Bộ Ngoại giao Nga vừa tuyên bố báo cáo của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) về việc sử dụng chất độc thần kinh sarin tại Syria vào mùa Xuân năm 2016 dựa trên dữ liệu không đáng tin cậy. Nga cũng đã cáo buộc Mỹ sử dụng một kịch bản mới dọn đường cho một cuộc tấn công quân sự mới nhằm vào Syria. Giới phân tích dự báo đối đầu trực diện giữa Nga-Mỹ có thể diễn ra trong những ngày tới và nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một cuộc chiến nguy hiểm.
Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ:"Chúng tôi buộc phải tuyên bố rằng những phát hiện (của báo cáo này) vẫn dựa trên dữ liệu rất đáng nghi ngờ". Theo cơ quan này, dữ liệu mà OPCW thu được đều từ phe đối lập và những tổ chức phi chính phủ vốn có nhiều điều tiếng và thông tin của báo cáo do phái bộ đặc biệt của PPCW đưa ra phần lớn là thiên lệch. Trước đó, Phái bộ tìm kiếm sự thật (FFM) thuộc OPCW công bố báo cáo cho rằng chất độc thần kinh sarin đã được sử dụng trong một vụ tấn công ở miền Bắc Syria hồi tháng 4 khiến ít nhất 87 người người thiệt mạng.
Thậm chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nhấn mạnh chiến dịch thông tin của Mỹ về cái gọi là "Syria đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học" thực chất là nhằm dọn đường cho cuộc can thiệp quân sự mới vào Syria. Bà Zakharova nhấn mạnh chiến dịch thông tin này không có gì mới lạ và đã từng được sử dụng năm 2013 để chuẩn bị cho sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria, nhưng chiến dịch này khi đó đã được ngăn chặn nhờ lập trường quyết đoán của Nga. Mỹ cũng đã áp dụng chiến dịch thông tin như vậy cho cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ không quân của Syria hồi tháng 4/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Putin sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao nga, kịch bản mà Mỹ đưa ra lần này cũng sẽ tương tự như trước. Trên phần lãnh thổ do phe đối lập Syria kiểm soát sẽ xảy ra một vụ việc mà nạn nhân sẽ là thường dân, sau đó phe đối lập này sẽ vu cáo về việc sử dụng vũ khí hóa học từ phía quân đội Chính phủ Syria.
Việc Mỹ viện một chính quyền sử dụng vũ khí hóa học để tấn công quốc gia ấy bảo vệ dân thường không phải là chuyện không mới. Năm 2003, Mỹ cũng dùng cớ này để tấn công Iraq lật đổ chính quyền Tổng thống Hussen. Tại Syria, hồi tháng 4 vừa qua, Mỹ cũng đã phóng 59 quả tên lửa vào lãnh thổ nước này sau khi cáo buộc chính quyền Tổng tống Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Tuy nhiên trong cả 2 lần phát động quân sự, Mỹ đều không đưa ra được chứng cứ thuyết phục nào. Vì thế, Nga có lý do để chỉ trích Mỹ lại tung tin thất thiệt nhằm dọn đường cho một cuộc tấn công mới vào Syria.
Giới phân tích cho rằng nếu một cuộc tấn công quân sự mới xảy ra, rất có thể sẽ biến thành một cuộc đối đầu trực diện giữa Nga và Mỹ tại Syria.Nhưng cuộc đối đầu này sẽ khốc liệt hơn rất nhiều so với những cuộc đối đầu trước đó. Tình hình tại Syria giờ đây đã rất khác so với 4 năm trước. Hiện giờ, cả Mỹ và Nga, mỗi bên đều ủng hộ cho một lực lượng khác nhau ở Syria. Nga hậu thuẫn cho chính quyền của Tổng thống Syrai Assad và Mỹ hậu thuẫn cho các lực lượng nổi dậy. Đáng chú ý, thời gian gần đây, lực lượng chính phủ do Nga hậu thuẫn đã chiếm ưu thế trên chiến trường. Khi cuộc chiến chống IS bước vào giai đoạn cuối, IS suy yếu và tạo ra những khoảng trống ở Syria, thì các cường quốc lại hướng tới việc tranh giành ảnh hưởng để dựng lên một thể chế chính trị mới nhằm cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực điểm nóng này.
Điều khiến dư luận lo ngại hiện nay là khả năng Nga-Mỹ đối đầu quân sự tại Syria, nếu như các bên không kiềm chế. Nguy hiểm hơn, đối đầu quân sự Nga-Mỹ sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy khó lường khi mỗi bên đều có các đồng minh và đều mong muốn giành được ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tại Trung Đông. Hãng tin CNN bình luận “Đừng hy vọng gì vào cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga”, cho biết một số cố vấn của Tổng thống Donald Trump đã khuyến khích ông tiến hành đàm phán song phương chính thức với nhà lãnh đạo Nga để “hâm nóng” mối quan hệ giữa Washington và Moscow. Nhưng các trợ lý khác cảnh báo rằng việc hội đàm với Tổng thống Putin sẽ xới lên những đám mây tranh cãi về sự can thiệp của Ngatrong những vấn đề của nước Mỹ.
Quan hệ Nga- Mỹ từ trước đến nay đã bị phủ bóng đen bởi quá nhiều mâu thuẫn về quan điểm và lợi ích mà không thể đối thoại.Vì thế cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần này ở Hamburg (Đức) giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ được xem là một cơ hội để hai bên tìm kiếm tiếng nói chung.
Mối quan hệ Nga – Mỹ, theo các nhà phân tích, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể dẫn tới những tình thế thậm chí nguy hiểm. Tuy nhiên, dư luận hy vọng Nga và Mỹ những cường quốc lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình quốc tế sẽ đối thoại với nhau, tìm kiếm một tiếng nói chung giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay./.