Miệt mài cứu nạn
Nhiều tài xế ví đèo Lò Xo (dài 37km, nối Kon Tum với Quảng Nam) như "cung đèo tử thần", vì tại đèo này đã từng xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm, nhất là vào ban đêm. Những tài xế thường xuyên đi qua tuyến đường này cho biết, mỗi năm họ chứng kiến hàng chục vụ tai nạn đầy ám ảnh.
Trước mỗi vụ tai nạn trên đèo Lò Xo, điều người bị nạn cần nhất là được cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ kịp thời. Thấu hiểu điều này, năm 2017, những người đàn ông làm nhiều nghề khác nhau như thợ sửa xe ô tô, người buôn bán tạp hóa, lao động phổ thông… ở Kon Tum đã được chính quyền địa phương cho phép thành lập Đội SOS đèo Lò Xò. Phương châm hoạt động của đội là xuyên ngày đêm cứu nạn, cứu hộ miễn phí, cứ có thông tin từ cơ quan chức năng, chính quyền, người dân báo đến là lên đường ngay.
Đối với các vụ tại nạn nghiêm trọng thì các thành viên trong Đội SOS đèo Lò Xo hỗ trợ cứu nạn các nạn nhân mắc kẹt, giúp các y bác sĩ đưa người gặp nạn đi cấp cứu, hỗ trợ lực lượng chức năng chỉ dẫn cho các xe qua khu vực tai nạn an toàn, nhanh chóng…
Đối với các vụ không quá nghiêm trọng, Đội SOS đèo Lò Xo sẽ giải cứu người bị nạn ra khỏi ca bin xe, giúp băng bó, bảo vệ hiện trường…
Công việc vất vả là thế nhưng nhiều năm qua, không thành viên nào trong Đội SOS đèo Lò Xo nản lòng. Một số thành viên trong Đội SOS đèo Lò Xo cho biết, giúp ích cho người khác cũng là cách tạo niềm hạnh phúc cho mình, chỉ mong sẽ giảm bớt được tối đa các vụ tai nạn xảy ra trên cung đèo nguy hiểm này.
Trò chuyện với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về công việc của các thành viên trong đội, anh Nguyễn Vỹ Ly - Đội trưởng Đội SOS đèo Lò Xo bộc bạch, để làm tốt công tác cứu nạn, các thành viên trong đội đều phải học thành thục các kỹ năng là: Kỹ năng cứu người mắc kẹt, kỹ năng sử dụng phương tiện cứu hộ, kỹ năng sơ cứu cho nạn nhân bị tai nạn… Thường khi nhận được thông tin về tai nạn thì các thành viên sẽ báo tin ngay cho nhau để mang các phương tiện đi cứu hộ, cứu nạn. Phương tiện đi cứu nạn chủ yếu là xe cá nhân của các thành viên trong đội.
Phạm vi hoạt động của Đội SOS đèo Lò Xo trước đây là từ Kon Tum đến Quảng Nam nhưng hiện nay, đội tập trung hỗ trợ chủ yếu trên cung đèo Lò Xò. Trung bình mỗi năm, Đội SOS đèo Lò Xo hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ 80 đến 120 vụ tai nạn, sự cố trên đèo Lò Xo.
Mong không còn đau thương trên đèo Lò Xo
Từng được Đội SOS đèo Lò Xo hỗ trợ khi xe mất thắng va vào vách núi, tài xế Nguyễn Hữu Quang xúc động bộc bạch: "Các thành viên Đội SOS đèo Lò Xo không ngại bất cứ hiểm nguy nào. Hôm đó, dù trời đã rất khuya lại mưa to, gió mạnh nhưng các thành viên của đội vẫn đến kịp thời đưa người bị nạn trong xe ra, hỗ trợ sơ cứu ban đầu trong lúc chờ xe cấp cứu đến. Từ ngày có Đội SOS đèo Lò Xo, người bị nạn trên đèo được giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều".
Theo anh Nguyễn Vỹ Ly, Đội SOS đèo Lò Xo hiện nay có 12 thành viên nằm trong ban điều hành, bên cạnh đó còn có mạng lưới tình nguyện viên rất đông để hỗ trợ các công việc khi cần. Đường đèo Lò Xo hiện nay được sửa chữa, tu bổ, các điểm đen dần được xóa bỏ đã phần nào hạn chế các vụ được tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, các tài xế khi lưu thông qua đèo Lò Xo phải rất cẩn thận, đi chậm và quan sát kỹ càng.
Cứ sau mỗi lần hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ trên đèo Lò Xo, thông qua nhiều kênh như các mạng xã hội, nhóm, hội… nhiều thành viên trong Đội SOS đèo Lò Xo lại đưa ra các khuyến cáo cho tài xế, người đi đường để biết cách tránh các tai nạn có thể xảy ra.
Không chỉ hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ trên đèo Lò Xo, trong nhiều năm qua, Đội SOS đèo Lò Xo còn thường xuyên phối hợp với những người có tấm lòng hảo tâm trao nhiều phần ăn đến những bệnh nhân nghèo ở Đắk Glei; hỗ trợ các buôn làng vùng sâu xây, sửa cầu; tặng hệ thống lọc nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn…