Đối diện với những thay đổi cảm xúc ở người bệnh ung thư vú

09-08-2021 08:10 | Sức khỏe tâm hồn
google news

SKĐS - Đột nhiên một ngày, tất cả bỗng trở nên trĩu nặng thậm chí tuyệt vọng khi nhận kết quả mắc ung thư vú... Đừng khóc lóc quá nhiều, đừng bi quan quá mức, bởi lẽ dù có thế nào mình cũng không được từ bỏ chính mình - hãy đối diện sự thật và chiến đấu với căn bệnh ung thư vú!

ung thư vú

Sau thời gian điều trị, ở người bệnh ung thư vú sẽ xuất hiện sự thay đổi về mặt cơ thể và cảm xúc. Một ngày, khi đưa tay lên ngực hay thói quen đưa tay lên vuốt mái tóc óng ả bỗng trôi tuột,  bạn thảng thốt phát khóc chợt nhận ra đó là một sự khác lạ. Chưa kể những yêu cầu trong quá trình điều trị cũng làm bạn lo lắng, căng thẳng... 

Những điều đó có thể tác động đến các hoạt động và mối quan hệ trong đời sống thường ngày. Hãy đối diện với những cảm xúc của mình dù ban đầu có khó khăn.

Luôn chia sẻ cảm xúc

Nói ra tâm tư của mình với người khác có thể không dễ dàng, nhưng nếu chia sẻ, chính bạn cũng như người chăm sóc bạn sẽ thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn rất nhiều. Khi mở lòng với người thân yêu (chồng, người yêu…), nghĩa là bạn đang cho họ một cơ hội để giúp đỡ mình. Đây cũng là một cách giúp mối quan hệ của hai người phát triển sâu sắc hơn.

Đối diện với những thay đổi cảm xúc ở người bệnh ung thư vú - Ảnh 1.

Mở lòng với người thân yêu giúp người bệnh ung thư vú thoải mái hơn.

Hãy nói ra mong muốn một cách cụ thể

Khi cần sự hỗ trợ, bạn nên nói ra mong muốn của mình một cách cụ thể. Ví dụ: "Tuần này anh mua giúp em ít đồ nhé?", hoặc "Anh có thể đưa em đến gặp bác sĩ vào tuần sau được chứ?". Đây là cách để khẳng định tầm quan trọng của gia đình và người yêu thương đối với bạn.

Từng bước làm cho mình thoải mái nhất

Nhiều phụ nữ đánh mất tự tin với cơ thể sau khi phẫu thuật hoặc hóa trị. Nếu bạn phẫu thuật cắt bỏ vú, bị rụng tóc hay có các thay đổi khác về hình thái cơ thể, hãy tìm hiểu về các phương pháp giúp cải thiện tình hình như: tạo hình lại vú, đội tóc giả... 

Hãy cho bản thân thời gian để thích nghi với những thay đổi đó, tìm kiếm các giải pháp khác nhau để tạo sự thoải mái cho bản thân.

Hãy yêu thương và chăm sóc cơ thể mình

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú, người phụ nữ sẽ thấy các hoạt động thường ngày như: mặc quần áo, tắm gội hoặc gần gũi với chồng/người yêu… cũng tạo nên những cảm xúc khó tả. 

Một số người còn cảm thấy không còn nhu cầu cơ thể và cảm xúc nữa. Nhưng bạn vẫn có thể lựa chọn khác đi, ví dụ như duy trì thói quen gần gũi với chồng (nằm tay, ôm nhẹ, hôn…). 

 Mọi người đều xứng đáng được yêu thương và chăm sóc. Và hãy nhớ thực hiện "bí quyết 4T" với" tập luyện thể thao mỗi ngày; Thuốc uống đầy đủ và đúng giờ; Tinh thần lạc quan, thoải mái và tái khám đúng định kỳ.

Chia sẻ nhu cầu gần gũi cơ thể

Hãy chia sẻ cho ông xã/người yêu được biết về nhu cầu gần gũi thân thể của mình. Nên chia sẻ cho họ biết cảm xúc của bạn với cơ thể, bạn đang suy nghĩ hay lo lắng gì về cảm giác của chồng. 

Những thứ cần làm rõ là: liệu mình có nhu cầu gần gũi thân thể với chồng không, nếu không thì hãy chia sẻ cho chồng biết. Chồng/người yêu của bạn cũng muốn lắng nghe về nhu cầu của bạn, để biết mình nên làm gì và làm như thế nào để hai người vẫn có sự hoà hợp.

Đối diện với những thay đổi cảm xúc ở người bệnh ung thư vú - Ảnh 3.

Hãy sống hết mình và tận hưởng từng phút giây trong bất kỳ trường hợp nào.

Nếu thấy mình không còn hứng thú với việc gần gũi thân thể với người yêu/bạn đời nữa, hãy nói cho bác sĩ điều trị cho bạn. Họ sẽ giúp bạn hiểu rằng: sự thay đổi của cơ thể có thể dẫn đến những thay đổi về ham muốn này. Họ có thể gợi ý các cách để khôi phục lại cảm giác hoặc giới thiệu chuyên gia tư vấn phù hợp cho bạn.


BS. Vân Ngọc
Ý kiến của bạn