Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập bao gồm: Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, đa dạng hoá các loại hình đào tạo và học tập, kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả học tập; đẩy mạnh phát triển giáo dục từ xa, qua mạng, học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho mọi người qua các phương tiện truyền thông và các nền tảng công nghệ thông tin.
Ảnh minh họa.
Tăng cường hợp tác xây dựng, kết nối, chia sẻ tài nguyên giáo dục mở; Việt hóa các nguồn tài nguyên giáo dục mở quốc tế; xây dựng và mở rộng các kênh và công cụ học tập, phát triển các hình thức, nội dung, chương trình, phương pháp học trực tuyến; chú trọng chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt, đối với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở.
Đồng thời, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và Đề án “Xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nêu rõ: Nâng cao hiệu quả xoá mù chữ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc, bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Các sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học xóa mù chữ, củng cố kết quả biết chữ; tích cực, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành chương trình, kế hoạch hỗ trợ công tác xóa mù chữ, bảo đảm nguồn kinh phí để thực hiện các mục tiêu xóa mù chữ theo Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập của địa phương.
Một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nữa được nêu tại Kế hoạch là: Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực và xây dựng các mô hình học tập thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát, hoàn thiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ tài năng; chính sách bồi dưỡng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức và phát triển nhân tài cho đất nước.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập thông qua việc đẩy mạnh liên kết, trao đổi, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ xây dựng, phát triển và khai thác tài nguyên giáo dục mở; chú trọng phát triển giáo dục từ xa, trực tuyến phù hợp với điều kiện Việt Nam; chủ động tích cực hội nhập quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo của nước ngoài có uy tín và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu. Tăng cường công tác quản lý đối với các chương trình liên kết giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động tư vấn du học.