Vũ Oanh là một cây bút văn xuôi, với tiểu thuyết Bác sĩ trưởng khoa vừa được giải Ba cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2011- 2015) càng khẳng định vị trí của ông trong các nhà văn đương đại. Thế nhưng thơ cũng là một niềm đam mê cuốn hút, là khởi đầu cho một hành trình từ một bác sĩ “ngày đêm kéo dao mổ xẻ” thành một nhà văn chuyên nghiệp.
Vũ Oanh vốn ham đọc thơ, thiên về các nhà thơ cổ điển phương Đông giàu chất tự sự và hàm súc. Điều ấy phần nào ảnh hưởng đến thơ ông, ghi dấu ấn trong tập thơ vừa xuất bản Trắng tóc đường lau (NXB Hội Nhà văn, 2016). Bảy nhăm bài thơ khắc khoải một nỗi buồn, một thân phận và những cảnh đời ngang trái. Nếu “so với văn xuôi, thơ dễ gần với ký ức hơn nhiều” (Philip Sidnei) thì đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi về một cố hương, một khu vườn cũ và một ngôi nhà bị giặc Pháp đốt cháy rụi; ở đó hình bóng ông nội “Một đời ông dao cầu thuyền tán/ Năm tháng mài câu chữ thánh nhân” gánh chịu nỗi oan trái của một thời đã qua, và người mẹ khi ấy còn rất trẻ “le lói một đàn con” khi người cha hy sinh ngay trên quê hương mình. Hình ảnh ông nội và mẹ trở đi trở lại trong thơ ông, trở thành một biểu tượng day dứt và quặn thắt. Những câu thơ xô lệch đầy tâm trạng, tuy rất ít thán từ, trong một không gian ngột ngạt và đẫm những cảnh sắc chiều tà... Ở đó còn là ký ức của tuổi thơ chăn trâu “Lưng trâu, bé lòng đói quặn/ Xóm làng khói bếp lên không” và Bài ca đánh giậm: “Giậm úp bập bềnh mõ/ Mặt ngửa bơi xanh trời”. Bài thơ Tết Bính Thân 1956 khái quát đầy đủ cảnh gia đình lúc bấy giờ: “Heo hút cuối xóm quê/ Một nhà ngơ ngác Tết? Mẹ con khóc hờ cha/ Ông bà đau queo quắt/ Cành muỗm cắm giữa nhà/ Không bánh chưng pháo Tết/ Gió xuân chợt ào qua/ Hoa tả tơi trắng đất”.
Lại nói: “Thơ là nhu cầu mình tâm sự với chính mình, những lúc cô đơn” (Joho Stuart Myll) thì đây, người thơ đã từng hứng chịu cảnh ngộ “Hạnh phúc của ta xưa/ Nàng/ Con/ Căn nhà nhỏ /Bỗng giông gió thói đời/ Trắng tay/ Lòng chung thủy” và rồi hoa đỗ quyên “Trước thềm xưa nàng ở” thành hình ảnh tượng trưng “Hoa đỗ quyên máu ứa/ ta thời trai xa rồi/ nàng không về bên cửa”. Ở mảng thơ này không thấy tác giả đào sâu thêm, cung cấp những thi ảnh mới, chỉ dừng lại ở những đường nét tâm trạng vừa xa xót, vừa ngổn ngang dang dở.
Với một người viết văn xuôi, tập thơ còn dành một phần khá đậm cho đề tài gọi là “hướng ngoại” với những cảnh đời nhọc nhằn lam lũ, với lẽ đời, kiếp người - kiếp khổ về sự sống và cái chết... Những cảm nhận bất chợt, giọng thơ đượm nỗi cảm thương, day trở thoáng chút hoang mang tiền định.
Trong số những bài thơ được gọi là phản ánh đời sống hiện thực, tôi chú ý nhất bài thơ Người bán sách cũ. Ông vẽ ra một chân dung, phác ra một cảnh ngộ, kết hợp khá nhuần nhuyễn trữ tình và tự sự đạt tới “Ý tại ngôn ngoại”. Và tôi cũng tâm thú với bài thơ Gây mê (Trong loạt bài về nghề y: với những ca mổ - cuộc mổ và chân dung người trông nhà xác - người giữ chốn tận cùng cuộc sống...). Nhà thơ có ý dẫn dắt người đọc sang một ý tưởng khác, sâu kín hơn, thế sự hơn. Lại nữa, ba bài thơ Tiếng dế, Én bay, Chim cun cút rất dễ thương. Cun cút “sống âm thầm trong đồng nội” bởi “ không biết hót cả khi mùa gặt tới” nên bị người đời đối xử bất công, bị “rình rập mãi không thôi”; hay giữa biển khơi hoàng hôn giông gió muộn mằn “Chợt đôi én bay ngược hướng con tàu” về nơi chốn mịt mùng, mà con tàu đang “lao thêm vào cõi lênh đênh hoang vắng”. Chỉ “Tiếng dế” lảnh lót một thời trận mạc, tác giả như được sống lại giữa hai loạt bom đạn, bài thơ có nhạc điệu và tiết tấu khác lạ.
Vũ Oanh là người lặng lẽ và cẩn trọng, trong thơ, ông cũng lặng lẽ chiêm nghiệm và cẩn trọng từng câu chữ và cũng biết tiết chế để từng bài thơ không bị bung ra quá mức cần thiết.
Ông bắt đầu có thơ và truyện in trên các báo Người Hà Nội và Văn Nghệ từ 1995. Năm 2000 được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội; Năm 2005 vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông từng nhận nhiều giải thưởng: Giải A truyện ngắn của Hội Nhà văn Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội cuộc thi viết về đề tài ngành y năm 2000. Giải Ba của Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà Xuất bản Giáo dục, cuộc thi truyện ngắn đề tài học sinh, sinh viên. Giải Ba cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015 của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Bác sĩ trưởng khoa.