Hà Nội

Đội bắt chó thả rông của Hà Nội hoạt động ra sao?

14-04-2022 10:09 | Xã hội
google news

SKĐS - Hà Nội sẽ thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã, hoạt động của các đội này như thế nào? Báo Sức khỏe & Đời sống phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Hà Nội.

- Hà Nội đã từng thí điểm mô hình bắt chó thả rông tại một số quận, xin ông cho biết hiệu quả của mô hình này?

Thành lập đội bắt chó thả rông là giải pháp trong kế hoạch phòng chống bệnh dại của TP. Hà Nội trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chương trình phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030.

Con chó gần gũi thân thiện với con người nhưng mang trùng bệnh dại rất nguy hiểm, khi cắn người có thể gây thương tích, tử vong cho con người. Do vậy việc quản lý đàn chó nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt, tiêm phòng để tạo miễn dịch cho con chó, giảm thiểu tử vong cho con người.

Trong kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2022 - 2030 vừa được ban hành có rất nhiều nội dung cần thực hiện nhưng 2 nội dung chính phải làm: Một là quản lý đàn chó nuôi, hai là xây dựng vùng an toàn bệnh dại, tiêm phòng đạt tỷ lệ cao nhất để hạn chế bệnh dại.

Bắt chó thả rông: Hoạt động thiết thực giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh dại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Hà Nội.

Hiện Hà Nội đang tập trung xây dựng vùng bệnh dại an toàn tại các quận trước. Đến thời điểm hiện nay, TP Hà Nội đã xây dựng được 4 vùng an toàn bệnh dại là quận Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.

Hiệu quả lớn rất khi xây dựng các vùng an toàn bệnh dại này là giảm thiểu số lượng người chết do bị chó dại cắn. Thống kê trong năm 2020-2021 trên địa bàn TP. Hà Nội, chỉ có một người tử vong không rõ nguyên nhân do chó cắn ở đâu. Những năm trước đó con số này có thể lên 3, 4 trường hợp. Đây là lợi ích lớn nhất mà không thể nào đánh đổi được.

Thành công thứ 2 của chiến dịch này là nâng cao ý thức cho người chăn nuôi, đã nuôi chó là phải chấp hành các quy định về quản lý chó nuôi, không được thả rông, gây thương tích cho người đi đường, chó phải được tiêm phòng đầy đủ… Hiện nay tỷ lệ tiêm phòng đàn chó của Hà Nội trên 92% là rất cao.

Tới đây các phường, xã phải thành lập các đội bắt giữ chó thả rông để xử lý các vi phạm hành chính mà người chăn nuôi không chấp hành, giải quyết các trường hợp chó cắn gây thương tích…

Theo kinh nghiệm của các quận đã thực hiện thành công, một tuần các đội bắt giữ chó thực hiện nhiệm vụ 1- 2 lần, không có ngày cố định để tăng tính đột xuất nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm của chủ vật nuôi.

Quan trọng nhất ở hoạt động này nhằm nâng cao ý thức cho người dân, đã nuôi chó, mang chó đến nơi công cộng phải có rõ mõm, có xích, có người trông giữ không được thả rông, phòng uế bừa bãi… Hiện các tổ bắt giữ chó thả rông đang hoạt động rất hiệu quả.

- Khi triển khai diện rộng, hoạt động này gặp những khó khăn gì thưa ông?

Có thực tế, không phải người nuôi chó nào cũng có ý thức việc mua, nuôi chó về phải khai báo với chính quyền địa phương. Thống kê số chó nuôi, chủ yếu thông qua đội tiêm phòng mới năm bắt được chứ để tự nguyện đi khai báo thì không.

Thứ hai là một số gia đình có sở thích nuôi các loại chó to, rất dễ xảy ra việc tấn công vào người.

Trước đây, cũng có đội bắt giữ chó không chuyên nghiệp. Thành viên có nhiều cán bộ tổ dân phố tuổi cao, nếu gặp con những con chó to rất khó khăn trong việc bắt giữ, không cẩn thận rất dễ xảy ra rủi ro tai nạn do chó tấn công.

Thêm nữa, khi bắt chó nếu chưa có chủ nhận, không được tiêu hủy ngay mà phải nuôi nhốt trong vòng 48 giờ, sau thời gian đó không có người nhận mới xử lý theo quy định (có thể gửi vào nơi nuôi tạm thời), tuy nhiên không có định mức kinh tế chi cho việc này. Với những giống chó đắt tiền, đây cũng là vấn đề nan giải.

Dụng cụ bắt giữ chó chủ yếu thô sơ, không có công cụ hiện đại để bắt chó thả rông. Trong quá trình bắt giữ, nếu không thận trọng, con chó vùng chạy có thể gây thương tích, tai nạn giao thông, những việc này rất khó tránh.

Ngoài ra, hiện thù lao cho những người đi bắt giữ chó còn thấp so với công sức họ bỏ ra, nên khiến nhiều người không mặn mà tham gia công việc này.

- Ông có khuyến cáo gì với người dân để hoạt động này đạt hiệu quả hơn?

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước và chuyên môn, tôi đề nghị UBND các cấp tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm kế hoạch này của TP, đặc biệt là công tác tiêm phòng và quản lý chó nuôi.

Với người chăn nuôi, khi đã nuôi chó phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và địa phương về việc quản lý chó nuôi (khai báo với chính quyền, tiêm phòng triệt để, mang chó ra nơi công cộng phải có rọ mõm, có xích, có người dắt, không phóng uế bừa bãi nơi công cộng… người chăn nuôi phải có trách nhiệm), thực hiện việc tiêm phòng dại đầy đủ.

Những gia đình có cụ già, trẻ em tốt nhất không nuôi chó, nếu có nuôi nên nuôi các loại chó nhỏ, chó hiền lành, không nên nuôi các loại chó to dữ, rất nguy hiểm, thực tế nhiều người cao tuổi dắt chó đi dạo khi chó chạy lôi ngã cả người gây thương tích.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Học sinh mầm non Hà Nội háo hức trong ngày đầu trở lại trườngHọc sinh mầm non Hà Nội háo hức trong ngày đầu trở lại trường

SKĐS - Sáng nay, gần 540.000 trẻ mầm non của Thủ đô đã được quay lại trường học trực tiếp. Đây là cấp học cuối cùng trong hệ thống giáo dục của Hà Nội trở lại trường trong điều kiện bình thường mới.


Ngọc Anh (thực hiện)
Ý kiến của bạn