Đói đau dạ dày, no cũng đau dạ dày, vì sao?

SKĐS - Đối với người có bệnh lý viêm loét dạ dày, khi quá đói hay quá no cũng có thể bị đau dạ dày. Vậy nguyên nhân là gì và xử trí như thế nào là phù hợp để hạn chế những cơn đau khó chịu này?

1. Nguyên nhân gây đau dạ dày khi quá đói hoặc quá no

Viêm loét dạ dày có nhiều nguyên nhân, trong đó chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý là nguyên nhân quan trọng. Nếu người bệnh có dấu hiệu đau vùng thượng vị dữ dội, có cảm giác cồn cào, nóng rát hoặc đau âm ỉ kèm theo các biểu hiện: khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn… thì chắc chắn đang gặp vấn đề về dạ dày.

Những cơn đau này rất khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và làm việc. Cơn đau thường hay tái phát khi người bệnh căng thẳng, không được nghỉ ngơi hoặc ăn uống, sinh hoạt không điều độ.

Dạ dày tiết ra axit dịch vị và co bóp tiêu hóa thức ăn. Khi lượng axit trong dạ dày cân bằng vừa đủ sẽ giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn nhưng nếu dư thừa axit thì có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm loét, trào ngược axit và xuất hiện các cơn đau dạ dày.

Nếu người bệnh để tình trạng quá đói, axit dịch vị tiết ra nhiều làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm loét và đau. Còn khi ăn quá no, dạ dày phồng căng, thức ăn ứ đọng lâu trong dạ dày, gây chướng bụng, khó tiêu và đau dạ dày.

Đói cũng đau dạ dày, no cũng đau dạ dày, vì sao? - Ảnh 2.

Chế độ ăn uống không hợp lý là nguyên nhân gây đau dạ dày.

Vì vậy, thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp là biện pháp đầu tiên mà người bệnh viêm loét dạ dày cần nhớ để hạn chế những cơn đau khó chịu.

Theo ThS. BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ ăn trong bệnh lý dạ dày nhằm mục đích làm giảm tiết axit, giảm bất lợi của axit lên niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày nghỉ ngơi và các tổn thương mau lành.

Người bệnh nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa được axit. Không để bụng quá đói làm dạ dày rỗng, co bóp mạnh hơn gây đau, thậm chí chảy máu. Không nên ăn quá no khiến dạ dày căng to, co bóp yếu ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn thức ăn, tăng cọ xát làm gia tăng cơn đau. Ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh cũng đều làm dạ dày co bóp mạnh hơn gây đau…

2. Ăn uống đúng cách giúp hạn chế cơn đau dạ dày

2.1. Ăn đúng giờ, không bỏ bữa

Việc ăn uống thất thường không theo một giờ giấc cố định sẽ làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến quá trình trao đổi chất bị cản trở và dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày…

Ăn không đúng giờ hoặc bỏ bữa sẽ khiến dạ dày tăng tiết dịch vị khiến dạ dày bị tổn thương và gây ra viêm loét. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý ăn đủ bữa và đúng giờ.

2.2. Ăn chậm, nhai kỹ

Nên ăn chậm, nhai kỹ thức ăn, vì trong khi nhai có thể tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, có tác dụng giảm tiết axit và trung hòa axit có trong dạ dày, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.

Sau khi ăn xong không nên vận động mạnh hoặc nằm ngủ ngay khiến thức ăn không tiêu hóa được, gây đầy bụng và khó chịu dạ dày.

2.3. Chia nhỏ bữa ăn

Người bệnh không nên ăn số lượng lớn thức ăn trong một bữa mà nên chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày. Mục đích để tránh dạ dày rỗng, khi đó không có lớp nhầy từ tinh bột hoặc chất xơ ngăn cản, axit dịch vị dễ dàng tiếp xúc với lớp niêm mạc dạ dày gây viêm loét và làm tăng cơn đau.

2.4. Ăn thức ăn mềm, thái nhỏ

Người bị đau dạ dày nên ăn các thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ. Nhờ đó tránh tăng tiết axit dịch vị dạ dày, gây đau và ảnh hưởng đến các vết loét. Thực phẩm cũng nên thái nhỏ hoặc nghiền nát, sẽ hạn chế dạ dày phải làm việc nhiều trong khi bị tổn thương.

2.5. Tránh thức ăn có thể gây kích ứng dạ dày

Cần tránh một số thực phẩm có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày như thực phẩm có tính axit như cam, chanh, quýt, bưởi, dưa chua, cà muối; thức ăn cay; thức ăn lạnh, tái sống; thuốc lá, rượu, bia, cà phê, trà đặc, nước có gas... Những chất này kích thích dạ dày tăng tiết axit, gây trào ngược dạ dày - thực quản và khiến cho cơn đau trở nên trầm trọng hơn.

Đói cũng đau dạ dày, no cũng đau dạ dày, vì sao? - Ảnh 4.

Khi bị đau dạ dày nên chọn thức ăn mềm, giúp bảo vệ niêm dạ dày.

3. Thực phẩm giúp trung hòa axit dạ dày

Lựa chọn thực phẩm thích hợp sẽ giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét và giảm kích ứng niêm mạc dạ dày. Nó cũng hạn chế sản xuất axit dư thừa, có thể gây cơn đau và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm loét.

Để bảo vệ niêm mạc dạ dày, người bệnh nên dùng thức ăn giảm tiết dịch vị, có tính bao bọc niêm mạc, giúp trung hòa axit trong dạ dày như: gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh quy, các loại khoai củ, mật ong…

Thực phẩm giàu chất xơ như như: cà rốt, khoai tây, bí đỏ, yến mạch, bánh mì nguyên cám… cũng có tác dụng giảm axit dạ dày và hấp thu tốt trong dạ dày.

Sữa chua là thực phẩm lên men cung cấp những vi khuẩn có lợi cho đường ruột, tạo điều kiện hấp thu tốt các chất dinh dưỡng đồng thời hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế các triệu chứng khó tiêu, đầy bụng và khó chịu ở dạ dày.

Mùa hè nóng bức, đừng bỏ qua các món ngon giải nhiệt, chữa bệnh từ mướp đắngMùa hè nóng bức, đừng bỏ qua các món ngon giải nhiệt, chữa bệnh từ mướp đắng

SKĐS - Mướp đắng là loại rau rất giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Trong mùa hè, sử dụng những món ăn từ mướp đắng vừa có tác dụng giải nhiệt vừa hỗ trợ chữa nhiều bệnh.

Xem thêm video đang được quan tâm

Tác dụng tuyệt vời của đậu đen


Thu Phương
Ý kiến của bạn