Đối mặt với hậu quả của căng thẳng, stress do COVID-19 kéo dài

27-09-2021 13:41 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Cuộc sống bình thường, chúng ta đã chịu nhiều căng thẳng, stress, nay COVID-19 bùng phát, kéo dài và nghiêm trọng gây những sang chấn tâm lý nặng nề.

Stress, sang chấn tâm lý - nỗi ám ảnh của nhân viên y tế trong đại dịch COVID-19Stress, sang chấn tâm lý - nỗi ám ảnh của nhân viên y tế trong đại dịch COVID-19

SKĐS - Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trong đại dịch COVID-19 một tỷ lệ lớn nhân viên y tế bị stress, sang chấn tâm lý, rối loạn lo âu, trầm cảm...

COVID-19 làm tăng các rối loạn tâm lý, tâm thần, stress

Chúng ta biết đại dịch COVID-19 là vô cùng nghiêm trọng: Lây lan nhanh, gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao và cái chết đến rất nhanh, chưa có thuốc đặc trị.

Bên cạnh đó dịch bệnh đưa đến những đảo lộn trong cuộc sống như bị cách ly, bị phong tỏa, sản xuất kinh doanh, giao thông, du lịch đình trệ, không có việc làm, giảm hoặc mất thu nhập, sự cô đơn... Trẻ em và thanh thiếu niên không được đến trường mất đi sự giao lưu trực tiếp với bạn bè, học online căng thẳng… Người già cô đơn càng thấy cô đơn hơn, không có người chăm sóc, mất người thân… Việc sử dụng internet tăng, sử dụng chất kích thích tăng, hành vi bạo lực, lạm dụng tăng…

Bản thân bệnh do virus SARS-CoV-2 cũng gây tổn thương cơ thể, không chỉ tổn thương phổi mà còn tổn thương các cơ quan khác, đặc biệt là não.

Từ các vấn đề trên dẫn đến tăng phát sinh các bệnh lý tâm thần và các rối loạn tâm thần có sẵn sẽ nặng lên hoặc sẽ tái phát.

Có 42% số bệnh nhân sau thở máy bị rối loạn stress sau sang chấn.

Các biểu hiện ảnh hưởng tâm lý xã hội do đại dịch rất phổ biến

Các biểu hiện rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần trong xã hội

Các biểu hiện ảnh hưởng tâm lý xã hội do đại dịch rất phổ biến, những người có những biểu hiện rối loạn nhẹ sẽ tự phục hồi hoàn toàn sau đại dịch một thời gian.

Tuy nhiên một tỷ lệ không nhỏ có biểu hiện rối loạn tâm thần nặng hơn cần được hỗ trợ. Các biểu hiện rối loạn tâm thần có thể bao gồm:

- Rối loạn ăn uống

- Rối loạn giấc ngủ

- Trầm cảm

- Lo âu

- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD - post traumatic stress disorder)

- Có ý tưởng, hành vi tự sát,

- Rối loạn hành vi như cờ bạc, nghiện game, lạm dụng chất: rượu, ma túy

- Tổn thương thực thể não dẫn đến giảm sút trí nhớ, sa sút trí tuệ

Về cảm xúc, có thể cảm thấy lo sợ về tình trạng sức khỏe của chính mình, của người thân, của những người mà mình đã vô tình khiến họ bị lây nhiễm với virus, hay về việc những người xung quanh có thể tức giận nếu họ phải đi cách ly vì tiếp xúc với mình (bị dịch bệnh). Lo lắng về khả năng chăm sóc cho con cái hay những người thân của mình. Bi quan, bất lực về tình trạng hiện tại và cả tương lai. Cô đơn vì cảm giác bị cắt đứt liên lạc với thế giới và những người thân. Tức giận khi nghĩ rằng mình có nguy cơ bị lây nhiễm vì sự bất cẩn của người khác. Cảm thấy tuyệt vọng, buồn chán và bức bối vì không thể làm việc hay tham gia các hoạt động hằng ngày như trước đây. Mất mát, buồn thương cho sự ra đi của người thân, cho việc phải chia tay những thói quen, các mối quan hệ, công việc…

Về nhận thức, có thể mất tập trung hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra các quyết định quan trọng. Đôi khi quên một số ký ức có chọn lọc, khó khăn định hướng về thời gian, không gian, môi trường xung quanh.

Về thể chất, có thể căng cơ, cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn, đứng ngồi không yên, tim đập nhanh, buồn nôn, đau, nhức cơ thể, dễ bị giật mình hơn bình thường.

Về hành vi có xu hướng sử dụng rượu hay chất kích thích để đối mặt với hiện tại. Những ký ức căng thẳng quay lại một cách bất ngờ, không kiểm soát được và lặp đi lặp lại. Gặp các vấn đề về giấc ngủ (như ngủ quá nhiều hoặc ngủ quá ít so với bình thường), hay thường xuyên gặp ác mộng. Thay đổi khẩu vị (dẫn đến ăn quá nhiều hoặc quá ít so với bình thường). Thu mình, giảm hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây.

Đối với trẻ em, tùy theo lứa tuổi có thể gặp các rối loạn tâm lý với các biểu hiện cáu kỉnh, chán ăn, ác mộng, sợ bóng tối, sợ ở một mình, học kém tập trung, tăng xung đột. Một số ít trẻ có thể có nguy cơ bị rối loạn stress sau sang chấn bao gồm các triệu chứng trên kèm theo việc sống lại các biến cố đau thương qua trò chơi hoặc giấc mơ, cảm giác thảm họa tái xuất hiện, tình trạng chết lặng đối với các chủ đề cảm xúc, khó tập trung và dễ giật mình, trầm cảm, thậm chí có ý định tự tử.

Những con số ấn tượng về ảnh hưởng của đại dịch với sức khỏe tâm thần

Đối mặt với hậu quả của căng thẳng stress do COVID-19 kéo dài - Ảnh 4.

Tỷ lệ bệnh nhân sau thở máy bị rối loạn stress sau sang chấn rất cao

Trong nghiên cứu ở đợt dịch đầu tiên tại các khu vực phong tỏa, các khu cách ly thấy phản ứng tâm lý tăng mạnh: Lo bản thân mắc bệnh, lo người thân mắc bệnh, sợ chết, sợ thiếu thốn về kinh tế, sợ dịch bùng phát trong tương lai với tỷ lệ 80 đến trên 90%. Các rối loạn tâm thần cũng tăng lên ở khu vực này. Đối với bệnh nhân COVID-19 thì tỷ lệ còn tăng cao hơn nữa.

Nghiên cứu mới nhất của Bệnh viện Hồi sức thành phố Thủ Đức thấy:

+ 20% trầm cảm, 53,3% rối loạn lo âu, rối loạn stress 16,7%.

+ Người bệnh thở oxy dòng cao trầm cảm 66,7%; thở oxy qua mặt nạ, thở máy rối loạn lo âu 66,7%.

+ Có 67% số bệnh nhân mong muốn được điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị bệnh.

Ở Mỹ, sau điều trị bệnh nhân COVID- 19 gặp:

+ Trầm cảm, lo âu 40%,

+ Rối loạn giấc ngủ 36%

+ Rối loạn ăn uống 32%

+ Tăng ý tưởng tự sát từ 11 lên 23%

+ Riêng thanh niên 56% trầm cảm, lo âu.

+ Đặc biệt có 42% số bệnh nhân sau thở máy bị rối loạn stress sau sang chấn.

Như vậy ảnh hưởng của đại dịch với sức khỏe tâm thần là rất lớn.

Vì vậy khi phát hiện có người thân có bất thường về cơ thể cũng như tâm thần thì cần liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để được tư vấn kịp thời.

Khi phát hiện bản thân hoặc người thân có những dấu hiệu stress, buồn bã, mệt mỏi kéo dài thì cần liên hệ với thầy thuốc để được tư vấn kịp thời.

Lời khuyên của chuyên gia

Trong đại dịch này, người dân trong cộng đồng không chỉ bị mắc bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra mà các bệnh lý cơ thể khác cũng vẫn gặp với tỷ lệ như trước khi đại dịch xảy ra, thậm chí còn cao hơn. Có 12% những trường hợp bệnh lý mạn tính bị trầm trọng hơn, trong đó bao gồm cả các bênh lý tâm thần. Những người mắc bệnh mạn tính không đi khám bệnh theo định kỳ, không có thuốc điều trị củng cố… do người ta sợ ra ngoài, sợ vào bệnh viện bị lây bệnh. Có trường hợp bệnh cấp tính, cần cấp cứu nội hoặc ngoại khoa hoặc một số rối loạn tâm thần cấp tính như loạn thần cấp, tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực giai đoạn cấp không được thăm khám kịp thời nên hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra.

Vì vậy khi phát hiện người thân có bất thường về cơ thể cũng như tâm thần thì cần liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để được tư vấn kịp thời. Trường hợp ở các vùng giãn cách thì thông qua các cách thức khám bệnh, tư vấn từ xa để có phương án xử trí kịp thời cho người bệnh.

Một khuynh hướng khác cần tránh, đó là sau một thời gian giãn cách, khi được nới lỏng, người dân ào ra đường mà quên mất dịch chưa hết. Ví dụ ngày trước khi giảm giãn cách của Hà Nội người dân đã đổ ra đường rất nhiều. Đặc biệt đêm Trung thu, người dân ùa ra đường đông nghịt. Lý do cũng là vì bị cách ly thế giới bên ngoài lâu, lâu ngày không được thở hít không khí thoáng đãng, không được gặp mặt bạn bè, người thân. Và sự mời gọi của ánh trăng Rằm nhất là đối với người trẻ và các cháu nhỏ! Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhiều nước đã cảnh báo, chúng ta chưa thể tiêu diệt hết virus SARS-CoV-2, vì vậy chúng ta phải chấp nhận sống trong điều kiện bình thường mới nhưng phải tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng chống dịch. Hy vọng một ngày không xa chúng ta sẽ được thực sự trở lại với cuộc sống bình thường như trước đại dịch!

Xem thêm video được quan tâm:

Hướng dẫn F0, F1 cách tập thở và vận động tại nhà



GS.TS. Cao Tiến Đức
Ý kiến của bạn