tập trung vào việc thư giãn các nhóm cơ riêng lẻ; kỹ thuật thở sâu; viết nhật ký; dành thời gian với thú cưng; đọc sách....

    3. Khi nào chứng lo âu trở nên nghiêm trọng?

    Hầu hết mỗi người đều trải qua cảm giác lo âu. Nếu cảm giác này biến mất khi sự việc qua đi thì đó là điều bình thường. Nhưng với những trường hợp lo lắng đến mức làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, hoạt động hàng ngày hoặc các mối quan hệ, thì đó là lúc cần tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên khoa bởi đây là một tình trạng bệnh lý cần được điều trị.

    Ngoài ra, các biểu hiện sau cũng cần được chú ý và được thăm khám cụ thể:

    • Thường xuyên cảm thấy lo lắng mà không có lý do rõ ràng.
    • Lo lắng thái quá, lo lắng những điều không có thực, chẳng hạn một người có cuộc sống tương đối an toàn và thoải mái nhưng lại thường xuyên sợ bạo lực hoặc đói khát.
    • Trải qua các cơn hoảng loạn hoặc có các biểu hiện thể chất như tim đập nhanh hay đau dạ dày.

    Mời bạn xem tiếp video:

    Sởi: Một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được phát hiện thế nào? | SKĐS

    Lê Thu Lương
    Theo MNT
    Ý kiến của bạn