Đối phó loãng xương ở người cao tuổi

09-06-2015 14:00 | Dược
google news

SKĐS - Bà tôi 65 tuổi, thường xuyên bị đau mỏi xương khớp. Vừa rồi lại còn bị ngã gãy xương.

Bà tôi 65 tuổi, thường xuyên bị đau mỏi xương khớp. Vừa rồi lại còn bị ngã gãy xương. Bác sĩ bảo bà tôi bị loãng xương, cần phải điều trị. Tôi nghe nói có một loại thuốc tiêm truyền điều trị bệnh này sẽ hợp với bà tôi hơn. Xin quý báo giúp tôi hiểu rõ hơn về loại thuốc này. Tôi xin cảm ơn!

Đỗ Văn Hạnh (Bắc Ninh)

Loãng xương là tình trạng mật độ canxi và khoáng chất trong xương suy giảm, làm cho xương trở nên giòn, xốp, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Những đối tượng có nguy cơ cao là người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh.

Khi dùng thuốc trị loãng xương có thể gây tác dụng phụ như đau cơ, sốt, nôn...

Loại thuốc đường truyền mà bạn nói tới nhưng lại không nêu tên nó là gì nên chúng tôi không thể tư vấn một cách rõ ràng được. Nhưng hiện nay có loại thuốc điều trị loãng xương đường truyền có chứa hoạt chất acid zoledronic, là một chất thuộc nhóm bisphosphonat, có tác dụng đối với bệnh nhân loãng xương do làm ức chế tế bào hủy xương. Thuốc làm giảm 70% nguy cơ gãy xương sống và 28% nguy cơ tử vong sau gãy xương. Bình thường khi sử dụng các thuốc nhóm bisphosphonat dạng uống, bệnh nhân phải uống khi đói, uống nhiều nước, sau khi uống phải ngồi hoặc đứng 30 phút vì thuốc có thể gây viêm thực quản và loét dạ dày. Dùng thuốc dạng tiêm truyền trực tiếp vào tĩnh mạch có thể khắc phục được nhược điểm này. Hơn nữa, thuốc chỉ cần truyền 1 lần/năm nên thích hợp với bệnh nhân ngại uống thuốc hoặc không thể uống thuốc và cũng tránh trường hợp bệnh nhân không tuân thủ điều trị bỏ thuốc giữa chừng.

Tuy nhiên, thuốc có một số nhược điểm khi sử dụng như: 55% trường hợp bệnh nhân gặp phải triệu chứng đau cơ, đây là tác dụng phụ hay gặp nhất; 44% bị sốt và nôn; trên 20% có dấu hiệu mệt mỏi, tiêu chảy, ho...

Với trường hợp của bà bạn, nếu ngại hoặc có nguy cơ dùng thuốc không đều hoặc bỏ thuốc giữa chừng khi điều trị bằng thuốc uống thì dùng thuốc đường truyền có thể phù hợp hơn. Tuy nhiên, bạn nên đưa bà đi khám để biết được mức độ loãng xương như thế nào? có bị dị ứng với thuốc hay không? có thể sử dụng được thuốc này hay không? Và điều cơ bản là sẽ được tư vấn cụ thể hơn về các thuốc khác cũng như các biện pháp khác bên cạnh việc sử dụng thuốc.

ThS. Nguyễn Vân Anh

 

 

 

 


Ý kiến của bạn