Vì khớp gối là một khớp khá lỏng lẻo nên trong quá trình tập luyện, vận động thể thao rất dễ chịu các tổn thương như: trật khớp, gãy xương, đứt dây chằng chéo trước khớp gối, tổn thương sụn, gãy xương..., trong đó, đứt dây chằng chéo trước là chấn thương hay gặp nhất.
Khớp gối bao gồm 2 mặt khớp: đó là mặt khớp xương đùi - xương cẳng chân và mặt khớp giữa lồi cầu đùi - xương bánh chè. Giữa mặt khớp xương đùi và cẳng chân có sụn chêm. Sụn chêm chêm giữa mặt sụn khớp xương đùi và xương cẳng chân nhằm mục đích giảm sốc trong quá trình vận động.
Bao bọc quanh khớp gối là hệ thống dây chằng và các bao khớp có các túi hoạt dịch. Túi hoạt dịch có nhiệm vụ duy trì một lượng dịch khớp để khớp có độ trơn khi di chuyển, đi đứng. Giữa mặt tiếp giáp của các khớp có một lớp sụn và giữa hai khớp lồi cầu đùi và mặt khớp của mâm chày có một lớp lót là sụn chêm để giảm bớt sang chấn của khớp.
Tổn thương đứt dây chằng đầu gối.
Một số bệnh lý về khớp gối thường gặp
Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp gối là biểu hiện của thương tổn trên bề mặt sụn khớp, do tác động của nhiều nguyên nhân làm cho bề mặt sụn khớp bị hư. Ở giai đoạn sớm, khớp gối chưa hư ngay do dịch khớp bên trong mới có biểu hiện bị hao hụt. Khi dịch khớp hao hụt càng nhiều thì độ ma sát giữa các đầu khớp sẽ tăng lên và chịu lực tác động nhiều hơn. Điều này làm bề mặt sụn khớp bị mòn dần và đưa đến tình trạng hẹp khe khớp gối. Theo thời gian, thương tổn “ăn” dần từ bề mặt của sụn rồi khuyết dưới mặt sụn gây thương tổn tổ chức dưới sụn và phá hủy đến mô xương. Đến giai đoạn ăn vào mô dưới sụn sẽ tạo nên tình trạng khuyết xương mà trên hình ảnh Xquang thường được gọi là gai xương.
Viêm sụn: Sụn khớp có vai trò quan trọng trong việc chống sốc, điều chỉnh áp lực trong khoang khớp để khớp có thể vận động bình thường. Tuy nhiên, để sụn khớp hoạt động, cần có vai trò hỗ trợ tích cực của xương dưới sụn - phần nằm ngay sát dưới sụn khớp (đầu xương). Ngoài việc hỗ trợ sụn khớp, xương dưới sụn còn cung cấp một phần dinh dưỡng cho sụn canxi nằm gần mặt xương dưới sụn, thúc đẩy quá trình chuyển hóa tại sụn khớp. Khi bị viêm sụn là sự bất thường tạo canxi nằm dưới lớp sụn.
Bệnh lý dây chằng: Có 4 dây chằng chính ở khớp gối hoạt động như những sợi dây mạnh mẽ đeo giữ xương với nhau và giữ cho khớp gối ổn định. Các bệnh lý về dây chằng thường do vận động xoắn mạnh khớp gối gây giãn, rách hoặc nặng hơn là đứt dây chằng.
Tổn thương sụn chêm: Sụn chêm gối là hai mảnh sụn nằm ở giữa lồi cầu và mâm chày ở bên trong và bên ngoài. Sở dĩ có tên là sụn chêm vì nằm chêm giữa hai cấu trúc lồi cầu đùi ở trên và mâm chày ở dưới. Chức năng của miếng sụn này là làm giảm lực tác động lên lồi cầu và mâm chày khi đi, góp phần giữ vững khớp gối. Tổn thương sụn chêm thường do chấn thương hoặc do quá trình thoái hóa.
Đau bánh chè: Xương bánh chè nằm trong hệ thống gân duỗi gối, che chở mặt trước khớp gối. Mặt sau xương bánh chè liên quan trực tiếp với khớp gối nên dễ bị tổn thương và thường do trật xương bánh chè hoặc chấn thương.
Bệnh lý bao hoạt dịch: Bao hoạt dịch là một túi chứa chất dịch khớp nằm giữa sụn khớp, dây chằng và màng hoạt dịch, có tác dụng như chất đệm của khớp nhằm hạn chế các tác động của trọng lực tác động vào khớp. Khi bao hoạt dịch bị viêm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khớp, dây chằng và các cơ, vận động khó khăn, nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể để lại hậu quả xấu.
Ngoài các bệnh lý kể trên còn có các bệnh lý viêm gân khớp gối, viêm gân bánh chè và hội chứng dải chậu chày. Ngoài ra, đối với trẻ em còn gặp thêm bệnh Osgood Schlatter và Sinding Larsen.
Lời khuyên phòng bệnh
Để phòng các bệnh lý về khớp nói chung và khớp gối nói riêng, cần luyện thói quen sinh hoạt hàng ngày thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học có tác dụng phòng ngừa và giảm đau khớp gối hiệu quả.
Không nên làm việc quá sức, nhất là các công việc như mang vác nặng gây chèn ép khớp. Nên ngưng làm việc ngay khi cảm thấy mệt và đau, sau đó từ từ bắt đầu lại với tốc độ chậm hơn.
Để tránh mắc các bệnh liên quan đến vùng này, cần lưu ý các biện pháp bảo vệ vùng gối như sau:
Tránh các tư thế gây hại cho khớp gối như: ngồi gác chéo chân; ngồi xổm, quỳ gối, khuân vác vật nặng, gánh cử tạ ở mức thấp... đều khiến khớp gối chịu lực về lâu dài có thể khiến khớp gối nhanh bị thoái hóa.
Đối với phụ nữ, hãy chọn giày có gót thấp nhất có thể. Nếu đi giày cao hơn 3cm sẽ khiến người bị đẩy về phía trước và khó giữ thăng bằng, tăng áp lực lên khớp gối.
Thường xuyên tập các bài tập tăng cường hoạt động của chi dưới như: đứng lên ngồi xuống, duỗi thẳng và xoay tròn khớp gối, nâng chân, căng bắp chân, các động tác chuyên biệt trong yoga... giúp tăng cường sức mạnh khớp gối, giảm đau tức thì.
Nên giữ ấm đầu gối vì phần này thiếu sự bảo vệ của cơ, thịt và mỡ nên ít được cung cấp nhiệt năng, không nên để đầu gối bị quá lạnh hoặc ẩm vào mùa đông.
Chú ý chọn giày ôm vừa chân để tạo sự thăng bằng thật tốt. Người tập thể thao nên mang giày đúng loại thiết kế cho từng môn, việc sử dụng các loại giày sai cách có thể làm đau bắp chân, đôi khi gây đau gối.
Đối với những người đã mắc các chứng bệnh về khớp gối thì có thể áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu: bấm huyệt, châm cứu, tắm bùn, suối khoáng để đả thông kinh lạc, giảm đau xương khớp nhanh chóng.