Đối phó với bệnh do phế cầu khuẩn

30-03-2019 07:46 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Phế cầu khuẩn là một vi khuẩn thường gây bệnh viêm phổi (viêm phổi thùy và tiểu thùy) và trú vùng hầu họng.

Đây là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nguy hiểm ở cả trẻ em và người lớn, có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Phế cầu khuẩn khu trú vùng hầu họng

Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là một vi khuẩn thường gây bệnh viêm phổi (viêm phổi thùy và tiểu thùy) và cũng thường gây bệnh viêm màng não ở trẻ em. Bệnh do phế cầu khuẩn là một trong những bệnh nguy hiểm vì là bệnh thường gặp, bệnh cảnh nặng và chi phí điều trị rất đắt do kháng thuốc.

Phế cầu khuẩn thường trú vùng hầu họng (40-70% trẻ khỏe mạnh mang phế cầu vùng hầu họng) khi giảm sức đề kháng sẽ gây viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản; nặng hơn là gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây tổn thương nhiều cơ quan khác và tử vong.

Vi khuẩn lây từ những người đang có bệnh hay người lành mang vi khuẩn sang người giảm đề kháng với phế cầu vì đang bệnh do nguyên nhân khác: dị ứng, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, cắt lách, thiếu máu bệnh hồng cầu hình liềm, hội chứng thận hư... Những người thường xuyên phải nhập viện: bệnh đái tháo đường, viêm phế quản mạn, thiểu năng hô hấp, COPD, suy tim, nghiện rượu, nghiện thuốc lá...

Tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa hữu hiệu bệnh do phế cầu khuẩn.

Tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa hữu hiệu bệnh do phế cầu khuẩn.

Dấu hiệu có thể nhận biết

Triệu chứng lâm sàng của bệnh do phế cầu rất khó phân biệt các bệnh do các nguyên nhân khác như virut cúm A, vi khuẩn Haemophilus influenzae type B hoặc do nấm. Triệu chứng viêm phổi do phế cầu cũng biểu hiện như viêm phổi do các vi trùng khác: sốt, ho, thở nhanh, nặng hơn sẽ gây khó thở, tím tái.

Triệu chứng viêm màng não do phế cầu cũng biểu hiện như viêm màng não do các nguyên nhân khác: sốt hoặc hạ thân nhiệt trường hợp bệnh nặng, bú kém ở trẻ nhỏ, có dấu hiệu thóp phồng ở trẻ nhỏ, nôn/buồn nôn, lừ đừ, li bì hoặc quấy khóc, co giật hoặc ưỡn cong người, nhức đầu, sợ ánh sáng.

Chẩn đoán xác định bệnh do phế cầu cần có kỹ thuật xét nghiệm đạt chuẩn bằng cách nuôi cấy và phân lập mẫu như: dịch phết họng, dịch đường hô hấp: viêm phổi, viêm phế quản, viêm phế quản phổi; dịch não tủy: viêm màng não; máu: viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết...

Bệnh phế cầu khuẩn là một bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ tử vong rất cao. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính hằng năm có khoảng 1,6 triệu người chết, trong đó gần 50% là trẻ em dưới 5 tuổi. Số trẻ em tử vong do nhiễm phế cầu khuẩn khoảng 11% tổng số trẻ dưới 5 tuổi chết do mọi nguyên nhân. Vi khuẩn đã kháng rất nhiều loại kháng sinh thông dụng nên việc điều trị rất tốn kém và khó khăn.

Phòng bệnh có khó?

Để phòng các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra, tiêm chủng là một trong những biện pháp được khuyến cáo đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ cao. Một số vắc-xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn đã lưu hành tại Việt Nam như Preumo 23 (vắc-xin polysacharide đơn thuần gồm 23 thành phần kháng nguyên, ký hiệu là PPV23) được khuyến cáo có thể dùng cho trẻ trên 2 tuổi và các đối tượng nguy cơ cao; Synflorix (vắc-xin polysacharide cộng hợp gồm 10 thành phần kháng nguyên, ký hiệu là PCV10) chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi.

Bên cạnh phòng ngừa bằng vắc-xin thì các biện pháp phòng ngừa không dùng thuốc vẫn được khuyến cáo mạnh mẽ. Cụ thể, mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh cần thiết, duy trì thói quen sống lành mạnh để cơ thể tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ và gia đình:

Giữ môi trường sống thoáng đãng, sạch sẽ.

Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm rất nhiều hoa quả, rau, chất xơ và protein nạc. Uống nhiều chất lỏng giúp loại bỏ sự tắc nghẽn, bổ sung vitamin C, kẽm để tăng sức đề kháng.

Rửa tay thường xuyên với xà phòng, sử dụng dung dịch rửa tay nhanh chứa cồn bất cứ khi nào bạn không thể rửa tay.

Giữ trẻ em và trẻ sơ sinh hạn chế tiếp xúc nơi đông người, tránh xa những người bị cảm lạnh hoặc cúm.

Đảm bảo giữ ấm cho trẻ; giữ cho mũi trẻ sạch và khô, dạy con hắt hơi và ho vào khuỷu tay thay vì dùng tay. Điều này có thể giúp làm giảm sự lây lan của vi trùng sang người khác.

Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đầy đủ, nhất là khi đang phục hồi từ bệnh cảm lạnh hay bệnh khác.

Tránh hút thuốc.

Tới các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị kịp thời khi có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ.

Đối với bệnh nhân liệt giường hoặc người sau phẫu thuật: hít thở sâu, tập ho, giữ tay sạch sẽ, nằm thẳng, đầu cao góc 30-45 độ, vệ sinh răng miệng, có thể khử trùng miệng bằng chlorhexadine, ngồi càng nhiều càng tốt, đi bộ càng sớm càng tốt.


BS. Nguyễn Thế Thịnh
Ý kiến của bạn