PGS. TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo góp ý xây dựng Thông tư phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật cơ sở khám chữa bệnh do Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc tổ chức ngày 30/10, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đưa ra thông tin lâu nay, quy định phân tuyến được phân chia theo đơn vị quản lý hành chính gồm: tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã. Cả nước hiện có 1.451 cơ sở y tế được phân tuyến, phân hạng cũng như chưa được phân tuyến và phân hạng, tuyến trung ương có 4 BV hạng đặc biệt, hạng I có 32 BV, còn lại là các tuyến tỉnh - huyện - xã.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh,
sự bất cập này thể hiện ở chỗ nhiều BV tuyến huyện có năng lực, kỹ thuật cao, thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến nhưng không được xếp ở mức cao hơn. Đặc biệt, các BV tuyến tỉnh, nhất là các BV chuyên khoa có nơi năng lực kỹ thuật còn thấp hơn các BV tuyến huyện nhưng vẫn là nơi BV tuyến huyện chuyển bệnh nhân lên
Theo ông Trọng Khoa, việc phân hạng theo một nội dung tiêu chí đánh giá và xếp mức chung cho tất cả các tuyến kỹ thuật BV là không phù hợp, vì mỗi tuyến BV có chức năng và phân tuyến kỹ thuật khác nhau. Do đó, việc phân hạng BV để làm căn cứ xác định mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị cũng không hợp lý, thiếu sự công bằng với các BV tuyến cao hơn, thực hiện những kỹ thuật cao hơn nhưng ở hạng thấp hơn.
Chia sẻ thêm thông tin, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong thời gian qua, công tác khám, chữa bệnh đã có những thay đổi vượt bậc, nhiều kỹ thuật phát triển ngày càng đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Mặc dù vậy, PGS. TS Lương Ngọc Khuê cũng thẳng thắn cho hay, việc phân cấp, phân hạng BV hiện nay đang bộc lộ những bất cập như chưa đánh giá sát với năng lực của các BV; Thiếu sự kết nối hoặc kết nối lỏng lẻo giữa các tuyến kỹ thuật (do tự chủ tài chính) trong hệ thống chuyển tuyến khám, chữa bệnh.
“Quy định cho phép thông tuyến khám, chữa bệnh ở tuyến huyện làm giảm số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại trạm y tế xã. BV tuyến huyện có năng lực kỹ thuật cao, thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến nhưng không được xếp mức cao hơn. BV tuyến tỉnh (đặc biệt các BV chuyên khoa) năng lực kỹ thuật thấp hơn (có thể BV tuyến huyện), nhưng vẫn là nơi BV tuyến huyện phải chuyển người bệnh lên- theo quy định tại TT 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của BYT quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám BHYT).
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý xây dựng thông tư phân tuyến chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám chữa bệnh (ảnh minh hoạ)
Do đó, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, đổi mới hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh theo định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển, chất lượng. Hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh hướng đến mục tiêu bao phủ toàn dân (universal coverage), mọi người đều có thể tiếp cận, với chi phí phù hợp.
Dự thảo Thông tư mới về phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật cơ sở khám, chữa bệnh sẽ dựa trên các quy định về chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật, năng lực thực hiện kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời sẽ phát huy những ưu điểm của hệ thống đang vận hành từ trước đến nay, đồng thời tiến tới xu hướng quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tinh gọn, hiệu quả, chất lượng của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực. Bảo đảm tính công bằng, áp dụng thống nhất chung cho cơ sở y tế công lập và tư nhân
Theo dự thảo, Thông tư này ra đời nhằm hướng dẫn điều chỉnh phân tuyến chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, làm cơ sở xác định các tuyến chuyên môn kỹ thuật để thực hiện các kỹ thuật theo phân tuyến, chuyển tuyến người bệnh và thanh toán khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và áp dụng chung đối với toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, tư nhân trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, tại dự thảo của Thông tư Phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật cơ sở khám, chữa bệnh được Bộ Y tế lấy ý kiến tại Hội thảo, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề xuất phương án tới đây cơ sở khám chữa bệnh được chia làm 3 tuyến với nhiệm vụ như sau: Tuyến 1, khám chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú; Tuyến 2 là tuyến điều trị đa khoa, được chia làm hai mức đa khoa cơ bản và đa khoa nâng cao- các mức này được xác định dựa trên số lượng chuyên khoa của BV ; Tuyến 3 là tuyến điều trị chuyên khoa, chuyên sâu được chia làm 3 mức gồm chuyên khoa, chuyên khoa kỹ thuật cao và chuyên khoa kỹ thuật sâu.
“Trong xu thế đổi mới và hội nhập chung của ngành y tế, 3 xu thế đổi mới này sẽ làm thay đổi hoạt động chung của các bệnh viện. Các BV sẽ nỗ lực từng bước để đảm bảo thực hiện các quy chế chuyên môn và nâng cao chất lượng, giúp người dân được tiếp cận chăm sóc sức khỏe đúng với mức độ bệnh tật”- PGS. TS Lương Ngọc Khuê nói
Tại hội thảo, đa số đại biểu đều cho rằng việc ra đời Thông tư phân tuyến chuyên môn kỹ thuật là cần thiết và ủng hộ với Phương án do Bộ Y tế đề xuất. Tuy nhiên, theo các đại biểu, tại tuyến 3 cần giải thích rõ và đưa ra những tiêu chí đối với 1) chuyên khoa, (2) chuyên khoa kỹ thuật cao (gọi tắt là chuyên cao) và (3) chuyên khoa kỹ thuật sâu (gọi tắt là chuyên sâu).
Phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh là phân loại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành các tuyến chuyên môn kỹ thuật. Căn cứ vào yêu cầu về phạm vi hoạt động chuyên môn, quy mô hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và năng lực thực hiện kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật. Hiện các nước trong khu vực và các nước phát triển thường phân cấp hệ thống khám chữa bệnh thành 3 tuyến dựa trên chức năng (không theo phân cấp hành chính) bao gồm tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyến chăm sóc cơ bản và tuyến chăm sóc chuyên sâu. Theo đó, Tuyến chăm sóc ban đầu (primary care): là các cơ sở y tế thuộc xã như các trạm y tế xã, trung tâm y tế xã, hoặc phòng khám đa khoa thuộc xã. Tuyến chăm sóc cấp 2 (secondary care): là các BV huyện; Tuyến chăm sóc cấp 3 (tertiary care): là các BV đa khoa tỉnh, Vùng và BV chuyên khoa. |