Cô giáo Lê Thị Thắm trong ngày đầu tiên lên lớp. Video: Hoàng Nguyên - Vân Anh.

SKĐS - Từ khi sinh ra, cơ thể của cô giáo Lê Thị Thắm (25 tuổi, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá) đã vô cùng khác biệt. Số phận nghiệt ngã đã đưa cô gái này trải qua biết bao thăng trầm, thử thách, và đến nay ước mơ làm giáo viên dạy tiếng Anh của Thắm đã thành hiện thực.

Cô gái 'chim cánh cụt' có "nụ cười tỏa nắng"

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ là những người nông dân chân chất tại vùng quê Đông Sơn, Thắm lọt lòng với thân hình của chú "chim cánh cụt". Tuổi thơ của Thắm đã  trải qua rất nhiều lời trêu chọc, những lời dị nghị xung quanh.

Đôi chân kiến tạo cuộc đời - Ảnh 2.

"Lúc 4 tuổi, mẹ cho tôi đi mẫu giáo để có thời gian phụ giúp việc cho bố. Khi rời trường về nhà, mọi người đều làm việc bằng tay trong khi tôi không thể làm được gì. Ngày đó, tuy còn nhỏ nhưng tôi đã lờ mờ hiểu rằng mình rất … khác so với những người xung quanh", Lê Thị Thắm nhớ lại.

Đôi chân kiến tạo cuộc đời - Ảnh 3.

Thắm sống cùng bố mẹ trong căn nhà cấp bốn nằm cuối con ngõ Đoàn Kết của xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong gia đình, Thắm là chị cả. Sau Thắm có một người em trai năm nay đã 19 tuổi.

Cô giáo Thắm nay bước vào tuổi 25 nhưng vẫn mang một thân hình nhỏ bé với chiều cao 140 cm và nặng chưa đầy 30 kg. Ít ai biết được rằng, đằng sau thân hình "khiêm tốn" ấy là một nghị lực phi thường với nụ cười "tỏa nắng". Chính vì lẽ đó, nhiều người thường đùa Thắm với nickname "chim cánh cụt, có nụ cười tỏa nắng".

Đôi chân kiến tạo cuộc đời - Ảnh 4.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Tình (mẹ Thắm), ngày sinh ra Thắm, người thân thấy một bé gái không có tay như những đứa trẻ khác. Lo người mẹ bị sốc khi nhìn thấy con, gia đình đã lấy tã quấn lại không cho bà Tình biết. Khoảng một tuần sau, khi người trong nhà đi làm đồng, bà Tình cởi tã ra để thay cho con. Nhìn ra sự "đặc biệt" của người con do mình sinh ra, nước mắt người mẹ tuôn trào không kìm lại được.

Ôm Thắm vào lòng, bà khóc rất nhiều và chỉ biết trách bản thân. 

Nhìn vào nụ cười thơ ngây của Thắm khi còn đỏ hỏn, bà Tình cố nén nỗi đau vào sâu bên trong tim mình để bình tĩnh trở lại. Người mẹ nghèo nguyện sẽ cùng chồng dành hết tất cả những gì tốt đẹp nhất dành cho con gái nhỏ bé nhưng "đặc biệt" của mình.

Lớn lên khi đã biết nhận thức về bản thân, Lê Thị Thắm bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt của mình với bạn bè đồng trang lứa. Đã nhiều lần, Thắm hỏi mẹ rằng sao mình "không có tay giống bạn khác". Những lúc như vậy, bà Tình chỉ biết ôm chặt con gái vào lòng, an ủi để con không thấy tủi thân, "các bạn chỉ trêu chọc con thôi, lớn lên sẽ hết".

Thử thách lớn nhất với Thắm là khi bắt đầu làm quen với con chữ. Chia sẻ với phóng viên, Thắm  chảy nước mắt khi nhắc về những ngày tháng đầy gian lao ấy. Với Thắm, hành trình tìm tới con chữ vất vả gấp hàng nghìn lần. Vì không có tay nên cô đã học cách viết bằng chính đôi chân của mình.

Kể về quá trình tập viết, thời gian đầu sử dụng chân để viết phấn, Thắm đã gặp rất nhiều điều bất tiện. 

Cô giáo trẻ chia sẻ: "Lúc mới bắt đầu sử dụng các ngón chân để cầm bút, tôi thấy rất vướng. Khó và khổ. Mãi rồi quen với cách dùng bút bằng chân, tôi bắt đầu học cách viết chữ. Thời gian đầu, các khớp chân của mình rất là đau. Có những lúc nó còn rỉ máu, gây nên các cơn đau khiến đêm không thể ngủ. Khi ấy, mẹ lại là người bên cạnh, xoa dịu đi những cơn đau của mình."

Đôi chân kiến tạo cuộc đời - Ảnh 5.

Ngoài làm mẹ, bà Tình còn là  cô giáo thứ hai của Thắm. Bà luôn bên cạnh con gái, đưa ra những lời khuyên chân thành để Thắm có định hướng tốt hơn trong cuộc sống. 12 năm học phổ thông, bà Nguyễn Thị Tình chưa bao giờ ngại nắng mưa, đưa con gái đi học trên chiếc xe đạp cũ. 

Bà luôn động viên Thắm: "Con phải cố gắng hơn nữa, người bình thường cố gắng một thì con phải cố gắng gấp 20 lần. Trên đời này còn rất nhiều người thiệt thòi hơn mình, con phải cố gắng để trở thành người có ích cho xã hội". 

Để không phụ công sức cũng như tình yêu của mẹ dành cho mình, cô con gái nhỏ luôn luôn dành cho mẹ những phần thưởng thật lớn lao. 12 năm học, Lê Thị Thắm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và nhiều thành tích xuất sắc ở các cuộc thi học sinh giỏi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Cô giáo tiếng Anh yêu trẻ em

Tốt nghiệp phổ thông trung học, Thắm nộp đơn và trúng tuyển vào ngành sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá). Sau 4 năm miệt mài trên giảng đường, năm 2020, Lê Thị Thắm chính thức tốt nghiệp trở thành cử nhân sư phạm tiếng anh.

"Từ nhỏ, tôi đã có ước mơ trở thành cô giáo. Làm giáo viên sẽ phù hợp với bản thân vì không quá cam go giống khối ngành khác. Trong quá trình học, thầy, cô đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Thầy, cô luôn động viên, đồng hành cùng tôi, giúp tôi theo đuổi giấc mơ làm giáo viên."

Sau khi tốt nghiệp, Thắm nghĩ sẽ chỉ dạy miễn phí ngoại ngữ cho bọn trẻ hàng xóm nhưng rồi "tiếng lành đồn xa", cô giáo Thắm dạy hay, giúp các em hiểu bài. Người này giới thiệu người kia, cô giáo Thắm được sự tin yêu của học trò và tin tưởng của nhiều phụ huynh. 

Cô giáo Thắm quyết định mở thêm lớp dạy thêm ở nhà và đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Nhờ vậy mà lớp học của cô giáo trẻ lúc nào cũng đông vui.

Ước mơ được làm cô giáo dạy học cho các em nhỏ luôn cháy bỏng trong Thắm. Để rồi, sau nhiều nỗ lực, ước mơ nay đã thành hiện thực.

Ngày 9-6, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tại đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã chỉ đạo huyện Đông Sơn phối hợp Sở Nội vụ thực hiện việc tuyển dụng đặc cách, bố trí công tác cho cô gái không tay Lê Thị Thắm vào ngành giáo dục huyện Đông Sơn ngay trong năm học 2023-2024.

Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, giờ đây ước mơ trở thành cô giáo của Thắm chính thức được thực hiện.

"Tôi sẽ luôn hoàn thiện bản thân, luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Dù bản thân có nhiều hạn chế nhưng tôi tự tin sẽ nỗ lực, sẽ tận tâm, tận lực cống hiến nếu được trao cơ hội đứng vào ngành giáo dục", cô giáo trẻ Lê Thị Thắm nói.

Ngày khai giảng năm học mới đã đến, cô giáo Lê Thị Thắm, hiện là giáo viên Tiếng Anh của Trường TH&THCS Đông Thịnh, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.

'Ngày đầu tiên đứng lớp tôi có một chút hồi hộp, lo lắng các em học sinh không hiểu hết bài. Nhìn xuống dưới lớp những ánh mắt thơ ngây, của bọn trẻ khối 1 và 2, chăm chú nghe giảng, giúp tôi thêm tự tin. Được các em học sinh yêu mến, thầy, cô trong trường tận tình hỗ trợ để vượt qua những khó khăn ban đầu nên tôi đã thích ứng được với môi trường mới. Tôi có thêm nhiều năng lượng và thêm yêu nghề", Thắm kể.

Ý kiến của bạn