Đối đầu thương mại Mỹ-Trung: Căng thẳng lên tới đỉnh điểm

14-05-2019 10:28 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hơn 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường chứng khoán đã bị quét sạch trong ngày 13/5 sau khi Mỹ và Trung Quốc liên tục áp thuế trả đũa lẫn nhau. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán quốc tế liên tục “thất thủ” bởi các động thái này.

Chiều tối ngày 13/5, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố có kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỉ USD Mỹ. Theo đó, Trung Quốc sẽ tăng  thuế đối với 5 nghìn 140 sản phẩm của Mỹ từ mùng 1 tháng 6 tới.Quyết định trả đũa thuế của Trung Quốc được đưa ra sau khi Mỹ tuần trước đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc có giá trị lên tới 200 tỷ USD Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ thị Đại diện Thương mại Mỹ bắt đầu xem xét tăng thuế đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu của Mỹ - một động thái sẽ ảnh hưởng đến khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 325 tỷ đôla Mỹ.

Ngay lập tức, thị trường chứng khoán Phố Wall chìm trong sắc đỏ ngày 13/5 sau động thái của Trung Quốc. Theo CNN, cố phiếu châu Âu mất 1,2%, và cổ phiếu các nền kinh tế mới nổi sụt giảm 1,7%. Theo Reuters, tất cả ba chỉ số lớn của Mỹ đều “thất thủ” trong một đợt bán tháo trên diện rộng, số chỉ số Nasdaq mất điểm phần trăm lớn nhất trong một ngày. Cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều mất điểm phần trăm lớn nhất kể từ ngày 3/1.

Đối đầu thương mại Mỹ-TrungHai nhà lãnh đạo Doanld Trump và Tập Cận Bình sẽ tiếp tục “so găng” trong thương mại.

Tờ South China Morning Post cho biết leo thang chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã quét sạch hơn 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường chứng khoán ngày hôm qua 13/5, đặc biệt là chứng khoán Mỹ trong lĩnh vực công nghệ.

CNN chạy hàng titre lớn “Các trang trại Mỹ không còn kiên nhẫn khi ông Trump phát động cuộc chiến: Không dự đoán được những gì sẽ xảy ra tiếp theo”. Hãng tin Mỹ cho biết các sản phẩm nông nghiệp Mỹ sẽ là mục tiêu nhắm tới của Trung Quốc, đặc biệt là lúa mì, ngô và thịt lợn. CNN dẫn lời các nhà quan sát phân tích: việc Trung Quốc áp thuế trả đũa nhằm vào những sản phẩm nông nghiệp là nhắm vào bộ phận cử tri quan trọng của Tổng thống Trump trước kỳ bầu cử 2020. The Guardian bình luận “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không còn đơn thuần là một cuộc đọ sức thuế quan mà là cuộc đối đầu trên mọi phương diện”.Mặc dù Tổng thống Mỹ hôm 13/5 cho biết Washington sẽ hỗ trợ 15 tỷ USD để giúp nông dân Mỹ bị ảnh hưởng do Trung Quốc nâng thuế, nhưng về dài hạn các biện pháp này có khả thi còn là câu hỏi ngỏ.

Thế giới sẽ đi theo ai?

Các động thái “qua lại” này được cho xuất phát từ sự “bội ước” của Trung Quốc khi đêm 3/5, phía Trung Quốc gửi lại cho phía Mỹ một văn bản 150 trang, trong đó đã sửa đổi lại toàn bộ điều khoản về lĩnh vực luật pháp mà Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất đàm phán trước đó. AFP dẫn lời ông Edward Alden, chuyên gia về ngoại thương tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định ngoài việc ép Trung Quốc phải có các nhượng bộ, thì cơ chế giám sát thực thi các cam kết của Trung Quốc mới chính là tâm điểm của các cuộc thương lượng Mỹ-Trung. «Việc thực thi thỏa thuận là trọng tâm các cuộc đàm phán bởi vì Trung Quốc từ lâu nổi tiếng là không tuân thủ các cam kết do chính họ đưa ra tại Tổ chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) và trong các cuộc đàm phán song phương khác, bất kể là với Hoa Kỳ hay là với các nước khác ».

Căng thẳng quan hệ ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ làm đảo lộn các mối quan hệ quốc tế. Trong một phân tích, đài RFI (Pháp) đặt câu hỏi: Thế giới trong tương lai sẽ phải theo ai ? Trung Quốc hay là Mỹ? Bà Alice Ekman, chuyên gia về Trung Quốc, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) cho rằng nếu nhìn từ cuộc chiến thương mại cho đến các căng thẳng trên Biển Đông, « rõ ràng thế giới đang bước vào một giai đoạn đối đầu mạnh mẽ và lâu dài giữa Trung Quốc và  Mỹ». Mỹ đang đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Theo bà Alice Ekman“hiện tại chính sách đối đầu của Tổng thống Donald Trump dường như chưa gây ra những hệ quả tai hại to lớn nào cho nước Mỹ, nhưng không vì thế mà không có rủi ro trước sức mạnh kinh tế ngày càng lớn và khả năng bành trướng tầm ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc”. Bà Ekman dự báo, trong dài hạn, thế giới có thể bị phân hóa thành « hai cực đối đầu, với hai tầm nhìn về toàn cầu hóa khác nhau ». Mỗi bên sẽ do một nước dẫn đầu và tồn tại song song. Sự phân cực đó không chỉ hiện hữu trong thương mại mà cả trong quan hệ quốc tế thông qua một hình thức cạnh tranh mới giữa các hệ thống cơ sở hạ tầng, các chuẩn mực, định chế quốc tế…

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Thương mại Mỹ ngày 13/5 cho biết bộ này đã cấm 6 thực thể công nghệ của Trung Quốc, một công ty của Pakistan và 5 thực thể tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhập khẩu các công nghệ Mỹ nhạy cảm và các hàng hóa khác.Các thông tin cho biết Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề Thượng đỉnh G20 tháng 6 tới tại Nhật Bản. Như vậy, “màn so găng” Mỹ-Trung vẫn sẽ tiếp diễn và dự báo còn nhiều gay cấn.


N.Minh
Ý kiến của bạn