Kiểm soát tốt sự mất cân bằng nội tiết tố nữ
Các dấu hiệu của rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ
Rối loạn nội tiết tố nữ phá vỡ chu kỳ kinh nguyệt bình thường: Chu kỳ kinh nguyệt chính là hoạt động gắn bó mật thiết với chức năng của nội tiết tố nữ. Khi nội tiết tố bị rối loạn, các chức năng của buồng trứng, tử cung sẽ bị gián đoạn ngay, vì thế mà chu kỳ kinh nguyệt có sự thay đổi nhất định. Những thay đổi này có thể rất nhỏ như kéo dài hoặc thu ngắn chu kỳ, một số trường hợp bị chậm kinh hoặc rong kinh. Chị em bị rối loạn nội tiết sẽ có nguy cơ cao bị các bệnh như lạc nội mạc tử cung, lượng kinh không đều, đau bụng kinh, kinh nguyệt thất thường... Điều đặc biệt là tần suất bị bệnh thường liên tục và lâu khỏi.
Mất cân bằng nội tiết làm tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa: Rối loạn nội tiết tố nữ khiến cho cơ chế sản sinh nội tiết tố nữ bị gián đoạn, trục trặc, do đó thành âm đạo không thể tiết dịch nhầy để bôi trơn và giữ ẩm cho âm đạo, làm cho môi trường axit của âm đạo bị ảnh hưởng, các vi khuẩn gây bệnh viêm nhiễm phụ khoa có điều kiện tấn công, gây bệnh. Chính vì vậy, bị viêm nhiễm phụ khoa hay mắc các bệnh khác về phụ khoa cũng là dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn nội tiết tố nữ khá phổ biến.
Nội tiết tố nữ mất cân bằng gây ra tâm lý tiêu cực: Hàm lượng estrogen trong cơ thể quyết định quá trình sản sinh serotonin - loại hormon ảnh hưởng tới cảm xúc lạc quan, vui vẻ hay lo âu trầm mặc của người phụ nữ. Khi lượng serotonin giảm, người phụ nữ thường hay buồn, dễ thất vọng và lo lắng, mất ngủ. Hơn nữa estrogen cũng tác động tới hormon melatonin, giúp duy trì sự cân bằng hàng ngày. Khi lượng melatonin giảm, người phụ nữ sẽ trải qua sự trì trệ về tâm lý. Đó có thể là cảm giác mệt mỏi, buồn chán, thất vọng, lo lắng, cũng có thể là sự căng thẳng tâm lý, áp lực, stress kéo dài mà không rõ nguyên nhân cụ thể... thì rất có thể bạn đang bị rối loạn nội tiết tố nữ.
Huyết áp cao do rối loạn nội tiết tố nữ: Tỷ lệ giữa natri và nước trong cơ thể của bạn ổn định là do sự cân bằng của hormon aldosterone. Tuyến thượng thận vốn là nơi sản xuất aldosterone. Nếu thận của bạn có vấn đề sẽ khiến lượng kali và natri không ổn định. Natri dư thừa sẽ làm tăng tình trạng trữ nước trong cơ thể, từ đó dẫn đến tăng huyết áp. Do đó, khi cơ thể mất cân bằng hormone aldosterone thì cơ thể dễ bị tăng huyết áp. Khi huyết áp của bạn bị tăng bất thường thì cần lưu ý nguyên nhân có thể do rối loạn nội tiết tố nữ.
Giảm ham muốn tình dục: Ham muốn tình dục, cảm giác khoái cảm ở người phụ nữ do hormon estrogen và progesterone mang lại, do đó khi hàm lượng các loại hormon này bị thay đổi, rối loạn sẽ dẫn đến hiện tượng giảm ham muốn tình dục, khó đạt được cực khoái. Thêm vào đó, các vấn đề như mệt mỏi, khô âm đạo và kinh nguyệt không đều và trạng thái tâm lý tiêu cực, sức khỏe suy giảm do rối loạn nội tiết tố nữ gây ra cũng ảnh hưởng không nhỏ tới ham muốn tình dục của chị em.
Khi suy giảm nội tiết tố, da có biểu hiện khô, sạm, xuất hiện các vết nám ngày càng đậm nét gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sự tự tin và vẻ quyến rũ của chị em phụ nữ. Ngược lại, khi estrogen tăng quá mức, da thường phản ứng lại bằng cách xuất hiện mụn trứng cá do chức năng thải độc qua da bị gián đoạn, làm da dễ bị nhiễm khuẩn.
Tăng cường tập luyện và bổ sung rau quả tươi giúp phụ nữ phòng chống rối loạn nội tiết.
Nám da vì rối loạn nội tiết tố nữ: Khi nội tiết tố ổn định, điều hòa giúp duy trì độ đàn hồi, độ ẩm cho da, điều tiết bã nhờn...
Ngoài ra, một số dấu hiệu phổ biến khác như cảm giác nóng ran, bốc hỏa do sự suy giảm của estrogen dẫn tới sự rối loạn điều hòa vận mạch. Một số chị em còn xuất hiện triệu chứng tăng cân, tăng trữ mỡ ở vùng bụng, nhất là ở phụ nữ mãn kinh. Các nội tiết tố mất cân bằng, rối loạn càng tăng, càng dễ gây ra triệu chứng tăng sản tuyến vú và bệnh ung thư vú. Rối loạn nội tiết tố nữ khiến cho hoạt động điều tiết nội tiết của vỏ não không linh hoạt hoặc tổn thương nội mạc tử cung, phản ứng của kích thích tố nữ không còn nhạy cảm, ảnh hưởng tới sự điều tiết của nội tiết, giảm cơ hội mang thai thành công.
Nên làm gì khi bị rối loạn nội tiết?
Để đối phó với những tác động và kiểm soát tốt được những triệu chứng của sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể thì việc có một chế độ ăn uống khỏe mạnh và cân bằng, tăng cường các loại trái cây và rau quả hữu cơ là rất quan trọng. Một số dưỡng chất cần có trong chế độ ăn uống là vitamin B và C, magiê, kali, kẽm, các amino axít, mangan và protein. Các dưỡng chất này đặc biệt cần thiết trong việc chống lại sự mất cân bằng nội tiết tố do tình trạng căng thẳng và lo lắng. Việc từ bỏ các loại mỹ phẩm có chứa dầu, tập thể dục mỗi ngày và ngủ đủ 7 - 8 tiếng một ngày là những phương pháp tự nhiên giúp giữ cho các nội tiết tố trong cơ thể được cân bằng.
Bs. Băng Tâm