Nhân viên hướng dẫn người bệnh có mặt ở nơi bệnh nhân và người nhà dẽ dàng bắt gặp
Người bệnh phải là trung tâm
“Cháu chào bác ạ? Cháu là Hoa, nhân viên đón tiếp, chỉ dẫn, hỗ trợ người bệnh của bệnh viện. Hôm nay bác đến bệnh viện để làm gì ạ?” – Hoa vừa nói, vừa mỉm cười, một tay đỡ ông Hoàng Anh, tay kia cầm chiếc ô xanh che ánh nắng của ngày mới vừa le lói sau những ngày mưa phùn ẩm ướt của Hà Nội.
Người cao tuổi được đón tiếp và hướng dẫn tận tình
Hoa là một trong 50 nhân viên thuộc Phòng Công tác xã hội của BV Bạch Mai có nhiệm vụ đón tiếp, chỉ dẫn, hướng dẫn người bệnh và người nhà khi đến bệnh viện.
Với tà áo dài màu xanh thướt tha, nụ cười luôn thường trực trên môi những nhân viên hướng dẫn của BV Bạch Mai dễ nhiều người lầm tưởng như nhân viên chăm sóc khách hàng tại các sân bay chứ không phải bệnh viện.
Chị Phan Thị Hồng Thúy, cán bộ của Phòng Công tác xã hội - BV Bạch Mai người được giao phụ trách nhóm nhân viên đón tiếp, hướng dẫn chỉ dẫn này, kể: GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện là người rất quan tâm, chia sẻ với bệnh nhân và người nhà từ xa đến bệnh viện. Giám đốc luôn mong muốn dành những điều tốt nhất đến bệnh nhân trong điều kiện của bệnh viện.
Thông tin giúp rút ngắn khoảng cách, gia tăng thấu hiểu
Tà áo dài xanh nước biển thướt tha đi lại giữa khoảng sân hướng dẫn bệnh nhân đem lại cảm giác thanh bình, nhẹ nhõm nơi không còn những nỗi đau. Chỉ với lời hỏi thăm nhẹ nhàng từ nhân viên hướng dẫn giúp đau đớn, buồn bực của bệnh nhân và người nhà giảm xuống phần nào.
Hình ảnh này hiếm thấy ở các bệnh viện công lập ở nước ta hy vọng sẽ được xuất hiện thường xuyên hơn sau khi được BV Bạch Mai áp dụng thành công.
"Tôi chờ ở đây cả giờ đồng hồ sao chưa đến lượt?”, người nhà một bệnh nhân bất ngờ gay gắt và to tiếng ở Khoa Khám bệnh. Anh ta bật dậy lao về cửa phòng khám tìm bóng áo trắng để hỏi cho ra lẽ.
Như hiểu được sự lo lắng ấy, nữ nhân viên hướng dẫn có mặt tại Khoa Khám bệnh, nở nụ cười tươi, nắm chặt bàn tay của thanh niên kia, nhẹ nhàng giải thích.
Trái ngược với một số hình ảnh thường thấy ở các cơ sở y tế quá tải là sự giải thích qua loa, ăn nói thiếu tế nhị... điều dễ nhận thấy ở hơn 50 nhân viên hướng dẫn này là đã rút ngắn khoảng cách, gia tăng sự thấu cảm giữa nhân viên y tế và người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Người bệnh cũng như nhân viên y tế sẽ hiểu được mình đang được tiếp xúc với ai; họ được hỏi, được giải tỏa các thắc mắc về quy trình chuyên môn, đặc biệt là được chăm sóc tận tình.
Mở đầu hay kết thúc của mỗi cuộc giao tiếp ấy luôn có từ "cảm ơn" hoặc "xin lỗi", đó như là "nút thắt" giải tỏa áp lực công việc, nỗi đau đớn bệnh tật của cả nhân viên y tế và người bệnh.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, cho biết, người bệnh phải là trung tâm của mọi trung tâm cán bộ y tế và bệnh viện. Thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh triển khai "đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế để người bệnh được hài lòng nhất khi đến viện.
“Cảm ơn bệnh viện đã có đèn sưởi ấm cho chúng tôi”!
20 cây sưởi ga công nghiệp được lắp đặt sưởi ấm những đêm lạnh, mưa phùn
22h đêm. Trong những ngày Hà Nội, mưa phùn và ẩm ướt. Trên vỉa hè trục đường trước cửa A9 của Bệnh viện Bạch Mai, từng nhóm nhỏ người nhà bệnh nhân ngồi vây quanh cây đèn sưởi gas công nghiệp do bệnh viện chủ động lắp đặt.
Những tiếng trao đổi rì rào hỏi về bệnh tình người thân. Có tiếng thở dài chịu đựng…rồi lời động viên của mới quen.
Theo ông Vũ Trí Tiến, Phụ trách Phòng Hành chính – Quản trị của Bệnh viện Bạch Mai, được sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc bệnh viện, chia sẻ với thân nhân người bệnh trong những ngày rét đậm, rét hại, từ cuối năm 2020 của Hà Nội, cán bộ của phòng chia nhau đi khắp Hà Nội để kịp mua về 20 cây sưởi ga công nghiệp đặt tại các vị trí trên vỉa hè dọc trục đường A9.
Những cây sưởi ga công nghiệp này được thiết kế dạng ô xòe, sử dụng ga làm nhiên liệu phát nhiệt. Hoạt động ổn định, an toàn, hiệu suất cao, thời gian ra nhiệt nhanh. Lưu lượng nhiệt có thể đạt tới 12 KW (gấp 6 lần máy sưởi thông thường).
Anh Nguyễn Quang Minh, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Có người thân phải ở trong Viện Tim mạch điều trị đến 3 ngày nay. Dù biết bệnh viện có nhà lưu trú nhưng chỉ muốn nán lại gần nhất bên người thân, của mình dù không được vào buồng bệnh.
Chúng tôi tìm đến nhà lưu trú của Bệnh viện Bạch Mai cách đó không xa. Chị Hoàng Nga, đại diện của nhà lưu trú nói: Bệnh viện xác định khu lưu trú không phải dịch vụ kinh doanh mà là một hoạt động phi lợi nhuận.
"Tôi rất vui khi có nhà lưu trú sạch sẽ và hợp túi tiền"
Các thủ tục để vào trọ tại khu lưu trú hết sức đơn giản. Nhà lưu trú có bảo vệ 24/24, đội vệ sinh lau dọn thường xuyên để đảm bảo môi trường, các thủ tục nhanh gọn. Với giá tiền chỉ 20.000 đồng/01người/01ngày đêm, sẵn sàng đón người nhà nếu có nhu cầu.
Ông Vũ Trí Tiến còn vui vẻ kể: Bệnh viện chúng tôi đã thay thế hoàn toàn dịch vụ cung cấp nước sôi có thu phí trước đây cho bệnh nhân bằng các máy cung cấp nước tự động miễn phí. Người bệnh có nhu cầu về nước sôi hay nước mát đều được cung cấp miễn phí.
Nước uống được cung cấp miễn phí
Người bệnh và người nhà trong khi chờ đợi tại các khu vực công cộng, đều có mái che, quạt máy. Bệnh viện đã bổ sung 1.500 ghế ngồi chờ ở khắp các nơi trong khuôn viên bệnh viện.
Đến với Bạch Mai đã bắt gặp hình ảnh mới, cảnh quan nhiều hoa và cây xanh bệnh viện đã thực chất "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp và An toàn"
Thay đổi được thái độ phục vụ của nhân viên y tế góp phần tạo nên thương hiệu của đơn vị. Những thay đổi căn bản, thực chất, lấy người bệnh làm trung tâm của lãnh đạo BV Bạch Mai đem đến hình ảnh mới, "cánh chim đầu đàn" của ngành y tế cả nước.