Đối phó quấy rối tình dục công sở

25-09-2015 07:20 | Giới tính
google news

SKĐS - Khoảng 40%–50% nữ nhân viên và khoảng 10% nam nhân viên đã từng một lần là mục tiêu của quấy rối tình dục (QRTD).... Quấy rối tình dục là gì?

QRTD là một hình thức quấy nhiễu mà đặc biệt là hướng về giới tính của người có liên can. QRTD bao gồm bất kỳ hành vi tình dục ngoài ý muốn nào kể cả việc đụng chạm hoặc thậm chí lời nói về tình dục. Nhưng đôi lúc ranh giới có thể mập mờ giữa chọc ghẹo, tán tỉnh và QRTD . Ngoài những việc khác, QRTD  là những hành động và nhận xét làm hổ thẹn hay làm nhục về tình dục và có liên quan đến giới tính, tiếp cận cơ thể không được sự mong muốn, tiếp cận trong quan hệ hứa hẹn ban thưởng và/hay trấn áp.

Ngày nay, phần lớn các nước phương Tây QRTD  được coi là phân biệt đối xử và là trái luật, thí dụ như theo ý nghĩa của luật lao động nhưng phải phân biệt với việc lạm dụng tình dục dưới hình thức xâm chiếm tình dục cũng như là sử dụng bạo lực cơ thể mà về phía nó thông thường là đã đầy đủ tình trạng tội phạm Theo một nghiên cứu được thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu thì khoảng 40%–50% nữ nhân viên và khoảng 10% nam nhân viên đã từng một lần là mục tiêu của QRTD.

Hãy học cách tự cứu mình thoát khỏi những hành vi quấy rối.

“Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc”

Đây là một sản phẩm của Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp VN nghiên cứu, xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo một nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, chiếm phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) trong độ tuổi từ 18 đến 30. Ở Việt Nam, QRTD  tại nơi làm việc và trong xã hội được nhìn nhận như một vấn đề nhạy cảm, khó nói nên có rất ít thông tin để chia sẻ. Tuy nhiên trên thực tế, những hình thức thể hiện của hành vi này lại vô cùng phong phú, có thể được biểu thị dưới dạng hành động, cử chỉ, lời nói và thậm chí là không bằng lời nói khiến cho “nạn nhân” hết sức bức xúc. Đơn giản có thể chỉ là cái liếc mắt đưa tình, hoặc nhìn chằm chằm vào một bộ phận nào đó trên cơ thể người khác giới hay nói bóng gió, gửi ảnh liên quan đến tình dục. Nguy hiểm hơn, đó có thể là sự động chạm một cách cố ý, hay có những hành động trên cơ thể người khác mà không được sự đồng ý của họ và tiến tới sẽ là việc đưa ra những “lời đề nghị khiếm nhã” hoặc có những hành động sàm sỡ, táo bạo ở nơi vắng người.

“Bộ quy tắc ứng xử về QRTD  tại nơi làm việc” được xây dựng, tham chiếu từ các bộ quy tắc thực hành phòng chống QRTD  của các nước trên thế giới. Đây là tài liệu tham khảo (không phải luật) để các doanh nghiệp vận dụng, căn cứ vào đó để đưa vào nội quy của doanh nghiệp mình. Bộ quy tắc này giúp giải quyết những điểm vẫn chưa được pháp luật hướng dẫn cụ thể trong việc phòng chống vấn đề QRTD  tại nơi làm việc.

Đối phó với QRTD công sở?

Trên thực tế, những hành vi sàm sỡ xảy ra tương đối phổ biến nhưng lại thường bị bỏ qua, trừ khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong các nghiên cứu, nạn nhân bị quấy rối tình dục được chia thành 2 trường hợp, thứ nhất là những người bị QRTD song lại không nhận thức được, thứ hai là những đối tượng dù biết nhưng vẫn cố chịu đựng, chấp nhận để đánh đổi lấy địa vị, được thăng quan, tiến chức. Phần lớn những người lao động, nạn nhân của tình trạng QRTD  chỉ sẽ chỉ bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp khi họ bị quấy rối nghiêm trọng trong một thời gian dài. Lý do của việc chịu đựng  này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau: có thể đó là do vì ngượng ngùng và lo ngại mất việc, nhưng cũng có thể vì sợ người xung quanh đàm tiếu, sợ chồng biết sẽ đánh ghen, dễ khiến cho họ bị rơi vào tình trạng chấp nhận im lặng, cam chịu…

Để đối phó với tình trạng này cần nâng cao nhận thức về sự tồn tại của các hình thức QRTD  tại nơi làm việc, cách thức ngăn ngừa và nội dung của khung  pháp lý có liên quan đến QRTD  cho người  lao động và người sử dụng lao động. Do bản chất nhút nhát, người phụ nữ thường bỏ qua sự việc bị QRTD, tuy nhiên càng nhẫn nhịn họ lại càng bị quấy rối nhiều hơn. Các tổ chức phụ nữ và quần chúng khác có thể đóng vai trò xúc tác thúc đẩy và hỗ trợ đối với những cá nhân bị QRTD nơi làm việc, đặc biệt khích lệ họ trong báo cáo về các hành vi QRTD.

Mới đây, trong Lễ công bố “Bộ quy tắc ứng xử về QRTD  tại nơi làm việc” do VCCI, Bộ LĐ - TB & XH, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam phối hợp cùng ILO Việt Nam tổ chức,  Bộ LĐ-TB& XH cho hay đến năm 2017 sẽ có luật xử phạt cụ thể với hành vi QRTD nơi làm việc. Từ giờ cho đến lúc có bộ luật này, mỗi chúng ta hãy học cách tự cứu mình thoát khỏi những hành vi quấy rối.

Nguyễn Hưng


Ý kiến của bạn