PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh thông tin trên tại Hội nghị khoa học khu vực Đông Nam Á với chủ đề "Dinh dưỡng với sức khỏe người cao tuổi" do Trường Đại học Y Dược Thái Bình phối hợp với Hội Dinh dưỡng Việt Nam tổ chức thu hút sự tham gia của 5 nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Hội nghị thu hút 300 đại biểu tham gia trực tiếp và 175 điểm tham gia trực tuyến đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, khoa Dinh dưỡng các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện trung ương, bệnh tỉnh/ thành. GS. Hardinsyah Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng châu Á tham dự hội nghị.
Người Việt Nam có tuổi thọ trung bình cao, nhưng lại chịu gánh nặng bệnh tật kép
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, thế kỷ XXI được gọi là thế kỷ già hóa dân số. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2050, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi từ 11%- 22%.
Tại các nước ASEAN có gần 60 triệu người cao tuổi chiếm 9,3% tổng dân số; năm 2050 sẽ tăng lên 24% tổng dân số và trở thành khu vực dân số già.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Đến năm 2022, Việt Nam có khoảng 12,56 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm tỷ lệ 12% dân số. Dự báo, Việt Nam là một trong những Quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới nhận định sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Người Việt Nam có tuổi thọ trung bình cao (73,7 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh là khoảng 65,3 tuổi và chịu gánh nặng bệnh tật kép (khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây nhiễm).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, già hóa dân số có thể mang lại các giá trị tăng thêm đối với mỗi gia đình và xã hội nếu người cao tuổi được chuẩn bị và có thể sống tự lập, tự chủ càng lâu càng tốt.
Những năm qua, Việt Nam xác định dinh dưỡng là một trong những vấn đề sức khỏe cần được ưu tiên. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của ngành Y tế và cùng sự tham gia tích cực của các ban, ngành và toàn xã hội tình trạng dinh dưỡng của người dân được cải thiện. Việt Nam đã ban hành các chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có nhấn mạnh tầm quan trọng của Dinh dưỡng với sức khỏe và dinh dưỡng cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đại biểu tích cực, chủ động chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và cho ý kiến về các nội dung dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe nói chung, đặc biệt là sức khỏe người cao tuổi trong đó lưu ý đến: Dinh dưỡng cho mọi đối tượng, đặc biệt là đối tượng đặc thù, đối tượng có nguy cơ cao, trong đó có người cao tuổi; Thực hiện dinh dưỡng dự phòng, dinh dưỡng trong điều trị bệnh và dinh dưỡng cộng đồng; Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng.
Dinh dưỡng dự phòng phải gắn liền với dinh dưỡng điều trị
Để thực hiện những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, PGS.TS. Phạm Ngọc Khái, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam nhấn mạnh: Xác định với vai trò là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội Dinh dưỡng Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước ở các trường đại học, các viện nghiên cứu đến các cơ sở phục vụ chăm sóc người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu đưa nhanh kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đến với chăm sóc dinh dưỡng người cao tuổi.
"Các cán bộ chuyên ngành dinh dưỡng đang đứng trước những trọng trách, thách thức mới trước nhu cầu thực tiễn trong tiến trình già hóa dân số cùng với sự đổi mới trong phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh liên quan đến gánh nặng kép về dinh dưỡng cho người cao tuổi đang phổ biến ở cả bệnh viện và gia đình"- PGS.TS. Phạm Ngọc Khái nói.
Theo đó, dinh dưỡng dự phòng phải gắn liền với dinh dưỡng điều trị với mục tiêu lồng ghép không chỉ phòng bệnh, phục hồi dinh dưỡng, hỗ trợ điều trị mà phải dự phòng diễn biến nặng của các biến chứng, nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi.
Thực tiễn này đòi hỏi phải đổi mới phương pháp tiếp cận trong chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi, đưa ra những mô hình hoạt động liên ngành giữa y tế với các ngành sản xuất, chế biến, cung cấp dịch vụ ứng dụng dinh dưỡng và thực phẩm, đảm bảo chăm sóc dinh dưỡng phải trở thành một chu trình khép kín từ cộng đồng đến bệnh viện, từ từng nhóm đối tượng đến từng cá thể.
Hội nghị Khoa học Dinh dưỡng người cao tuổi khu vực Đông Nam Á lần này có nhiều báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước gửi đăng ký tham gia hội nghị, trong đó có 15 báo cáo trình bày trực tiếp tại Hội nghị.