Tuy nhiên, hàng ngàn nhân viên y tế khác tại đây khác không được như vậy. Trong bối cảnh bùng phát dịch viêm phổi cấp do SARS-CoV-2, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã công bố hướng dẫn quốc gia về can thiệp khủng hoảng tâm lý cho nhân viên y tế.
Nguy cơ phải trả giá về mặt cảm xúc
Từ tháng 12/2019, bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) nhanh chóng lan ra nhiều nơi trên thế giới và gây những thiệt hại trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh việc điều trị bệnh, việc phát triển và thực hiện đánh giá, hỗ trợ, điều trị tâm lý cho nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả và tránh các nguy cơ phải trả giá về mặt cảm xúc trong quá trình làm việc.
Trên thực tế, nhân viên y tế luôn là người thường xuyên phải đối mặt với những căng thẳng do áp lực công việc. Ủy ban Sức khỏe Tâm thần Canada cho biết, nhân viên y tế có nguy cơ phải bỏ việc cao gấp 1,5 lần so với nhân viên các lĩnh vực khác do các vấn đề liên quan tới bệnh tật. 40% điều dưỡng và bác sĩ báo cáo về tình trạng “burnout” (kiệt sức) tiến triển.Đó là trong điều kiện làm việc bình thường.Đứng trước một đại dịch như COVID-19, gánh nặng tâm lý trên vai nhân viên y tế còn tăng thêm vạn lần.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã nhận định trong một bài viết được đăng trên tạp chí Lancet đầu tháng 2/2020 cho thấy: nhân viên y tế ở Vũ Hán, nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 đã phải đối mặt với áp lực rất lớn, bao gồm nguy cơ nhiễm trùng cao do khan hiếm đồ bảo hộ, làm việc quá sức, thất vọng, bị phân biệt đối xử, cô lập, đối mặt với bệnh nhân có cảm xúc tiêu cực, thiếu tiếp xúc với gia đình và kiệt sức. Tình trạng nghiêm trọng này làm phát sinh các vấn đề về sức khỏe tâm thần như căng thẳng, lo lắng, các triệu chứng trầm cảm, mất ngủ, phủ nhận hiện thực, tức giận và sợ hãi. Những vấn đề sức khỏe tâm thần không chỉ ảnh hưởng đến sự chú ý, hiểu biết và khả năng ra quyết định của nhân viên y tế, những điều có thể cản trở cuộc chiến chống lại SARS-CoV-2 mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tổng thể của các nhân viên này. Do đó, bảo vệ sức khỏe tâm thần của những nhân viên y tế này rất quan trọng để họ có thể tham gia kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe lâu dài của chính họ.
Một thực tế là hầu hết các nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly và bệnh viện không nhận được bất kỳ một chương trình tập huấn nào về chăm sóc sức khỏe tâm thần.Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần kịp thời được đặt ra một cách bức thiết.Một số phương pháp được áp dụng hiệu quả từ dịch SARS nhiều năm trước có thể hữu ích.
Can thiệp tâm lý bằng trị liệu nhóm
Trước thực trạng này, một kế hoạch can thiệp tâm lý chi tiết đã được xây dựng, chủ yếu bao gồm 3 mảng sau: xây dựng đội ngũ y tế can thiệp tâm lý tổ chức các khóa học trực tuyến nhằm hướng dẫn nhân viên y tế giải quyết các vấn đề tâm lý thông thường; thiết lập một đường dây nóng hỗ trợ tâm lý để hướng dẫn và giám sát giải quyết các vấn đề tâm lý và can thiệp tâm lý thông qua việc cung cấp nhiều hoạt động nhóm (trị liệu nhóm) khác nhau để giải tỏa căng thẳng cho nhân viên y tế.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các can thiệp tâm lý này trong thực tế lại gặp trở ngại vì nhân viên y tế tại Vũ Hán không muốn tham gia vào các can thiệp tâm lý nhóm hoặc cá nhân. Thêm vào đó, các điều dưỡng có biểu hiện dễ bị kích thích, cáu kỉnh, không muốn nghỉ ngơi và có dấu hiệu đau khổ tâm lý nhưng lại từ chối bất kỳ trợ giúp tâm lý nào và tuyên bố rằng họ không có vấn đề gì.
Trong một cuộc khảo sát dài 30 phút với 13 nhân viên y tế tại Bệnh viện Thứ hai Xiangya của Đại học Trung Nam, tỉnh Hồ Nam, nơi đã thực hiện một phần đáng kể trong quá trình sàng lọc người bệnh COVID-19, các nhà khoa học tìm ra một số lý do cho sự từ chối giúp đỡ này.
Đầu tiên, bị lây nhiễm không phải là mối lo ngại tức thời đối với nhân viên y tế ở đây - họ đã không lo lắng về điều này một khi họ bắt đầu làm việc.Thứ hai, họ không muốn gia đình lo lắng về họ và lo sợ họ mang virus về nhà.Thứ ba, nhân viên không biết cách đối phó với những người bệnh không muốn cách ly tại bệnh viện hoặc không hợp tác với các biện pháp y tế vì hoảng loạn hoặc thiếu kiến thức về bệnh.
Ngoài ra, nhân viên lo lắng về sự thiếu hụt phương tiện bảo hộ y tế và cảm giác bất lực khi phải đối mặt với các bệnh nhân trong tình trạng nặng.Nhiều nhân viên cho biết họ không cần chuyên viên tâm lý, nhưng cần nghỉ ngơi nhiều hơn và được cung cấp đủ đồ bảo hộ.Cuối cùng, họ đề nghị được tập huấn về các kỹ năng ứng phó với sự lo âu, hoảng loạn và các vấn đề cảm xúc khác; và nếu có thể, nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể có mặt để trực tiếp giúp đỡ những người gặp vấn đề tâm lý.
Điều chỉnh can thiệp tâm lý phù hợp thực tế
Theo đó, các biện pháp can thiệp tâm lý đã được điều chỉnh lại cho phù hợp với tình thế thực sự tại tuyến đầu phòng chống dịch. Đầu tiên, bệnh viện tạo nơi nghỉ ngơi để các nhân viên có thể tạm thời cách ly họ khỏi gia đình.Bệnh viện cũng đảm bảo thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, đồng thời giúp nhân viên quay video ghi lại hoạt động của họ trong bệnh viện để chia sẻ với gia đình nhằm giảm bớt những lo lắng của các thành viên trong gia đình.
Thứ hai, ngoài kiến thức về bệnh và các biện pháp bảo vệ, tập huấn giúp nhân viên y tế xác định và phản ứng với các vấn đề tâm lý ở bệnh nhân mắc COVID-19 cũng được thực hiện. Nhân viên an ninh bệnh viện cũng có mặt để giúp đối phó với bệnh nhân không hợp tác. Thứ ba, bệnh viện đã xây dựng các quy tắc chi tiết về việc sử dụng và quản lý thiết bị phòng hộ để giảm bớt lo lắng cho nhân viên y tế.Thứ tư, các hoạt động giải trí và tập huấn về cách thư giãn đã được sắp xếp hợp lý để giúp nhân viên giảm căng thẳng.
Cuối cùng, các cố vấn tâm lý thường xuyên đến khu vực nghỉ ngơi để lắng nghe những khó khăn hoặc câu chuyện mà nhân viên gặp phải trong công việc, cung cấp hỗ trợ tâm lý phù hợp. Khi chương trình được tiến hành, hơn 100 nhân viên y tế tuyến đầu có thể thay nhau nghỉ ngơi tại khu vực nhà nghỉ tại Bệnh viện Thứ hai Xiangya và hầu hết trong số họ báo cáo cảm giác “như ở nhà”.
Trong bất kỳ thảm họa sinh học nào, các chủ đề của sự sợ hãi, sự bất định và sự kỳ thị là phổ biến và có thể đóng vai trò là rào cản đối với các can thiệp y tế và tâm thần thích hợp. Hiểu về các phản ứng liên quan đến sức khỏe tâm thần trong tình trạng sức khỏe cộng đồng khẩn cấp như dịch COVID-19 có thể giúp nhân viên y tế và cộng đồng có sự chuẩn bị đối với phản ứng của cộng đồng trước thảm họa. Việc áp dụng can thiệp tâm lý kịp thời được xem là kinh nghiệm về tính hiệu quả và chất lượng của can thiệp khủng hoảng như các dịch bệnh truyền nhiễm bất ngờ trong tương lai.