Đối mặt với nguy cơ kép!

23-03-2014 21:23 | Thời sự

SKĐS - Sáng 22/3, tại thành phố Lạng Sơn, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Quỹ Unilever tổ chức phát động Chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 từ gia cầm lây sang người. Buổi lễ có sự tham gia của đại diện 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Sáng 22/3, tại thành phố Lạng Sơn, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Quỹ Unilever tổ chức phát động Chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh cúm A/H5N1cúm A/H7N9 từ gia cầm lây sang người. Buổi lễ có sự tham gia của đại diện 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Hãy dự phòng đơn giản

Mục tiêu của chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân trong thực hành vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người, chuyển tải các thông điệp phòng chống bệnh cúm gia cầm đến tận xã phường, tổ dân phố, thôn bản và từng nhà, để người dân hiểu và tự giác thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (giữa) nhấn mạnh tới biện pháp phòng bệnh bằng rửa tay với xà phòng. Ảnh: Hạ Hiền

Phát biểu tại lễ phát động, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch cúm A/H7N9 đã và đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập nước ta. Hiện dịch bệnh này đã lan rộng ra 15 tỉnh, thành phố tại Trung Quốc với 394 trường hợp mắc và 121 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong là 30,7%). Riêng 3 tháng đầu năm nay, số trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã tăng gấp 1,6 lần so với cả năm 2013. Đặc biệt đã ghi nhận những trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người và trên gia cầm tại tỉnh Quảng Tây giáp với Việt Nam cũng như tại tỉnh Quảng Đông, nơi có nhiều hoạt động giao lưu du lịch, thương mại với Việt Nam, nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập nước ta là rất lớn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Thông điệp lớn nhất mà Bộ Y tế đưa ra trong chiến dịch truyền thông này để phòng chống dịch bệnh cúm A/H7N9 và H5N1 cho cộng đồng là áp dụng các biện pháp dự phòng đơn giản như rửa tay bằng xà phòng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu chúng ta thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày có thể phòng chống được các dịch bệnh qua đường tiêu hóa và qua đường hô hấp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân nên tránh tiếp xúc, giết mổ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không dùng tiết canh và các sản phẩm gia cầm sống, kịp thời thông báo và phối hợp với các cơ quan chuyên môn khi xảy ra dịch trên gia cầm và đến các cơ sở y tế khi có các triệu chứng như sốt, ho để được điều trị”.

Vì sao dân vẫn ăn gà chết?

Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương thời gian qua đã tiếp nhận rải rác các ca cúm A/H1N1 trong tình trạng nặng. Đáng lưu ý, có những chùm bệnh ở trong một gia đình. Mới đây, Thanh Hóa đã ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm A/H1N1 là hai mẹ con. Đó là bệnh nhân Vũ Thị Lan (26 tuổi, đang mang thai tháng thứ 5) và con gái là Lê Vũ Lan Anh (5 tuổi), ngụ tại thôn Quang Tiến, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Hiện tại, chị Lan đang được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và cháu Lan Anh đang điều trị tại BV Nhi Trung ương. Ngày 23/3, BS.Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện tại tình trạng của chị Lan vẫn đang nguy kịch, chưa cai thở máy và phải nằm trong phòng điều trị tích cực.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thanh xã liên tục phát đi những thông điệp về những nguy hại của việc ăn gia cầm ốm, chết thì ở địa phương này vẫn còn tình trạng ăn gia cầm chết? Theo ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Thanh Hóa, truyền thông của chúng ta không phải truyền thông ở một kênh mà nhiều kênh, ở tất cả các tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã nhưng không có nghĩa là truyền thông như vậy thì 100% người dân nhận thức và thay đổi được ngay. Trung tâm YTDP tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn đến tận y tế xã, nhân viên y tế thôn bản nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn - ông Hoàng Văn Tạo cho biết, công tác phòng dịch ở tuyến đầu Tổ quốc, ngoài việc tập trung phòng chống buôn lậu gia cầm ở khu vực biên giới, tỉnh Lạng Sơn đang áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ ca bệnh nếu có tại các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là cửa khẩu Hữu Nghị và các cửa khẩu lớn; tiến hành kiểm soát thân nhiệt và triển khai các phòng cách ly để đảm bảo khi có bệnh nhân nghi nhiễm sẽ được khám sàng lọc và có phương án vận chuyển về các tuyến sau như PKĐK khu vực Đồng Đăng, BVĐK tỉnh và 11 trung tâm y tế huyện đều có cơ sở vật chất phòng cách ly để đảm bảo sẵn sàng khi có dịch xảy ra.

Hạ Hiền - Nguyễn Hồng


Ý kiến của bạn