Đọc thơ của người “tri thiên mệnh”

18-01-2012 08:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn tuổi Bính Thân (1956), có nghĩa là đang ở vào quãng giữa của tuổi 50 nên anh lấy tên cho tập sách thứ 9 (thơ) của mình là Tự biết (1) xem ra cũng là hợp với lẽ của đạo Khổng

Nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn tuổi Bính Thân (1956), có nghĩa là đang ở vào quãng giữa của tuổi 50 nên anh lấy tên cho tập sách thứ 9 (thơ) của mình là Tự biết (1) xem ra cũng là hợp với lẽ của đạo Khổng: “Ngũ thập tri thiên mệnh”, tức là người 50 tuổi mới biết được mệnh trời. Cái tự biết của người đã từng đi nhiều nơi, làm nhiều việc đủ để chiêm nghiệm và cũng đủ để chưng cất thành thơ: “Tôi chống ngọn bút bi như chống cuốc/ Toát mồ hôi khi nhìn lại những sá cày/ Con chữ thôi miên lần hồi thơ phú/ Bưng bát cơm, vơi quá nửa đắng cay” (Phu chữ - tr.42).
 
Tôi thật cảm kích hơn khi đọc những giãi bày, chia sẻ rất chân thành và thấm thía của Nguyễn Hoài Nhơn về nghề cầm bút, nghiệp làm thơ của anh đăng trên một trang web: “... Tôi làm thơ với mục đích giãi bày những suy nghĩ buồn vui, đau khổ và hy vọng của mình. Thơ như một nghiệp chướng thì không tài nào tránh được những bất hạnh, khổ đau và cả sự trớ trêu nữa.
 
Biết vậy nhưng tôi vẫn dại dột nâng niu cái “nghề thơ” mà thiên hạ vốn rất thờ ơ, lạnh nhạt này. Nhưng có lẽ cũng nhờ thơ (may mà biết làm thơ) nên tôi đã có những giây phút hiếm hoi sống với một thế giới khác đầy mộng mị, ước mơ, tách bạch hẳn với sự trần tục vốn rất hiện hữu. Thơ như một thiên mệnh để thức tỉnh lương tâm, làm giàu có tâm hồn và thúc giục đồng loại vươn đến những điều cao đẹp”.

Tập thơ gồm 61 bài, hơn 90 trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành cách đây 2 năm. Qua tập thơ này của anh, tôi có cảm nhận là khẩu khí của người miền Trung rất rõ. Chỉ cần đọc 4 câu in ở bìa bốn của tập thơ đã thấy rất rõ điều ấy: “Tôi vẽ đời tôi lên sỏi đá/ Không khốc khô rát mặt gió Lào/ Em thương ạ, đời cứ như âm bản/ Ta không gặp kiếp này, gắng hẹn lại kiếp sau” (Chân dung - tr.11).

Thơ Nguyễn Hoài Nhơn đằm sâu về cảm xúc, giàu chất suy tư về kiếp người, cõi đời, về những điều dường như là muôn thuở vẫn “trơ cùng tuế nguyệt”, dù cho vật đổi, sao dời. “Mưa là lệ sót của trời/ Sông như lệ sót của thời bể dâu/ Ta là chẳng của ai đâu/ Phần người sót lại xưa, sau thế này...” (Lệ - tr.82). Hay “Đi đêm bạn đói ánh nhìn/ Tôi trương mắt ngó mà kinh hãi đời/ Bạn không sống thật cùng tôi/ Lời như mắm cáy đãi bôi nhạt phèo!...” (Tấc lòng - tr.12).

Qua những câu thơ trên, dù chưa gặp nhau bao giờ, ta cũng dễ dàng nhận ra một Nguyễn Hoài Nhơn từng trải, từng đau. Nhưng có lẽ cái quý nhất ở anh là còn biết “kinh hãi đời”. Nếu một ai đấy không còn biết kinh sợ điều gì thì chắc chắn là không thể nào làm được việc gì có ích cho đời nữa, như Khổng Tử đã từng dạy thế.

Quá trình đổi mới nền kinh tế đất nước theo hướng CNH-HĐH, tốc độ đô thị hóa là điều khó tránh khỏi. Với gần một phần tư thế kỷ trôi qua, đã có hàng trăm bài thơ, hàng chục truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, phóng sự... về đề tài này nhưng Nguyễn Hoài Nhơn có cách cảm nhận rất riêng về vấn đề này: “Bỏ xa xã lẻ u hoài/ Mặt trong đô thị, mặt ngoài ếch kêu/ Bước qua quá đội là liều/ Em non nõn trắng, em liêu xiêu hồng/ Kiếp người sắc sắc không không/ Thị thành bắt bí mấy ông nông quèn” (Đô thị hóa - tr.22). Cũng một kiếp người cả, sao nơi này lại nỡ bắt bí nơi kia, người này lại nỡ đối xử với người khác thiếu công bằng như thế (!?)

Một trong số những bài trong tập thơ này mà tôi thích nhất là bài Qui luật. Bài thơ được viết theo thể lục bát. Cảm xúc của người thơ đã vượt qua những rung động bên ngoài và được đẩy đến cung bậc của những suy tư mang tính triết lý cao: “Ngập ngừng trái chín. Và rơi.../ Buồn tênh mắt lá khép xuôi trở màu/ Vô cùng cao, tận cùng sâu/ Không gian chới với hai đầu cách xa/ Lìa cành lá đỏ rơi. Và.../ Cây trơ trọi đứng đêm qua, vội ngày. Mầm lên nhức nhối từng giây/ Lại trĩu quả lá xanh cây ngút trời/ Ngập ngừng trái chín. Và rơi.../ Tôi ngồi hứng hết một đời... chửa xong”.

Tưởng như chỉ là chuyện cây, lá, quả nhưng phía sau lại là chuyện con người, cuộc đời. Ở bài thơ này, tác giả đã có ba lần “đổ đèo” rất ngoạn mục, hai lần với hai chữ “Và rơi”, còn một lần chỉ với mỗi một chữ “Và”. Nhưng trong cả ba lần “đổ đèo” ấy, câu thơ đều được kết thúc bằng dấu ba chấm (...) biểu hiện sự không bao giờ ngưng nghỉ của lẽ vô thường hay qui luật muôn đời: sinh - lão - bệnh - tử.

Sự từng trải của Nguyễn Hoài Nhơn không chỉ toát lên từ cả tập thơ mà còn ngay trong việc sắp xếp bố cục, theo cách một bài thơ lục bát đặt xen kẽ một bài viết theo thể tự do. Nhưng theo tôi, phần lục bát trong tập này trội hơn phần thơ tự do, mặc dù tôi không có ý định so sánh về thể loại, cũng như đánh giá cao về vần điệu của thể thơ lục bát so với các thể thơ khác. Trong tập này, Nguyễn Hoài Nhơn đã chứng tỏ không chỉ nắm vững thể loại thơ truyền thống của dân tộc mà còn vận dụng khá thành công trong việc lập ý, kết lời, sử dụng ngôn ngữ nhuần nhụy.
 
Điều ấy trước hết sẽ làm giảm bớt sự nhàm chán đối với một thể loại thơ đã quá quen thuộc như lục bát. Vì thế, nếu không có những thay đổi táo bạo theo hướng cách tân thì khó có thể làm được một bài lục bát có chất lượng chứ chưa nói đến hay. Trong Tự biết, với ba mươi bài lục bát, tuy không đồng đều nhưng chắc chắn là không có bài nào gây cho người đọc cảm giác “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”.

(1)   Tập thơ của Nguyễn Hoài Nhơn, NXB Hội Nhà văn, 2009

Đỗ Ngọc Yên


Ý kiến của bạn