Đôi điều suy nghĩ về văn hóa bệnh viện

05-03-2012 11:41 AM | Y tế

Dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống ngàn năm văn hiến. Văn hóa giao tiếp đã trở thành nếp sống, trở thành đạo lý của cha ông ta từ xa xưa cho đến nay.

Dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống ngàn năm văn hiến. Văn hóa giao tiếp đã trở thành nếp sống, trở thành đạo lý của cha ông ta từ xa xưa cho đến nay. Văn hóa giao tiếp được thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội như: “văn hóa ứng xử”, “văn hóa giao thông”, “văn hóa du lịch”, “văn hóa công cộng”, “văn hóa trường học”, “văn hóa bệnh viện”... và nó đã và đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói đến một phạm vi nhỏ là “văn hóa bệnh viện”.

Cha ông ta từ xưa đã từng nói: “Lương y như từ mẫu”, sau này Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng thường nói: “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Trong thực tế cuộc sống từ xưa đến nay đã có rất nhiều thầy thuốc thể hiện y đức “Lương y như từ mẫu” như đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở thế kỷ 18, là tấm gương sáng về y đức, y thuật. Một danh y lớn của dân tộc ta. Thiền sư Tuệ Tĩnh cũng là một danh y lớn của dân tộc đã mở đường cho sự nghiên cứu thuốc Nam, xây dựng nền móng cho y học dân tộc của nước nhà với tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân”.

 Các thầy thuốc cần chú trọng bồi dưỡng tay nghề và nâng cao giáo dục y đức.
Hai đại danh y trên đã nêu cao tấm gương sáng về y đức của người thầy thuốc Việt Nam. Cụ lương y Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm thầy thuốc cũng thể hiện tấm lòng cao cả vì người bệnh và còn rất nhiều y bác sĩ khác trong thời đại hiện nay cũng đã nêu cao tấm gương “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Nhiều bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân, đã cứu chữa nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đem lại cuộc sống cho họ. Và còn rất nhiều những y sĩ, hộ lý, cán bộ công nhân viên trong ngành y cũng đã hết lòng vì bệnh nhân mà phục vụ.

Tuy nhiên, ở nơi này, nơi khác, ở bệnh viện này, bệnh viện khác cũng còn có nhiều y bác sĩ, cán bộ công nhân viên thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tấm lòng thương yêu bệnh nhân mà có những cách ứng xử giao tiếp không đúng đắn.

Có bác sĩ khi tiếp bệnh nhân đã nói một cách trống không: “Ngồi xuống, vén tay áo lên để đo huyết áp; nằm xuống giường để tôi khám...”. Điều đó đã làm phật lòng bệnh nhân khiến họ không muốn vào khám ở các bác sĩ này nữa.

Một vấn đề nữa mà cả xã hội đều quan tâm và rất trăn trở là việc người nhà bệnh nhân lót tay cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế bằng “phong bì”. Người ta cảm thấy nếu như không có phong bì lót tay thì sẽ không được y bác sĩ chăm sóc một cách chu đáo. Mọi người rất hoan nghênh ngành y tế đã nêu vấn đề “Không nhận phong bì của bệnh nhân”.

Trên đây là nói về phía y bác sĩ - những người thầy thuốc; mặt khác cũng phải nói đến về phía Nhà nước cũng phải có sự quan tâm tạo mọi điều kiện cho các y bác sĩ làm tốt nhiệm vụ của mình. Luôn luôn bồi dưỡng về y đức cho y bác sĩ và cán bộ công nhân viên ngành y; đầu tư, cơ sở vật chất một cách đầy đủ cho y bác sĩ có đủ điều kiện tốt để khám chữa bệnh. Tiền lương, tiền bồi dưỡng, phục vụ tiền trực đêm ngày phải được thực hiện xứng đáng đúng với công lao của người y bác sĩ. Lương của y, bác sĩ phải đủ sống thì y bác sĩ mới có thể toàn tâm toàn ý phục vụ bệnh nhân. Mỗi y, bác sĩ, cán bộ công nhân trong ngành y cũng phải tự tu dưỡng bản thân mình, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh mới thực sự xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Về phía bệnh nhân cũng phải tự thấy mình là người bệnh cần đến sự giúp đỡ của y bác sĩ , phải có thái độ ứng xử đúng đắn, lịch sự với y bác sĩ. Có nơi, bệnh nhân đã to tiếng, thậm chí quát nạt, xúc phạm y bác sĩ; có nơi còn phản ứng mãnh liệt hơn như đến đập phá các dụng cụ y tế của bệnh viện...

Bệnh nhân phải coi y bác sĩ là ân nhân của mình, đã vì mình mà cứu chữa cho mình khỏi bệnh hoặc đã cứu mình qua khỏi những cơn bệnh nguy kịch và được sống lại trên cõi đời này. Đó là điều mà người bệnh phải tri ân đối với các y bác sĩ - Những người thầy thuốc chân chính.

Theo chúng tôi nghĩ, muốn xây dựng “Văn hóa bệnh viện” tốt phải từ nhiều phía, từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của bệnh viện, sự tu dưỡng của mỗi y bác sĩ và sự ứng xử đúng mực của từng bệnh nhân.

Tôi rất tâm đắc với khẩu hiệu: “Nỗi đau của người đời là nỗi đau của mình. Hạnh phúc của người bệnh là hạnh phúc của chính mình” ở một phòng khám. Tôi là một bệnh nhân đã chữa bệnh ở rất nhiều bệnh viện nên đã gặp rất nhiều tình huống về “văn hóa bệnh viện” nên có đôi lời trao đổi cùng bạn đọc về vấn đề này. Và qua bài viết này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các bệnh viện, cảm ơn các y, bác sĩ và cán bộ công nhân viên ngành y - những người thầy thuốc có tâm huyết thật sự là những người thầy thuốc hết lòng vì nhân dân với tinh thần “Lương y như từ mẫu”.

Trần Đăng Minh


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH