Hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế của Việt Nam đang đứng trước không ít những khó khăn thách thức từ việc nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, dân số tăng và già hóa đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng, đến việc mô hình bệnh tật thay đổi theo xu hướng tỉ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao.
Theo các chuyên gia y tế, mặc dù là ngành y liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, tuy nhiên hiện nhiều tiêu chí đối với chuyên ngành đào tạo này chưa được chú trọng đúng mức. Tiêu chí thành lập cơ sở đào tạo y tế còn đơn giản, chuyên môn của giảng viên chưa được đánh giá. Hiện cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo y khoa chưa rõ ràng, mới ở mức kiểm định cơ sở đào tạo mà chưa tiếp cận đến chương trình đào tạo; đánh giá sinh viên nặng về kiến thức thay vì năng lực, kỹ năng thực hành. Trong lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề chưa có cơ chế rõ ràng để kiểm soát chất lượng khi không thi sát hạch; cấp một lần được sử dụng vĩnh viễn; cơ chế giám sát đào tạo liên tục kém hiệu quả, không kiểm định…
Cần chú trọng trong đào tạo liên tục, gắn với thực tiễn
Trả lời tại Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XV do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết khi dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố, nhân lực y tế có lúc kiệt sức, quá tải; y tế cơ sở bộc lộ nhiều lỗ hổng.
GS Hồ Hội, Trung tâm Khoa học Y tế Texas Tech (Mỹ), cho rằng trong giáo dục và đào tạo, ngành y cần hướng đến việc đáp ứng chuẩn đầu ra mong muốn của người học và những yêu cầu thực tế của xã hội.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, phát biểu về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế tại Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XV do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức.
Theo GS Hội, hơn 20 năm qua, nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu đã thực hiện chương trình đổi mới trong đào tạo y tế, lấy kỹ năng làm chuẩn đầu ra. Không giống như chương trình giáo dục truyền thống là xây dựng chương trình sau đến phương pháp dạy học, khởi đầu của giáo dục hiện đại là những điều cần thiết của y tế. Từ đó, ghi nhận mong muốn chuẩn đầu ra của người đã và sẽ tham gia ngành y tế. Tiếp đến, cơ quan quản lý ngành sẽ đưa ra phương pháp lượng giá chính xác để bảo đảm đạt được chuẩn đầu ra mong muốn. Cuối cùng, họ mới đưa ra chương trình giáo dục phù hợp.
Để đạt được chuẩn đầu ra mong muốn, chương trình giáo dục cần đổi mới ở điểm: đưa sự cần thiết đáp ứng yêu cầu của của ngành và xã hội lên đầu tiên; sau đó là nhận phản hồi của học sinh vừa ra trường, những học viên đang theo học tại trường, đồng nghiệp và bệnh nhân..., điều này giúp xem xét được chương trình có thích hợp hay không. Trong đào tạo liên tục, chúng ta phải dựa vào những lỗ hổng của thực hành y khoa để hoàn thiện bài giảng.
GS Hồ Hội khẳng định giáo dục y khoa là một chuỗi dài, khởi đầu bằng trường ĐH, nối tiếp là sau đại học và kéo dài trong suốt quá trình làm nghề, cần đào tạo liên tục. Do đó, nếu thay đổi thì phải thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục của cả 3 giai đoạn mới đạt chất lượng theo sự phát triển của xã hội.
Hướng đi trong đổi mới đào tạo nhân lực y tế
Hiện việc xây dựng mô hình đổi mới đào tạo y khoa tại Việt Nam được tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế với điểm thay đổi chính là phân định rõ hai hướng đào tạo là hệ nghiên cứu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và hệ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý.
Bộ Y tế đã nghiên cứu, đề xuất mô hình đổi mới đào tạo nhân lực y tế và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trong đó đào tạo y khoa có bác sỹ y khoa và bác sỹ chuyên khoa, theo đó bác sỹ y khoa tương đương trình độ thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa tương đương trình độ tiến sỹ. Bộ cũng đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về việc tổ chức thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và trình Chính phủ xem xét ban hành; triển khai xây dựng các tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế.
Ngoài ra, giải pháp đổi mới nhân lực ngành y tế cũng chú trọng tới việc tăng cường năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ ở các tuyến, nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động tăng cường quản lý giáo dục và đào tạo nhân lực y tế và chỉ đạo triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế.
Việc xây dựng các quy định về̀ đào tạo bằng cấp chuyên khoa và mã cho các bằng chuyên khoa cho các loại hình nhân lực y tế; các chuẩn năng lực cơ bản cho từng loại hình nhân lực y tế, để làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo và làm cơ sở để đánh giá năng lực nhân lực y tế... là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cùng các cơ sở đào tạo nhân lực y tế triển khai chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp với khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng dựa trên năng lực.
Bộ Y tế có những chính sách quan tâm tăng cường nguồn nhân lực y tế như triển khai thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó chú trọng đến việc tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục đào tạo nhân lực y tế theo mọi hình thức; chú trọng đào tạo bác sỹ cho y tế xã với chương trình đào tạo và thời gian phù hợp; Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện đầy đủ quy định về đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở.