Trên thực tế, các bến xe đã lường trước được tình huống này, và có phương án điều động, tăng cường các chuyến xe nhưng tình trạng hành khách phải đợi chờ mua vé vẫn xảy ra. Cá biệt, tại một vài tuyến nhất định, hành khách phải mua giá vé cao gấp 4-5 lần so với thời điểm trước lễ.
Trường hợp anh Kiều Ngọc Thanh, quê Phan Rang (tỉnh Bình Thuận) là một ví dụ. Vợ chồng anh Thanh thường xuyên khám, điều trị bệnh tại một bệnh viện trên địa bàn TPHCM, nên tần suất đi về khá đều đặn. Ngày thường, anh chỉ phải trả khoảng 150.000 đồng/vé chiều đi hoặc về cho tuyến Phan Rang - TPHCM; thế nhưng, trưa ngày 27/4, anh phải mua vé với giá 350.000 đồng tại điểm bán của Xí nghiệp vận tải 27-7 Đông Hưng. Như vậy, hai vợ chồng anh phải trả 700.000 đồng cho tuyến TPHCM - Phan Rang, trong khi giá cước thông báo trên vé chỉ là 90.000 đồng.
Trong vai người mua vé, PV đã tiếp cận được với điểm bán vé “đội” giá này tại Bến xe miền Đông. Nữ nhân viên bán vé tên Thi cho biết, do phải phụ thu nên giá vé tăng cao, nhưng chị này chưa giải thích rõ vì sao trên vé ghi 90.000 nhưng lại thu tới 350.000 đồng (có ghi số 350 trên vé). Thử tìm một điểm bán khác xem giá về Phan Rang là bao nhiêu, PV tiếp tục ghi nhận có một số “cò” khẳng định bán vé giá… 450.000 đồng/người. Không chỉ tuyến TPHCM - Phan Rang “cháy” vé, một số nhà xe bán vé đi Gia Lai cũng treo biển thông báo hết sớm, vì không còn chỗ.
PV đã đem toàn bộ hình ảnh chụp giá vé bị “thổi” của trường hợp anh Kiều Ngọc Thanh đến gặp ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông và nhận được câu trả lời: “Rất có thể đó là giá cũ, nhà xe chưa kịp in giá mới trên biên lai. Nếu đúng như những gì Báo SGGP thông tin, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp. Trong trường hợp người dân bị bắt chẹt, mua vé giá cao…, có thể liên hệ vào số điện thoại đường dây nóng 083.898.4441 để được hướng dẫn”.
Chiều 27/4, đại diện Bến xe miền Đông cho biết đã tạm thời lập biên bản đối với nhà xe trên. Khi nào có biện pháp xử lý cụ thể, phía bến xe sẽ thông báo cho PV được rõ.
Tính đến 17h30 ngày 27/4, lượng hành khách đổ về Bến xe miền Tây tăng mạnh. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe miền Tây ước tính, hành khách mua vé trong ngày tăng khoảng 80% (ở mức 40.000 lượt người) so với ngày thường, khoảng 23.000 lượt. Theo ông Phương, cao điểm các ngày 28, 29 và 30-4, khoảng 48.000 - 50.000 lượt người mua vé tại Bến xe miền Tây.
Hiện phía bến xe đã tiến hành huy động, tăng cường quay vòng 100% xe liên tuyến, đồng thời tăng thêm 60 chiếc xe buýt phục vụ bà con. Mức phí phụ thu 40% được 86/130 doanh nghiệp áp dụng từ ngày 28, 29, và 30-4. Năm nay, phía nhà xe Phương Trang giữ giá ổn định như ngày bình thường.
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM, dịp lễ này sẽ tăng cường các chuyến xe/tàu (giao thông đường thủy và đường bộ) để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Dự báo, lượng khách đi lại dịp này tăng không quá 5% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 50% so với ngày bình thường. Cao điểm, lượng khách đổ về các bến xe lễ này khoảng 96.000 lượt người/ngày, tương đương tăng khoảng 100% so với bình thường.
Hiện tại, xe khách kinh doanh các tuyến cố định tại TPHCM khoảng 2.060 xe (tương đương 68.500 chỗ); xe khách kinh doanh vận tải theo hợp đồng khoảng 12.307 xe (tương đương 291.279 chỗ). Ngoài ra, có khoảng 2.300 xe khách kinh doanh vận tải, tương đương 73.500 chỗ, theo tuyến cố định thuộc các tỉnh, TP khác tham gia vận tải khách đến TPHCM.
Như vậy, với lượng xe khách nói trên, khó có khả năng thiếu xe phục vụ người dân đi chơi lễ. Để đề phòng khách tăng đột biến, Sở Giao thông Vận tải đã điều động 95 xe buýt theo đề nghị của các bến xe nhằm ứng phó tình hình đột xuất.