Thứ quả giúp đời sống nâng cao
Đứng bên vườn sầu riêng trĩu quả của gia đình mình, ông Lê Văn Bi (xã Ba Cụm Bắc, Khánh Sơn) bừng lên niềm hy vọng: Năm 2022 này thật đặc biệt vì có lễ hội, người dân khắp nơi sẽ đổ về Khánh Sơn để thưởng thức sầu riêng và các loại quả sạch khác. Mấy chục năm trước, người dân cứ quanh quẩn làm đủ thứ mà vẫn không vươn lên được.
Đời sống khó khăn kéo theo nhiều hạn chế khác. Vậy nhưng đến nay thứ quả ruột vàng, mùi thơm bay xa đã đổi đời bao phận người. Những căn nhà lụp xụp được thay thế bằng nhà xây kiên cố cũng nhờ cả vào sầu riêng.
Có người nói cây sầu riêng đã cứu cánh cho nhiều gia đình ở Khánh Sơn cũng không ngoa.
Nghĩ về những tháng ngày gian khó, ông Cao Đảm (xã Sơn Bình, Khánh Sơn) càng thấy sự hữu ích của việc trồng cây sầu riêng. Ông Đảm chia sẻ rằng, vài chục năm trước quần quật với các cây lương thực khác đời sống cũng chẳng khá lên được. Cho đến khi cầy sầu riêng bén rễ trên đất này thì một cuộc "lột xác" kỳ diệu đã diễn ra. Mảnh đất này mát lành quanh năm nên hương vị sầu riêng cũng khác hẳn mọi nơi. Với diện tích gần 2 ha sầu riêng, mỗi năm thu lời trên 300 triệu đồng.
Hưởng các đặc ân từ sông Tô Hạp, từ các mùa trái cây ngọt ngào, nông dân Khánh Sơn ví mình như những cánh chim Tia Chôm, chim Phí dù có bôn ba nơi đâu rồi cũng hướng về nguồn cội, về những nóc nhà ẩn hiện giữa nương rẫy trù phú.
Bên cạnh sầu riêng có nhiều trái cây khác như: Mít; mảng cầu; bưởi da xanh… cũng hiện diện ở Khánh Sơn như một thứ "hàng sạch" từ các buôn làng. Vậy nhưng, sầu riêng vẫn là cây "nữ hoàng".
Nhớ những buổi vật lộn thu nạp kiến thức trồng sầu riêng, anh Cao Thanh (xã Sơn Bình) thổ lộ: Trước đây hàng loạt nông dân quần quật trên nương rẫy như chúng tôi không dám mơ một ngày lại khá giả. Nhưng giờ cây sầu riêng đã giúp nhà nhà thoát nghèo. Đời sống ấm no nên công tác chăm sóc sức khỏe cho con em trong các buôn làng cũng được chú trọng hơn nhiều. Trước đây cứ nông nhàn, nhiều trai tráng tập trung uống rượu nhưng giờ đây tập trung bên gốc sầu riêng bàn cách làm giàu.
Đổi đời cho buôn làng và vì sức khỏe người dùng
Nằm hút sâu giữa những rừng rẫy xanh thẳm, Khánh Sơn là huyện sâu xa nhất của Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang hàng trăm km. Người Kinh nơi đây chỉ chiếm khoảng 25% dân số còn lại là người Raglai, Tày, Nùng, Thái, Chăm…
Ở vị trí xa xôi nhưng bù lại thổ nhưỡng ở Khánh Sơn phù hợp với nhiều loại trái cây cho giá trị kinh tế cao. Sầu riêng đã đổi đời cho hàng loạt buôn làng và còn tạo nên thương hiệu "sầu riêng Khánh Sơn" vươn xa.
Để lan tỏa thêm các loại cây trái ngọt ngào đã giúp đồng bào có đời sống ấm no, ngày 19/7, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cùng một số lãnh đạo huyện này đã mang nhiều loại quả đặc trưng của địa phương đến giới trong buổi họp về Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2022.
Theo ông Nhuận, để sản phẩm sạch của địa phương được nhiều người biết và thưởng thức thì từ 4-7/8, Khánh Sơn sẽ tổ chức lễ hội trái cây. Có 50 gian hàng sẽ trưng bày, bán các loại trái cây giá trị kinh tế cao của Khánh Sơn như: Sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh…
Tại lễ hội, các hoạt động mua bán, trao đổi sản phẩm sạch sẽ diễn ra sôi nổi. Ngoài ra, còn có hội thi trưng bày trái cây nghệ thuật, xác lập kỷ lục trái cây ngon…
Nói sâu về cây sầu riêng, ông Nguyễn Văn Nhuận chia sẻ: Sầu riêng Khánh Sơn thơm ngon nức tiếng, là trái cây chủ lực ở địa phương. Đặc biệt, ở Khánh Sơn rất hiếm có người nào sử dụng thuốc hay chất kích thích để nhúng sầu riêng. Tất cả đều hướng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiện địa phương có 5.000 ha trồng cây sầu riêng, trong đó có khoảng 3.000 ha đang cho thu hoạch.
Sản lượng mỗi năm hàng chục ngàn tấn, thương lái khắp nơi đổ về tìm mua. Thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Nếu trước đây chỉ có vài thương lái lớn thì nay có vài chục thương lái tìm đến mua sầu riêng Khánh Sơn. Trung bình bán tại vườn khoảng hơn 50.000 đồng/kg. Sầu riêng Khánh Sơn còn được dán tem, các chủ vườn đều một lòng hướng đến tạo ra sản phẩm sạch, đặc trưng.