Vì vậy, chúng ta nên ăn một chế độ ăn uống khỏe mạnh đủ các vitamin cần thiết để giữ cho đôi môi luôn gợi cảm…
Vitamin B2
Vitamin B2 còn gọi là riboflavin, là một vitamin B cần thiết cho mái tóc, móng và da khỏe mạnh, bao gồm cả đôi môi của bạn. Vitamin này rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa của chất béo và duy trì mức độ bình thường của axit amin homocysteine trong máu. Một trong những triệu chứng của thiếu hụt riboflavin là bị nứt môi. Theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland: Thiếu vitamin B2 có thể dẫn đến miệng hoặc môi lở loét. Nguồn cung cấp riboflavin bao gồm các sản phẩm sữa, trứng, rau lá xanh, cải bó xôi, đậu, các loại hạt và thịt nạc.
Vitamin B3
Niacin hoặc vitamin B3, là một vitamin B cần thiết cho làn da khỏe mạnh, cung cấp máu cùng với ôxy đến môi, giúp duy trì độ ẩm trên môi, do đó tránh môi nứt nẻ và giúp giảm bớt đau đớn do tình trạng khô và nứt môi.
Để có đủ niacin trong chế độ ăn uống của bạn, ăn các loại thực phẩm như cá ngừ, cá bơn, thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, các loại hạt ngũ cốc, các loại rau lá xanh và sữa.
Chế độ ăn uống đủ các vitamin cần thiết giúp đôi môi luôn gợi cảm.
Vitamin B6
Vitamin B6 thiếu hụt cũng liên quan đến rối loạn da, viêm da và các vết nứt ở góc miệng. Để có đủ vitamin B6 (pyridoxine), các nhà khoa học Đại học Colorado Hoa Kỳ khuyến cáo, nam giới trưởng thành và phụ nữ đến 50 tuổi nên tiêu thụ 1,3mg mỗi ngày. Nhu cầu hàng ngày về vitamin B6 cho trẻ em là 0,3 - 2mg, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú là 2,1 - 2,2mg. Hiếm gặp tình trạng thiếu hụt vitamin B6 ở người nhưng có thể xảy ra trong trường hợp rối loạn hấp thu, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hoặc rối loạn do thuốc gây nên. Những nguồn thực phẩm chứa vitamin B6 bao gồm các loại thịt, ngũ cốc, đậu và các loại rau lá xanh.
Vitamin B12 (cobalamin)
Vitamin B12 còn được gọi là cobalamin, là một vitamin tan trong nước, có tác dụng làm giảm khô nứt môi. Khuyến cáo liều dùng hàng ngày cho vitamin B12 là 2,4mcg cho người lớn. Thực phẩm giàu vitamin B12 bao gồm sò, thịt bò, pho mát, trứng, sữa không béo, gà tây nướng, gà nướng và cá hồi...
Kẽm (Zinc)
Kẽm là một khoáng chất cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch và bảo vệ đôi môi của bạn khỏi các yếu tố môi trường có thể làm thương tổn đôi môi. Liều lượng khuyến cáo cho kẽm là 11mg cho nam và 8mg cho phụ nữ. Thực phẩm giàu kẽm bao gồm hàu, cua, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, gà thịt đen, sữa, hạnh nhân, đậu phộng, đậu nướng, đậu xanh và sữa chua hoa quả. Nếu đôi môi của bạn bị khô vào ban đêm, bôi thuốc mỡ oxit kẽm cho môi trước khi đi ngủ có thể bảo vệ chúng khỏi bị khô qua đêm.
Trung tâm Tài nguyên quốc gia về dinh dưỡng, hoạt động thể chất và lão hóa Hoa Kỳ đã liệt kê da khô và thô, nứt môi và lưỡi nằm trong những dấu hiệu của sự thiếu hụt kẽm. Thực phẩm có chứa kẽm bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, thịt bò, thịt lợn, thịt gà tây, đậu, các loại hạt, pho mát. Nhưng nên nhớ tiêu thụ 100mg kẽm mỗi ngày có thể gây độc.
Vitamin A
Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo làm tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ đôi môi khỏi các chất độc, virut, nhiễm khuẩn, các chất ô nhiễm và các bệnh mà có thể làm khô môi. Theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland, hầu hết mọi người có đủ lượng vitamin A từ chế độ ăn uống của họ. Có 2 nguồn vitamin A: retinoid xuất phát từ thức ăn động vật và carotenoid xuất phát từ thực vật. Tuy nhiên, uống bổ sung quá liều làm tăng nguy cơ nhiễm độc. Trung tâm Y tế Đại học Maryland đã đưa ra liều 10.000 đơn vị quốc tế (UI) như là giới hạn trên an toàn cho liều lượng vitamin A. Thực phẩm giàu vitamin A bao gồm các loại rau lá màu xanh sẫm, trái cây và rau quả màu vàng cam, thịt bò, thịt bê và gan gia cầm, trứng và các sản phẩm từ sữa.
Ngoài việc bổ sung đủ vitamin cần thiết cho sức khỏe của môi, để tránh khô và nứt nẻ môi, luôn nhớ uống nước lọc và trái cây đủ cho 6-8 ly mỗi ngày, không thở bằng miệng...