Hà Nội

Dỗi hờn mẹ, nữ sinh ăn cây "tử thần" quyết sống chết

06-08-2021 10:12 | Camera bệnh viện

SKĐS - Loại cây này không những rất giống mà còn mọc gần nhiều cây thuốc và rau ăn nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn gây hậu quả chết người...

Các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) vừa cấp cứu thành công một trường hợp ngộ độc lá ngón. Bệnh nhân H.T.H, 14 tuổi (Bảo Lâm, Cao Bằng) nhập viện tình trạng hôn mê sâu, xuất tiết nhiều đờm, dãi, mạch nhanh, huyết áp tụt…

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hút sạch đờm dãi, truyền dịch, trợ tim, đặt ống nội khí quản thở máy, rửa dạ dày, đặt sông tiểu…

Sau khi được điều trị tích cực, chăm sóc và thở máy liên tục, đến nay sau 04 ngày điều trị, bệnh nhân đã có tình trạng sức khoẻ ổn định, tỉnh táo hoàn toàn.

Được biết, trước đó do có mâu thuẫn với mẹ, bệnh nhân đã ăn lá ngón tự tử

Ngộ độc lá ngón, xử trí thế nào? - Ảnh 1.

Các bác sĩ TTYT Bảo Lâm đang chăm sóc cho bệnh nhân.

Loại cây có độc tính cao

Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai: Lá ngón là loại cây có độc tính cao, thường mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Ngộ độc lá ngón xuất hiện nhanh, nặng và dễ tử vong. Việc xử trí cấp cứu đòi hỏi kịp thời, khẩn trương, tích cực, trong đó quan trọng là xử trí loạn nhịp tim, kiểm soát hô hấp tốt và cắt cơn co giật.

Thành phần có thể giết người trong loại cây này là các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid là chất độc gây chết người. 

Alkaloid trong lá ngón được hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa chỉ từ 5-30 phút. Thời gian tử vong trung bình từ 1-7,5h.

Dấu hiệu ngộ độc lá ngón

Theo bác sĩ Nguyên, ngay sau khi ăn hoặc uống nước giã lá, rễ, thân, hoa và quả của cây lá ngón, nạn nhân sẽ có các triệu chứng:

- Đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, bí đái, da lạnh, vã mồ hôi, yếu mệt cơ tay chân khó vận động, nặng có thể gây liệt cơ hoàn toàn.

- Giãn đồng tử dẫn đến nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt, sụp mi và liệt cơ hàm dưới dẫn đến rơi hàm dưới không khép được vào miệng.

- Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật.

- Nạn nhân tử vong có nguyên nhân do liệt cơ, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn.

Nếu không phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu khẩn trương và điều trị kịp thời, bệnh nhân thường chết sau 1-7 giờ ngộ độc.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc lá ngón

Khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như gây nôn: uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn, sau đó nhanh chóng chuyển bệnh nhân  đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch.

Sau đó khẩn trương vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc và tích cực tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong.

Hiệu quả cấp cứu chỉ khi được thực hiện sớm dưới 1h, nếu để quá, khả năng cứu sống nạn nhân khó đạt 100% do không thể sơ cứu kịp thời, đúng lúc.

Bác sĩ Nguyên cũng lưu ý việc gây nôn chỉ tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Chỉ dùng biện pháp cơ học (kích thích họng), không dùng thuốc gây nôn vì đến khi thuốc có tác dụng, bệnh nhân nôn thì có thể bệnh nhân bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hà Nội thiết lập Bệnh viện Dã chiến tại quận Hoàng Mai.

Ngọc Anh
Ý kiến của bạn