Bệnh viện Đa khoa Cái Răng, TP. Cần Thơ thành lập trên cơ sở nâng cấp phòng khám đa khoa khu vực thị trấn Cái Răng. Do nhân lực thiếu, cơ sở chật hẹp lại xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, mặc dù được công nhận là bệnh viện hạng 3 nhưng vẫn chưa triển khai tất cả các khoa, phòng theo quy định của một bệnh viện hạng 3. Trong bối cảnh ấy, Đề án 1816 (cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên đến hỗ trợ tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh) triển khai thực hiện từ gần 2 năm nay góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Có mặt từ sáng sớm tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Cái Răng, TP. Cần Thơ, chúng tôi thấy rất đông bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám bệnh. Trong phòng khám, bác sĩ Nguyễn Minh Triết, được tăng cường từ Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đang tất bật với công việc chuyên môn. Bác sĩ Triết đang khám bệnh cho một bệnh nhân bị bệnh ung thư cổ tử cung đã điều trị được hơn 2 năm. Theo lời bệnh nhân, 8 tháng nay, thỉnh thoảng bà đi cầu ra máu, người mệt mỏi, chóng mặt. Sau khi xem các hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, xét nghiệm trước đây của bệnh nhân, bác sĩ Triết ôn tồn nói: "Trước đây, dì được xạ trị để điều trị ung thư. Vì thế đây có thể là tác dụng phụ của xạ trị. Hiện nay, cơ thể của dì thiếu máu rất nặng, lượng máu của cơ thể chỉ còn 50% so với người bình thường nên dì hay bị chóng mặt, mệt mỏi. Với những biểu hiện của bệnh, dì cần phải được nhanh chóng đến bệnh viện tuyến trên để điều trị ngay".
Luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới đã làm thay đổi diện mạo y tế cơ sở. |
Trong một buổi sáng, bác sĩ Triết khám bệnh cho khoảng hơn 10 bệnh nhân bị bướu cổ, nổi hạch, ung thư. Vừa khám, bác sĩ Triết vừa trao đổi, cung cấp thông tin với các bác sĩ khác tại bệnh viện. Có trường hợp, bác sĩ Triết có thể giải quyết cho đơn thuốc, làm tiểu phẫu ngay tại bệnh viện, cũng có bệnh nhân phải được chuyển đến bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị. Tham gia khám bệnh trực tiếp, bác sĩ Triết còn hướng dẫn bác sĩ, nhân viên của khoa khám bệnh làm tiểu phẫu các bướu lành tính. Bệnh viện cũng đã thông báo cho các trạm y tế và người dân biết hàng tuần bác sĩ Triết sẽ khám bệnh về bướu, khối u tại đây. Vì thế, lượng bệnh nhân đến khám khá đông. Điều này cũng góp phần giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ mà bệnh nhân cũng không phải đi xa như trước.
Theo Đề án 1816, Bệnh viện Đa khoa Cái Răng sẽ nhờ tuyến trên hỗ trợ khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật mới nhưng đồng thời bệnh viện có trách nhiệm chuyển giao những kỹ thuật cần thiết cho các trạm y tế. Vừa qua, bệnh viện đã mời lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trạm y tế phường trên địa bàn quận đến để khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các phường. Đồng thời, bệnh viện cử bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm đến các Trạm y tế khảo sát và ký kết hợp đồng triển khai chuyên môn kỹ thuật. Bệnh viện mời cán bộ các trạm y tế đến để tập huấn và thực hành, sau đó, cử người đến kiểm tra việc thực hiện kỹ thuật mới này ngay tại trạm. Nhờ cách làm này, cán bộ ở trạm y tế tiếp thu rất nhanh. |
Vừa qua, bệnh viện đã chuyển giao kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu như cấp cứu ngưng tim, ngưng thở, băng bó và cố định các loại gãy xương thường gặp, 5 tai biến sản khoa thường gặp, kỹ thuật đo điện tim và hướng dẫn đọc các điện tim cơ bản, xét nghiệm máu và sinh hóa máu... để cán bộ y tế phường có thể sơ cứu những ca bệnh nặng qua cơn nguy kịch.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án 1816 còn gặp không ít khó khăn. Các bệnh viện tuyến trên của Cần Thơ cũng trong tình trạng thiếu nhân lực nên việc cử bác sĩ về tăng cường cho bệnh viện tuyến dưới cũng hạn chế. Bên cạnh đó, các trang thiết bị, nhân lực và cơ sở hạ tầng của bệnh viện tuyến dưới chưa đồng bộ cũng làm ảnh hưởng tới hiệu quả Đề án 1816 tại đây.
Bài và ảnh: Huệ Hoa