Ngày 2/6, tại Bắc Ninh, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn truyền thông y tế năm 2022. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang dự và phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của gần 250 đại biểu là lãnh đạo các Vụ/Cục/ Viện/Bệnh viện/Trường và cán bộ làm công tác truyền thông y tế của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tham dự.
Minh bạch hóa và chủ động thông tin về các lĩnh vực y tế
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ, y tế là ngành đặc thù, công tác truyền thông tốt sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân từ đó không chỉ bảo vệ, nâng cao sức khỏe mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với hệ thống an sinh xã hội.
Hơn 2 năm qua, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng và công tác truyền thông y tế nói chung được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế góp phần đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Nhu cầu thông tin của người dân về diễn biến tình hình dịch, các hoạt động phòng, điều trị bệnh, khuyến cáo, thông điệp phòng dịch đòi hỏi ngày càng cao.
"Do đó, những thông tin y tế chính thống cần phải chiếm ưu thế và chủ đạo trong các luồng thông tin xã hội nhằm tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân; góp phần tạo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua, Ngành Y tế cùng với các lực lượng truyền thông đã phát huy những kinh nghiệm quý báu trong công tác truyền thông y tế qua các đợt dịch COVID-19. Đó là minh bạch hóa và chủ động thông tin, phát huy sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, sự thâm nhập và lan tỏa của hệ thống tuyên giáo để truyền thông tới người dân các nội dung phòng, chống dịch và những sự nỗ lực, cố gắng, cống hiến hết mình của nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu trên mọi miền Tổ quốc.
Các cơ quan, đơn vị trong ngành đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế. Xây dựng hệ thống truyền thông trong ngành triển khai nhịp nhàng từ cấp trung ương xuống địa phương giúp tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông y tế, đặc biệt là truyền thông phòng, chống dịch COVID-19. Từ đó, tạo nên dòng thông tin chính thống, phản biện lại thông tin giả, tin xấu độc với phương châm truyền thông y tế minh bạch, chính xác, hiệu quả và tin cậy.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nhắc đến việc trong thời gian qua, ngành y tế đã thiết lập, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ công tác truyền thông y tế với các cơ quan, đơn vị ngoài ngành; tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; và tầm ảnh hưởng của cơ quan báo chí truyền thông trong và ngoài ngành.
Cùng đó truyền thông y tế hướng đến sự đổi mới nội dung, phương thức cung cấp thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, sử dụng triệt để thế mạnh của mạng xã hội, truyền thông số.
"Các văn bản chỉ đạo, điều hành đã được mềm hóa bằng nhiều hình thức như Infographic, Videoclip, Audioclip, MV ca nhạc, Poster, phim hoạt hình, vũ điêu nhảy… Bên cạnh đó, đã phân khúc sản phẩm truyền thông tính đến từng nhóm đối tượng theo đặc điểm về độ tuổi, giới tính, vùng miền, văn hóa khác nhau để tạo nên nhiều chiến dịch truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam (facebook, zalo, youtube, viber, tiktok,…)"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác truyền thông y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng thẳng thắn cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn tiến phức tạp, nhiều biến chủng virus mới mà hiểu biết của giới khoa học luôn phải cập nhật và bổ sung dẫn đến có đôi lúc công tác truyền thông còn bị động chưa theo kịp được tình hình thực tế. Đây là một thách thức rất lớn trong điều kiện công tác truyền thông ngành y tế còn rất thiếu thốn về mọi nguồn lực (nhân lực, vật lực)…
Mỗi cán bộ y tế phải là một cán bộ truyền thông
Theo Lãnh đạo Bộ Y tế, để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 thì một trong những yếu tố quan trọng đó là nâng cao năng lực truyền thông của các cán bộ làm công tác truyền thông.
"Với phương châm mỗi cán bộ y tế là một cán bộ truyền thông, chính đội ngũ các y bác sỹ, cán bộ y tế sẽ là một chiến sỹ thông tin tạo dòng chảy thông tin chính thống, minh bạch để huy động sự đồng thuận của cộng đồng đối với các hoạt động của ngành y tế"- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý trong thời gian tới, công tác truyền thông y tế vẫn sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp lãnh đạo; sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cán bộ y tế.
"Do đó mỗi cán bộ làm công tác truyền thông của các đơn vị y tế tế cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm và phát huy vai trò, khả năng của mình, nguồn lực của tập thể để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông y tế"- Thứ trưởng nói.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao đổi, đánh giá và chia sẻ về công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020 - 2022 cũng như các hoạt động truyền thông y tế nóichung;
TS Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng Khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tập huấn các kỹ năng truyền thông và xu hướng truyền thông hiện đại với ngành Y tế.
Đồng thời, các đại biểu cũng được nghe phân tích và ứng xử với một số tình huống thực hành các kỹ năng truyền thông ngành Y tế...