Hà Nội

Đội chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật - Tiếp cận mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện

04-03-2019 17:35 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Điểm đáng chú ý của mô hình chăm sóc theo đội tại BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí là người bệnh và người nhà cùng được tham gia vào quá trình chăm sóc... Nhờ đó, người bệnh và người nhà có mối quan hệ gắn bó, thân thiện hơn với nhân viên y tế, chất lượng chăm sóc được nâng cao.

 

“Có thêm nhân viên y tế trực tiếp hỗ trợ, chúng tôi thêm yên tâm khi điều trị”

Bệnh nhân Hoàng Thị D. (sinh năm 1937), ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh), bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, biến chứng hẹp môn vị vừa trải qua ca phẫu thuật, đang giai đoạn hậu phẫu  tại Đơn nguyên Phẫu trị, xạ trị và y học hạt nhân thuộc Trung tâm Ung bướu (BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí) trước khi lựa chọn phương án điều trị tiếp theo.

Đội chăm sóc bệnh nhân sau mổ của Đơn nguyên Phẫu trị, xạ trị và y học hạt nhân

Điều dưỡng Lê Thị Hoàng Điệp, người có bảy năm kinh nghiệm làm việc tại đây được phân công hỗ trợ, chăm sóc trực tiếp bà D. chia sẻ, hỗ trợ người bệnh nặng đã vất vả mà lại ung thư thì vất vả hơn nhiều vì người bệnh ung thư thường có tâm lý hoang mang, lo lắng, dễ cáu gắt, thậm chí không hợp tác trong quá trình điều trị.

Tuy nhiên, trò chuyện với chúng tôi, bà D. cho biết cùng với bác sĩ điều trị, việc có thêm  nhân viên y tế như chị Điệp trực tiếp hỗ trợ, chăm sóc khiến bà hoàn toàn yên tâm, tin tưởng và hợp tác chặt chẽ với  thầy thuốc trong thực hiện các liệu trình điều trị.

Đã thành thông lệ, đúng 7h30 sáng hàng ngày, Đội chăm sóc bệnh nhân sau mổ của Đơn nguyên Phẫu trị, xạ trị và y học hạt nhân có mặt đầy đủ, sẵn sàng cho ngày mới. Trong đơn nguyên có 2 đội, đảm đương chăm sóc 20 bệnh nhân. Mỗi người sẽ chăm sóc 7-8 bệnh nhân, với 3 bệnh nhân cấp 2 (là người bệnh có những khó khăn, hạn chế trong hoạt động hằng ngày như ăn uống, gội đầu..., cần sự theo dõi, hỗ trợ của điều dưỡng viên) và 4 bệnh nhân cấp 3.

Chị Hoàng Thị Tư - Đội trưởng đội 1 cho biết, ở mỗi giường bệnh, điều dưỡng viên báo cáo tình hình, diễn biến của người bệnh gồm: ăn uống, tâm lý, những y lệnh đã thực hiện từ ngày hôm trước, ghi lại y lệnh của bác sĩ… Đội trưởng cùng các thành viên thảo luận và phân công công việc, phương án hỗ trợ, chăm sóc. Bác sĩ sau đó sẽ thăm khám, quyết định nhanh hướng điều trị trong ngày, thống nhất trong đội về các yêu cầu chăm sóc cho người bệnh và dặn dò người bệnh. Điều dưỡng sẽ là người đi nhận thuốc về phát cho người bệnh, chuẩn bị cho uống hoặc tiêm, truyền và ghi hồ sơ chăm sóc.

“Mỗi thành viên trong đội phụ trách một đến hai phòng điều trị. Trong những trường hợp cụ thể, các thành viên trong đội có thể hỗ trợ nhau để chăm sóc người bệnh đạt hiệu quả nhất. Các thành viên trong đội hoàn thành công việc khi gần 12 giờ (cũng có hôm muộn hơn). Chúng tôi  có khoảng một giờ để ăn và nghỉ ngơi trước khi bước vào công việc của buổi chiều”- chị Tư nói.

Tiếp cận mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phụ trách Phòng Quản lý Chất lượng, BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, mô hình chăm sóc người bệnh theo đội được bệnh viện áp dụng từ năm 1998 dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Thụy Điển.

21 năm nay, bệnh viện áp dụng và phát triển mô hình này ở toàn bộ các khoa điều trị nội trú trong bệnh viện (Trừ khoa Cấp cứu). Lấy người bệnh làm trung tâm là kim chỉ nam để tất cả mọi thành viên trong đội phải hướng tới. Mô hình có sự tham gia của nhiều thành phần: bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa thực tập, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, hộ lý, người nhà người bệnh.

Đội chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Nhi của BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí

Theo đó, thay vì ngồi tại phòng giao ban để nghe điều dưỡng trực báo cáo tình hình người bệnh trong đêm, cả đội đến tận giường bệnh, nghe điều dưỡng chăm sóc ngày hôm trước báo cáo tình hình và bổ sung thông tin. Người bệnh được tham gia thảo luận về tình trạng bệnh, phương pháp, hướng điều trị, chăm sóc cho mình… Người bệnh có băn khoăn, lo lắng sẽ được động viên, giải đáp ngay.

Điểm đáng chú ý của mô hình này là người bệnh và người nhà cùng được tham gia vào quá trình chăm sóc. Người bệnh được phát biểu ý kiến, được giải đáp thắc mắc, biết mình được khám, chữa bệnh ra sao, được làm các xét nghiệm gì, uống thuốc gì trong ngày... Nhờ đó, người bệnh và người nhà có mối quan hệ gắn bó, thân thiện hơn với nhân viên y tế, chất lượng chăm sóc được nâng cao. Mặt khác, việc giao nhận người bệnh tại giường bệnh giúp điều dưỡng, bác sĩ tăng thời gian tiếp xúc, góp phần giảm tai biến, biến chứng, bảo đảm an toàn, không có “khoảng trống” trong chăm sóc người bệnh.

Mô hình chăm sóc bệnh nhân theo đội đã tiếp cận được quan điểm của Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế về chăm sóc người bệnh toàn diện.

Bệnh viện cũng đã trực tiếp hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ xây dựng mô hình cho hàng nghìn lượt cán bộ tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Đã có khoảng 50 bệnh viện tuyến T.Ư, tỉnh, huyện áp dụng mô hình này sau khi tới tham quan, học hỏi tại BV Việt Nam Thụy Điển- Uông Bí

Khuyến khích công khai, minh bạch các sự cố y khoa

Năm 2018, kết quả tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế thực hiện tại BV Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đã công bố, Bệnh viện đạt 4,17/5 điểm, cao hơn rất nhiều so với 4 năm trước, được xếp tốp đầu về chất lượng trong hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay.

TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, đây là cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể những thầy thuốc trong triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng bệnh viện.

Người bệnh làm thủ tục ra/vào viện tại BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí

Bệnh viện xác định muốn lấy được sự hài lòng của người bệnh, ngoài tinh thần, thái độ của nhân viên y tế, thì chất lượng chăm sóc, điều trị là hết sức quan trọng. Do vậy, chính sách chất lượng được Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí xác định là an toàn - hiệu quả và phát triển bền vững. Quy trình quản lý chất lượng được xây dựng minh bạch từ quản lý các nguồn lực (con người, trang thiết bị) đến các quy trình, quy định, hướng dẫn về chuyên môn, kết quả chẩn đoán, điều trị. Đến nay tỷ lệ khỏi bệnh ở bệnh viện đạt hơn 95%, trong khi tỷ lệ tiền thuốc chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí điều trị tại bệnh viện của người bệnh.

Ngoài ra, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí luôn khuyến khích các khoa, phòng, trung tâm và mỗi cán bộ công khai, minh bạch các sự cố y khoa. Việc công khai đó không phải để phạt, xử lý cán bộ sai sót, mà để phòng ngừa, không lặp lại. Bệnh viện sử dụng phương pháp “ma trận” để phân tích nguyên nhân, gốc rễ các sự cố, từ đó đưa ra các biện pháp ngăn chặn, không tái phạm. Bên cạnh việc xây dựng các hướng dẫn, quy trình, phần mềm báo cáo sự cố y khoa, bệnh viện xây dựng cơ chế khuyến khích tự nguyện báo cáo khi có sự cố; không giảm thưởng khi tự nguyện báo cáo sự cố do mình gây ra...

Được biết, mặc dù đã có hơn 1.000 sự cố y khoa được báo cáo, nhưng hàng chục đơn vị vẫn được khen thưởng, hàng trăm nhân viên không bị giảm thưởng vì kịp thời báo cáo sự cố.


Thái Bình
Ý kiến của bạn