Nhân lực y tế tuyến cơ sở cần được đào tạo bài bản, liên tục
Mạng lưới y tế cơ sở được đánh giá góp phần quan trọng giúp các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam cao hơn các quốc gia có cùng mức thu nhập. Theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế), sự sẵn có và khả năng vận hành tương đối hiệu quả của Mạng lưới y tế cơ sở đã giúp Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của Việt Nam cao hơn mức trung bình toàn cầu và cao hơn đáng kể mức bình quân của khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, mạng lưới y tế cơ sở còn nhiều hạn chế như: mô hình tổ chức chưa ổn định; năng lực cung ứng dịch vụ y tế, nhất là trong tình huống khẩn cấp của dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng dịch vụ còn thấp; nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế chưa đảm bảo; chính sách, chế độ lương, đãi ngộ cho nhân lực y tế chưa thỏa đáng, chưa thu hút được cán bộ y tế có trình độ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở; công tác phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe người dân, phát hiện bệnh sớm và quản lý bệnh còn hạn chế; người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ nên vượt tuyến, gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên.
Theo ThS. DS Trương Văn Đạt - Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt, việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở thông qua đào tạo chuyên môn có thể huy động mọi nguồn lực xã hội, sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số.
Nhà nước đã có nhiều đầu tư về cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế, trong đó có nhiều trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Có nhiều chủ trương cải cách chính sách, đặc biệt là về nhân lực. Việc thu hút nhân lực không chỉ dừng lại ở chính sách đãi ngộ, mà vấn đề còn là được học, được đào tạo liên tục, nâng cao trình độ để có năng lực sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp của y tế. Đây là việc gốc của quá trình nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở.
Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế cần phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Trên thực tế, đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy nhiều khó khăn, bất cập của hệ thống y tế, trong đó có y tế tuyến cơ sở. Cơ sở vật chất, nhân sự không đáp ứng kịp và đủ để thực hiện công tác phòng, chống dịch kịp thời, nhanh chóng. Sau đợt dịch lần thứ 4, nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
Đào tạo năng lực nhân lực y tế thông qua nền tảng số
Tại các tuyến cơ sở, trong bối cảnh số lượng nhân viên y tế còn chưa đảm bảo theo yêu cầu đề ra, thì việc tăng sức mạnh, nâng cao năng lực nội tại của nhân viên y tế là cần thiết. Hơn nữa, kiến thức y khoa rộng lớn và đổi mới mỗi ngày, việc cập nhật kiến thức là điều hết sức cần và thiết thực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng và điều trị bệnh.
Nhiều dự án y tế ứng dụng chuyển đổi số đã được triển khai như: khám chữa bệnh từ xa, chăm sóc dược từ xa, khai báo y tế qua ứng dụng điện thoại, đào tạo liên tục y tế qua các ứng dụng, trang web từ xa... đã được triển khai. Với mạng lưới y tế rộng khắp từ trung ương xuống địa phương, việc đào tạo liên tục thông qua nền tảng số là một giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay.
Chương trình "Nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở" do Bộ Y tế cùng TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổng Hội Y học Việt Nam… triển khai góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho nhân viên y tế cơ sở. Trong giai đoạn 2022-2023, chương trình đặt trọng tâm phát triển và nâng cao năng lực cho hơn 20.000 nhân viên y tế trên khắp Việt Nam.
Năng lực y tế chuyên môn cao ngay từ tuyến cơ sở được nâng cao. Việc đào tạo được thực hiện kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, với những hình thức: Tổ chức các khóa học đào tạo về kiến thức, kỹ năng ứng dụng thiết thực trong hoạt động khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở; ứng dụng nền tảng "Y360 - Cộng đồng y khoa học và đọc" trong việc tổ chức và xây dựng khóa học…