Hà Nội

Đối mặt với ung thư tái phát phải làm gì?

27-07-2021 17:16 | Y học 360
google news

SKĐS - Đối với người bệnh ung thư sau thời gian điều trị, nỗi lo lắng và sợ hãi thường trực hay gặp nhất là nỗi lo tái phát. Khi đi tái khám, được chẩn đoán bệnh tái phát khiến nhiều người bệnh thực sự hoảng loạn, lo lắng,… Nhiều người cảm thấy sốc, giận dữ, buồn bã và sợ hãi.

Tuy nhiên, người bệnh ung thư cần nhớ rằng, mình đã từng vượt qua được căn bệnh và hằng ngày với các phương pháp điều trị tiến bộ hơn, các loại thuốc, liệu trình điều trị có nhiều điều mới được áp dụng… điều này sẽ thắp lên hy vọng.

Những loại thuốc hay phương pháp mới có thể sẽ giúp người bệnh điều trị hoặc kiểm soát các tác dụng phụ. Trong một vài trường hợp, những liệu pháp điều trị tiên tiến có thể khiến ung thư trở thành một căn bệnh mạn tính và có thể kiểm soát được trong nhiều năm.

Càng ngày càng có thêm các tiến bộ y học để điều trị bệnh ung thư

Khi nào ung thư tái phát ?

Theo các nghiên cứu cho thấy nguy cơ tái phát ung thư tùy thuộc vào mỗi loại bệnh và mỗi cơ địa. Có thể với loại ung thư này tỷ lệ tái phát cao hơn loại khác, tùy theo loại bệnh ung thư, giai đoạn của bệnh khi được phát hiện và kết quả của các phương pháp điều trị đã thực hiện.

Cho đến hiện nay, các nhà nghiên cứu nhận định chưa có một công cụ nào có thể dự đoán chính xác khi nào bệnh ung thư sẽ tái phát. Quan trọng để kiểm soát người bệnh cần tái khám định kỳ, bác sĩ sẽ đưa ra các câu hỏi liên quan đến các triệu chứng gợi ý tái phát, kết hợp cùng với việc thăm khám trực tiếp, chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Nếu cần thiết có thể cần phải thực hiện các thủ thuật để xác định rõ bệnh tái phát hay không.

Giải pháp giúp bệnh nhân giảm lo lắng để đối mặt ung thư tái phát

Sự lo sợ ở bệnh nhân ung thư khiến cho tinh thần , sức khỏe suy giảm. Vì vậy người bệnh ung thư cần có những giải pháp chung sống và đối diện nhẹ nhàng hơn với bệnh tật.

Theo các nhà nghiên cứu, nhiều người bệnh ung thư không muốn chia sẻ, mà cố che giấu cảm giác sợ hãi, lo lắng. Điều này chỉ khiến tâm trạng của người bệnh trở nên tồi tệ hơn. Do đó các nhà nghiên cứu cho rằng hãy chia sẻ tâm trạng bất an của mình với một ai đó thân thiết hoặc đáng tin cậy. Nói ra lo lắng, băn khoăn có thể giúp người bệnh vơi nhẹ lo lắng, buồn phiền…Người thân sẽ giúp người bệnh trở nên vui vẻ và quên đi phần nào nỗi lo lắng.

Người bệnh cũng phải gạt đi những sợ hãi, nhưng đừng cố tình giả vờ quên bằng cách chấp nhận rằng sẽ có lúc mình thấy sợ hãi rồi tập trung tìm cách để giải quyết sự lo lắng đó. Đừng quên, cảm xúc này có thể tạm thời tăng lên vào những thời điểm cụ thể như: Trước giờ hẹn khám với bác sĩ, ngày mà bạn được chẩn đoán mắc ung thư…

Bệnh nhân mắc ung thư cần trao đổi thường xuyên với bác sĩ điều trị

Đôi khi, thực tế sẽ không trầm trọng như những gì đang diễn ra vì vậy, cần tìm đến sự trao đổi thường xuyên với chuyên gia chăm sóc sức khỏe hay chuyên gia tâm lý có thể sẽ giúp mình nhận biết xem liệu lo lắng của mình có thành sự thật hay không.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bệnh nhân ung thư không nên ôm những suy tư lo lắng một mình. Nhiều bệnh nhân vượt qua được liệu trình điều trị ung thư nhận thấy việc tham gia vào một nhóm hỗ trợ hay nhóm cộng đồng là điều vô cùng cần thiết. Điều này đã được khoa học chứng minh và mô hình nhóm hỗ trợ đã có ở nhiều nước phát triển trên thế giới.

Người bệnh nên tham gia vào các nhóm bạn bè, nhóm hỗ trợ, vòng tròn chia sẻ, trao cho người tham gia không gian và cơ hội được mở lòng, nhận được thấu hiểu, cảm thông từ những mảnh đời giống mình. Người bệnh cũng có thể trao đổi thông tin thực tế và đưa ra các đề xuất hữu ích.

Người bệnh ung thư cần giảm căng thẳng và cần tìm cách kiểm soát căng thẳng sẽ giúp giảm mức độ lo lắng, hãy thử các cách khác nhau để xem cách nào phù hợp nhất với bản thân. Với các phương pháp dành thời gian bên gia đình và bạn bè; Làm những việc bạn thích (ví dụ: trồng cây, cắm hoa, nuôi cá…); Thiền định; Tập thể dục thường xuyên, vừa sức; Đọc một cuốn sách vui nhộn hoặc xem một bộ phim hài hước … … Người bệnh nên đến gặp chuyên gia, tham gia buổi sinh hoạt nhóm dành riêng cho người bệnh ung thư để người bệnh được học về các kỹ năng giải tỏa căng thẳng, tăng cường sức mạnh nội lực có khả năng đối diện với thử thách của bệnh tật và cuộc sống.

Người bệnh nên có sự tư vấn của bác sĩ về kế hoạch chăm sóc và điều trị. Với mục đích của việc chăm sóc và điều trị là phát hiện sự tái phát của ung thư sau này. Kế hoạch chăm sóc sau điều trị của bạn có thể gồm cả khám sức khỏe định kỳ để theo dõi quá trình hồi phục. Đừng quên lịch tái khám định kỳ mà bác sĩ yêu cầu.

Ngoài ra, người bệnh cần tạo thói quen lành mạnh như ăn các bữa ăn bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc giúp cảm thấy tốt hơn cả về thể chất và tinh thần. Tránh các hoạt động không lành mạnh (hút thuốc, uống rượu quá mức…) để giúp người bệnh có thể kiểm soát được tình hình sức khỏe của mình tốt hơn.


Bs. Nguyễn Huy Tân, ThS.Bs. Phạm Thị Vân Ngọc
Ý kiến của bạn