Đối phó với bệnh viêm tai hay gặp ở trẻ nhỏ

07-06-2020 21:17 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm tai xương chũm cấp (VTXCC) là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là khi trời nắng nóng, giao mùa như hiện nay.

Đây là biến chứng của bệnh viêm tai giữa do không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách.

Dễ tái phát

Xương chũm là một khối xương nằm lồi gần ngay sau vành tai. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất là do bệnh viêm tai giữa không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách như: người nhà không đưa đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám kịp thời khi bé bị sốt, sổ mũi, đau tai; lỗ thủng không dẫn lưu được mủ; hoặc do mắc một số bệnh nhiễm trùng (sởi, cúm) làm bé mất sức đề kháng; cơ thể trẻ ốm yếu, suy dinh dưỡng; độc tố của vi khuẩn quá mạnh... nên tình trạng sưng viêm không ở tai giữa mà tiến vào xương chũm.

Nguyên nhân bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ là do các vách xương rất mỏng nên từ bệnh viêm tai giữa thông thường rất dễ diễn biến thành VTXCC. Vi trùng từ tai giữa đã xâm nhập vào phần xương chũm phía sau tai, tạo ổ mủ và có thể tạo áp-xe lan ra cả phía sau tai. Bởi, khí hậu thay đổi dễ làm trẻ bị ho, sổ mũi, cảm tạo điều kiện cho siêu vi trùng, vi trùng tấn công tai giữa làm viêm tai giữa cấp.

Xương chũm nằm sâu bên trong tai.

Xương chũm nằm sâu bên trong tai.

Cách nhận biết

Bệnh tiến triển theo nhiều giai đoạn khác nhau có những biểu hiện khác nhau. Biểu hiện điển hình hay gặp trên lâm sàng là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đang được chẩn đoán là viêm mũi họng và viêm tai, đang có tiến triển giảm dần đột nhiên sốt cao tăng trở lại, có thể có triệu chứng màng não như nôn, co giật, cứng gáy. Tại tai: mủ trở nên đặc và nhiều thêm, đau tai tăng, lan xuống cổ và nửa bên đầu. Nghe kém dần. Màng nhĩ đỏ trở lại. Da trên bề mặt xương chũm sưng, đỏ, ấn đau.

Viêm tai xương chũm cấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng hoặc trở thành viêm tai xương chũm mạn tính.

Điều trị đúng để không bị di chứng

Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ có chỉ định cho phù hợp, việc đánh giá trẻ bị VTXCC đang trong giai đoạn nào để điều trị nội khoa theo dõi hay phải mổ cấp cứu là điều rất quan trọng, bởi vẫn có thể xảy ra tình trạng mổ lầm không cần thiết hay mổ quá trễ để xảy ra biến chứng. Nếu bệnh diễn tiến cấp trong vòng ba ngày đầu, chưa tạo áp-xe, có thể điều trị nội khoa tích cực: kháng sinh - kháng viêm đầy đủ, bệnh có thể giảm dần rồi hết. Nếu trẻ đến muộn hơn hay diễn tiến tự nhiên dẫn đến tạo ổ áp-xe lan ra sau tai, lúc đó bắt buộc phải mổ cấp cứu để dẫn lưu mủ.

Bệnh VTXCC nếu được điều trị đúng phác đồ và kịp thời sẽ không để lại di chứng. Trong bệnh viêm tai giữa cấp, nhiều trường hợp khoảng năm ngày sau khi điều trị, trẻ hết bệnh, ngưng chảy mủ, không đau nên người nhà thường có tâm lý chủ quan không tiếp tục điều trị và theo dõi, vì thế chỉ vài ngày sau bệnh tái phát từ đó rất dễ biến chứng thành VTXCC. Đối với những trẻ có tiền sử viêm tai giữa, khi trẻ bị cảm cúm thì bệnh dễ tái phát và có thể tái phát thành nhiều đợt trong năm. Biến chứng có thể xảy ra nếu không xử lý kịp thời là: liệt mặt; áp-xe lan vào não, màng não; nhiễm trùng huyết...

Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu ôm tai vì đau, sốt, sưng sau tai, phụ huynh nên đưa trẻ khám ngay tại bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng vì đây là tình trạng nặng. Điều đặc biệt cần chú ý nếu trẻ có biểu hiện  viêm mũi họng, sổ mũi, chảy mủ tai thì cần khám tại bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc tai mũi họng để xử trí kịp thời, tránh biến chứng nặng hơn.


BS. Minh Thức
Ý kiến của bạn