Bệnh võng mạc do đái tháo đường là một biến chứng của bệnh đái tháo đường, kết quả từ tổn thương các mạch máu của mô nhạy sáng ở phía sau của mắt (võng mạc). Ban đầu, bệnh có thể không để lại triệu chứng hoặc chỉ có vấn đề tầm nhìn nhẹ. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị, bệnh võng mạc do đái tháo đường có thể dẫn đến mù lòa.
Yếu tố nguy cơ và dấu hiệu nhận biết
Bệnh võng mạc do đái tháo đường (VMĐTĐ) xảy ra trong 90% các trường hợp ĐTĐ tiến triển sau 10-15 năm, bất kể ĐTĐ phụ thuộc insulin hay không. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, những tổn thương của bệnh ở đáy mắt sẽ rất nặng nề như phù hoàng điểm, xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc... dẫn đến mù lòa.
Bệnh võng mạc do tiểu đường dễ dẫn đến mù lòa.
Người bị đái tháo đường và kiểm soát lượng đường máu kém càng có nhiều khả năng có phát triển bệnh VMĐTĐ. Nguy cơ lớn hơn nếu có kèm các bệnh như: tăng huyết áp (đặc biệt có biến chứng thận), cholesterol máu cao, phụ nữ đang mang thai bị bệnh đái tháo đường...
Nguyên nhân của bệnh VMĐTĐ có thể hiểu là: do có quá nhiều đường trong máu làm hỏng những mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng võng mạc. Điều này có thể dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường và mất thị lực. Lượng đường trong máu cao cũng có thể ảnh hưởng đến gai thị của mắt. Với mức đường cao hơn trong thời gian dài, các gai thị có thể sưng phù lên, một nguyên nhân gây mờ mắt.
Triệu chứng của bệnh: Bệnh VMĐTĐ thường ảnh hưởng tới cả hai mắt. Khi lượng đường trong máu tăng cao và bắt đầu ảnh hưởng tới mắt, người bệnh thường không biết điều đó, do những triệu chứng rất mờ nhạt, chỉ cảm thấy một chút về tầm nhìn (điều này cũng dễ gặp khi thị lực ngày càng giảm, tỷ lệ nghịch với tuổi tác). Sau đó, các triệu chứng của bệnh gắn liền với hai giai đoạn của bệnh. Các dấu hiệu của bệnh càng rõ nét hơn cùng với sự tiến triển của bệnh như: tầm nhìn dao động, nhìn đêm kém; khu vực tầm nhìn có điểm tối hoặc trống rỗng, khiếm màu sắc; cảm giác có đốm đen (ruồi bay) hoặc các sợi màu đen ở trước mắt...
Những thay đổi ở võng mạc do bệnh ĐTĐ
Các tổn thương có thể chia làm hai nhóm đặc trưng:
Tổn thương giai đoạn sớm còn gọi là tổn thương nền hoặc giai đoạn không tăng sinh: tên gọi này do chưa có sự xuất hiện của các mạch máu mới được tạo ra. Ở giai đoạn này thành mạch máu bị yếu, tạo ra các túi phình (còn gọi là mạch lựu trên thành mạch máu), các chất trong máu và máu có thể thấm qua thành mạch gây ra các đốm xuất tiết. Khi bệnh tiến triển nặng hơn nữa các mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn, gây thiếu máu từng vùng ở võng mạc. Các mạch máu lớn hơn phình to và đường kính không đều (có chỗ phình to, có chỗ thu nhỏ). Các sợi thần kinh ở võng mạc cũng bị phù nề, vùng trung tâm của võng mạc (hoàng điểm - là vùng cho thị lực cao nhất) có khi cũng bị phù nề gây ra phù hoàng điểm. Nếu được phát hiện sớm trong giai đoạn này và được điều trị kịp thời thì có thể phòng ngừa được mù lòa.
Tổn thương giai đoạn nặng còn gọi là tổn thương tăng sinh: Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh. Do võng mạc bị thiếu máu và ảnh hưởng của tăng glucose huyết, các mạch máu mới được tạo ra (tăng sinh mạch máu).
Các mạch máu mới tạo thường phát triển không đúng vị trí, thành mạch cũng rất yếu. Chúng có thể phát triển và chảy máu vào thể kính (thể kính là dịch nằm trong lòng nhãn cầu), các mô sẹo do tăng sinh mạch máu gây ra có thể làm bong võng mạc, dễ dẫn đến mù lòa. Hơn nữa, các mạch máu mới tạo này phát triển vào đường dẫn lưu của dịch đi ra khỏi nhãn cầu, áp lực có thể tăng lên trong nhãn cầu gây ra tăng nhãn áp. Điều này có thể gây tổn thương dây thần kinh dẫn truyền hình ảnh từ mắt đến bộ não.
Khi nào bệnh VMĐTĐ có thể gây mù hoặc giảm thị lực?
Người bệnh cần đặc biệt lưu ý, giảm thị lực dẫn đến mất thị lực rồi mù là biến chứng đáng sợ nhất của bệnh VMĐTĐ, có thể xảy ra khi người bệnh bị: Phù hoàng điểm. Xuất huyết trong thể kính: nếu xuất huyết ít, bệnh nhân có thể thấy đốm đen trước mắt, nếu xuất huyết nhiều có thể gây mù cấp tính. Tuy nhiên, máu có thể sẽ tan sau vài tuần hoặc vài tháng, bệnh nhân có thể nhìn lại được. Bong võng mạc: bong hoàn toàn sẽ gây mù vĩnh viễn. Tăng nhãn áp: có thể gây mù nếu không điều trị kịp thời.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh VMĐTĐ?
Người bệnh ĐTĐ muốn giảm nguy cơ bệnh VMĐTĐ cần thực hiện các biện pháp như: bằng cách làm những điều sau đây: Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên là cách duy nhất để đảm bảo lượng đường trong máu vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu. Có thể cần phải kiểm tra và ghi lại lượng đường trong máu mỗi ngày. Cần nhớ rằng, giữ lượng đường trong máu càng gần bình thường có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh VMĐTĐ và làm giảm sự cần thiết phải phẫu thuật. Bên cạnh đó, người bệnh cần kiểm soát huyết áp và lượng cholesterol trong máu. Tăng huyết áp và tăng cholesterol là những nguy cơ mất thị lực cao. Hãy ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất như một thói quen hàng ngày để đẩy lùi bệnh. Uống thuốc tiểu đường hoặc insulin theo chỉ dẫn.
Người bệnh ĐTĐ nên gặp bác sĩ mắt để kiểm tra mắt hàng năm, ngay cả khi tầm nhìn có vẻ tốt, bởi vì điều quan trọng là phát hiện bệnh võng mạc tiểu đường trong giai đoạn đầu. Nếu có thai, bác sĩ mắt có thể khuyên nên khám mắt thêm trong suốt thời kỳ mang thai, bởi vì mang thai đôi khi có thể xấu đi bệnh võng mạc tiểu đường. Liên lạc với bác sĩ mắt ngay lập tức nếu trải nghiệm thay đổi tầm nhìn bất ngờ hay tầm nhìn trở nên mờ hoặc có những điểm lạ trong tầm nhìn. Phát hiện sớm các tổn thương ở đáy mắt sẽ giúp xử trí kịp thời và ngăn ngừa tiến triển của biến chứng do bệnh VMĐTĐ.
BS. Hiền Thu