Hà Nội

Đối phó nhiều dịch bệnh mùa hè cùng lúc diễn biến phức tạp

08-05-2014 17:27 | Thời sự
google news

SKĐS - PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch bệnh mùa hè sẽ có những diễn biến phức tạp với nhiều loại dịch bệnh cùng lúc.

Tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về tình hình dịch bệnh mùa hè chiều 8/5, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch bệnh mùa hè sẽ có những diễn biến phức tạp với nhiều loại dịch bệnh cùng lúc.

Năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận các ca tử vong do mắc sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, dại, viêm não virus, cúm A/H5N1. Đây đều là những bệnh thường gia tăng vào mùa hè, thậm chí có thể bùng phát thành dịch.

 

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình dịch bệnh mùa hè.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình dịch bệnh mùa hè.

Thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 191 ca viêm não virus- tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, cũng ghi nhận 15 ca tử vong do bệnh dại, 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, 2 ca tử vong do bệnh tay chân miệng, 2 trường hợp cúm A/H5N1 tử vong và 136 ca tử vong và nặng xin về liên quan đến sởi.

Các dịch bệnh khác như thủy đậu, bại liệt, viêm đường hô hấp cấp tính tại Trung Đông (MERS-CoV), cúm A/H7N9, A/H5N6 mặc dù xuất hiện lẻ tẻ hoặc chưa ghi nhận tại Việt Nam nhưng cũng là mối đe dọa thường trực có thể gây dịch bất cứ lúc nào.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Việt Nam cũng có những người học tập, lao động tại Trung Đông Hiện Tổ chức Y tế thế giới chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các quốc gia nên nếu không có biện pháp tốt thì có thể lây nhiễm và mang mầm bệnh MERS-CoV xâm nhập vào nước ta. Vì bệnh lây qua đường hô hấp nên có diễn biến phức tạp, dù hiện nay mức độ nguy hiểm của virus này chưa bằng với virus SARS nhưng cũng không thể chủ quan.

Tương tự, dịch cúm A(H7N9) chủ yếu tại Trung Quốc hiện có xu hướng giảm nhưng chưa chấm dứt. Vào mùa đông-xuân dịch có thể bùng phát lại. Dịch cúm A(H5N1) tại Camphuchia cũng hết sức phức tạp vì số mắc cao, giao lưu đi lại giữa hai nước nhiều. Đặc tính của virus cúm là luôn luôn biến đổi, biến chủng phức tạp nên cần được tiếp tục theo dõi.

PGS.TS. Phạm Nhật An, Phó giám đốc BV Nhi TƯ vui mừng thông báo "sức ép quá tải" tại BV hiện đã giảm.

PGS.TS. Phạm Nhật An, Phó giám đốc BV Nhi TƯ thông báo "sức ép quá tải" tại BV hiện đã giảm.

Trước tình hình virus bại liệt hoang dại đang tăng cao ở một số nước, Bộ Y tế cũng đang theo dõi chặt chẽ, không để virus bại liệt xâm nhập. Chỉ cần một ca bệnh được phát hiện cũng rất nguy hiểm, có thể rất nhiều người mang mầm bệnh mà không có triệu chứng. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 nên nếu có ghi nhận ca mắc thì là virus bại liệt xâm nhập, đi từ các nước đang có bệnh về chứ không phải bệnh lưu hành trong nước.

Bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng cao ở một số tỉnh, đã có 18.659 ca mắc và 2 trẻ tử vong tại Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu. Dù giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cảnh báo sẽ có diễn biến phức tạp trong năm nay. TS Phu nhận định, đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa và việc khống chế rất phức tạp nên cần hết sức cảnh giác, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam chủ yếu lưu hành chủng EV71, gây bệnh cảnh nặng hơn so với ở miền Bắc chủ yếu là coxsackie virus.

Cùng với đó, bệnh sốt xuất huyết là một bệnh lưu hành hàng năm ở nước ta cũng diễn biến hết sức phức tạp với 41 tỉnh, thành phố ghi nhận 8.137 ca mắc, trong đó 4 ca tử vong tại khu vực phía Nam. TS Phu lưu ý, muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết thường sinh sản ở môi trường nước trong như: bể nước, chậu hoa, lọ hoa cây sống đời, bắt nước để sau tủ lạnh... Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh, có 4 tuýp virus gây bệnh, các tuýp không có miễn dịch chéo vì thế một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau, như thế bệnh nặng hơn. Theo TS Phu, việc giải quyết dịch sốt xuất huyết giai đoạn hiện nay khó hơn trước rất nhiều do người dân vẫn chưa thay đổi hành vi chứa nước sạch tích trữ, chưa xử lý triệt để nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

Theo ông Phu, dịch bệnh ở nước ta và cả trong khu vực, thế giới luôn ẩn chứa nguy cơ bùng phát. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung các biện pháp phòng chống các dịch bệnh mùa hè, đặc biệt lưu ý tay chân miệng và sốt xuất huyết.

“Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Tuy nhiên cần lưu ý là giải quyết vấn đề dịch phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành y tế chỉ tham mưu về mặt chuyên môn”, ông Phu nhấn mạnh.

Về diễn biến dịch sởi, TS Phu cho biết, trên thế giới dịch bệnh này có diễn biến phức tạp hơn rất nhiều, một số nước gần như loại trừ thậm chí đã thanh toán bệnh này những cũng có các ca bệnh xâm nhập. Chủng virus gây bệnh lưu hành tại khu vực Tây Thái Bình Dương và Việt Nam chủ yếu vẫn là chủng H1, B3, và D8, chưa có thay đổi kiểu gene, độc lực của virus. Hiện dịch sởi tại một số địa phương ở nước ta đã chững lại và bắt đầu giảm. Ngành y tế vẫn khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ bắt đầu từ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, mũi 2 vào 15-18 tháng tuổi, riêng vắcxin sởi-quai bị-rubella tiêm vào 12 tháng tuổi và 4 tuổi.

Liên quan đến việc điều trị bệnh sởi, cũng tại cuộc họp, PGS.TS. Phạm Nhật An, Phó giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, hiện sức ép quá tải tại BV đã giảm nhiều nên vấn đề lây nhiễm chéo cũng giảm hẳn. Hiện tại còn hơn 200 bệnh nhi mắc sởi đang điều trị nội trú tại BV.

Bên lề cuộc họp báo, trước ý kiến lo ngại chúng ta sẽ phải đối mặt với việc “dịch chồng dịch”, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, dịch bệnh thường xuất hiện gia tăng theo chu kỳ. Từ kinh nghiệm trong việc phòng, chống bệnh sởi, đối với các dịch bệnh khác, trong năm 2014 này, ngành y tế hết sức đề cao cảnh giác trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngành y tế đã “kích hoạt” hệ thống y tế trên toàn quốc từ dự phòng đến điều trị rồi đảm bảo vắc xin, nâng cao năng lực chuyên môn của y tế các tuyến… nhằm giải quyết triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh, quyết liệt không để dịch bệnh bùng phát.

 

Hạ Hiền – Trần Minh


Ý kiến của bạn