Độc quyền, Truyền hình trực tuyến ca mổ cột sống không lo liệt đầu tiên

28-11-2016 09:42 | Sức khỏe TV
google news

SKĐS - Sáng 28/11, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Báo Sức khỏe&Đời sống độc quyền truyền hình trực tuyến ca phẫu thuật cột sống đầu tiên mà bệnh nhân không lo bị liệt.

Các bác sĩ đến từ Mỹ, Malaysia sẽ trực tiếp chuyển giao sử dụng Hệ thống theo dõi thần kinh (Nerve Monitoring System - NVM5) trong phẫu thuật cột sống cho các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Đại học Y Hà Nội.

Video tường thuật trực tiếp ca mổ thứ nhất


Trong ngày hôm nay, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật trên 2 bệnh nhân có tiền sử bệnh cột sống nhiều năm.

Tường thuật trực tiếp ca mổ thứ nhất:

Trước ca mổ cho bệnh nhân Nguyễn Hữu Bình (53 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội), bệnh nhân đầu tiên được ứng dụng hệ thống cảnh báo thần kinh, chị Đinh Thị Hoa, vợ anh Bình cho biết, anh Bình bị bệnh về cột sống đã 15 năm nay, đã mổ cột sống lưng 2 lần và 1 lần mổ cột sống cổ nhưng không thành công. Sau đó anh Bình tiếp tục được mổ cột sống cổ lần nữa tại BV Đại học Y Hà Nội, ca mổ do PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình trực tiếp thực hiện. Hiện tại cột sống cổ của anh Bình đã hồi phục tốt, nhưng lại đau cột sống thắt lưng, đi lại khó khăn. Các bác sĩ đã có chỉ định mổ cột sống thắt lưng cho anh Bình và dự kiến mổ từ 1 tháng trước. Tuy nhiên do anh Bình đã mổ cột sống nhiều lần nên rất dễ tổn thương thần kinh. Được sự tư vấn của bệnh viện, gia đình đã quyết định đợi đến khi có máy cảnh báo thần kinh để ca mổ an toàn hơn. Gia đình và bản thân anh Bình trước cuộc mổ hôm nay cũng rất yên tâm và hoàn toàn tin tưởng vào các bác sĩ. Chị Hoa cũng tin tưởng rằng, với hệ thống cảnh báo thần kinh này, nhiều bệnh nhân cột sống khác có chỉ định mổ cũng sẽ yên tâm hơn, không còn phải lo lắng về việc có thể bị liệt sau mổ.

Audio phỏng vấn người nhà bệnh nhân Nguyễn Hữu Bình

Với ca bệnh này bác sĩ sẽ giải phóng chèn ép rễ thần kinh cột sống giúp người bệnh hết đau, có thể đi lại vận động được dễ dàng.

12h10: Bắt đầu ca mổ. Bác sĩ mở đường sống lưng bệnh nhân.

12h40: Trong trường hợp phẫu thuật viên nghe thấy âm thanh như vậy của máy NVM5 là bình thường.

12h47: Bác sĩ kiểm tra lại các vít.

Khi màn hình hiện lên vị trí tiếp cận màu xanh >40 vẫn an toàn cho bệnh nhân.

Hình ảnh cột sống trong quá trình phẫu thuật.

12h50: Bước kiểm tra bằng probe lại, một dụng cụ giống que dò dùng trong phẫu thuật thần kinh cột sống.

12h56: Kích lại máy, dụng cụ được đưa trở lại vị trí phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật vẫn xác định chính xác vị trí an toàn cho bệnh nhân.

Máy NVM5 hiện lên các thông số kỹ thuật bằng số và màu sắc thông báo cho phẫu thuật viên các dụng cụ phẫu thuật đưa vào không ảnh hưởng tới rễ thần kinh hay tủy sống của bệnh nhân.

13h11: TS Hùng trao đổi với chuyên gia Malaysia về máy này có tác dụng hay không khi giải phóng chèn ép. Chuyên gia Malaysia giải thích có thể theo dõi EMG theo thời gian thực.

13h 14: Bác sĩ hỏi chuyên gia xem có cần test hay không. Chuyên gia giải thích, khi phẫu thuật viên băn khoăn về việc không biết đó là mô thần kinh hay mô mềm có thể kiểm tra bằng máy.

13h16: Trong quá trình giải ép,  hệ thống NVM5 có khả năng cảnh báo khi bác sĩ chạm vào rễ thần kinh.

Hiện tại đã được theo dõi bằng hệ thống EMG thông qua điện cực được gắn ở đùi và 2 chi dưới, tức là không cần kích thêm bất cứ gì cả. Nếu có tiếng kêu liên tục thì cần kiểm tra lại.

13h18: Có tiếng kêu của máy liên tục, bác sĩ dừng lại vì có dấu hiệu cảnh báo cẩn thận. Điều này cho thấy vị trí đặt điện cực của bác sĩ rất chuẩn xác.

13h54: Bác sĩ tiếp tục giải ép, theo đó phẫu thuật viên sẽ dùng dụng cụ để lấy nhân đệm làm thông thoáng lỗ liên hợp, giải phóng cho rễ thần kinh khỏi bị chèn ép.

14h00: Phẫu thuật viên thay thế đĩa đệm thoái hóa bằng khung đĩa đệm nhân tạo.

14h19: Các công đoạn quan trọng nhất của phẫu thuật đã hoàn tất, bác sĩ phẫu thuật chuẩn bị đóng phẫu trường.

14h22: Bắt đầu đóng da kết thúc ca phẫu thuật.

Trao đổi với phóng viên sau ca mổ cột sống không lo liệt đầu tiên cho bệnh nhân Nguyễn Hữu Bình, PGS.TS. Kiều Đình Hùng cho biết: Nhìn chung ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp vì ca này đã mổ cột sống lưng 2 lần rồi, bình thường thì rất dính, nếu không có phương tiện này thì dễ đụng chạm rễ thần kinh. Trong quá trình phẫu thuật, máy cảnh báo liên tục khi phẫu thuật viên sắp chạm vào rễ thần kinh. Khi phẫu thuật viên bắt vít, đưa dụng cụ đến đâu thì máy báo đến đấy để biết mình đang ở trong vùng an toàn hay không. Ca mổ diễn ra tốt đẹp đúng như dự kiến, bệnh nhân tỉnh sau 1-2 giờ, có thể ra viện sau khoảng 4-5 ngày.

Chi phí cho ca mổ này hiện nay các dụng cụ do hãng tài trợ (mất khoảng 16 điện cực dùng một lần trong ca mổ này), dụng cụ cố định cột sống (thay 2 đĩa đệm, nẹp 6 vít) thì bảo hiểm y tế chi trả một phần. Tuy nhiên với những ca mổ sau này có sử dụng máy cảnh báo thần kinh thì bệnh nhân sẽ phải chi trả tiền điện cực, ước tính khoảng 15-20 triệu đồng.

Ca phẫu thuật thứ 2: Đây là một bệnh nhân nữ, 82 tuổi, bà Nguyễn Thị Mai, ở Đông Anh, Hà Nội, có tiền sử cao huyết áp, đái tháo đường điều trị nhiều năm, đau cột sống thắt lưng lan 2 chân nhiều năm nay, gần đây đau tăng lên, bên phải nhiều hơn bên trái. Bệnh nhân đi bộ chỉ được tối đa 10-20m, đi vẹo người theo tư thế chống đau. Khám thấy chèn ép rễ thần kinh L5 2 bên, hình ảnh trên phim chụp cộng hưởng từ cho kết quả hẹp ống sống L4L5, mất vững cột sống. Đo mật độ xương có loãng xương với T-Score -3,1.

Anh Nguyễn Ngọc Hưng, 36 tuổi, con trai bệnh nhân Mai, cho biết, bệnh nhân bị đau cột sống 6 năm nay, tuy nhiên 2 năm trước mới đi khám ở Bệnh viện E và có chỉ định mổ. Tuy nhiên, bệnh nhân không dám mổ vì bà tuổi cao, cộng thêm mắc nhiều bệnh mạn tính. Gần đây, bệnh nhân đau nhiều, đi lại khó, cột sống nghiêng nhiều khiến tư thế bệnh nhân khi đi lại bị vẹo sang 1 bên. Do quá đau, nên bệnh nhân buộc phải nhập viện và tiếp tục được chỉ định phẫu thuật. Anh Hưng cho biết, bác sĩ tư vấn cho gia đình, bệnh nhân sẽ phải loại bỏ đĩa đệm, bơm xi, bắt 4 vít ở 2 vị trí. Bệnh nhân và gia đình rất yên tâm khi được phẫu thuật cột sống có máy cảnh báo hệ thống chức năng thần kinh.

Mời các bạn theo dõi ca phẫu thuật bệnh nhân cột sống thắt lưng trên nền bệnh nhân lớn tuổi, mắc nhiều bệnh lý phức tạp.

Video ca mổ thứ 2


Phần giới thiệu về kỹ thuật sử dụng hệ thống theo dõi thần kinh NVM5

9h30 sáng: Bác sĩ người Malaysia TS Chor Ngee Tan- Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Putrajaya giới thiệu về hiệu quả của NVM5 trong phẫu thuật thần kinh.

Bác sĩ Chor Ngee Tan cho biết, ông hiện là một chuyên gia phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu. NVM5 cung cấp 1 giải pháp theo dõi thần kinh có kiểm soát, theo dõi theo thời gian thực, giúp phẫu thuật đạt kết quả tốt nhất. Máy này đã ứng dụng trên 300.000 ca trên toàn thế giới. Từ năm 2002 -2006, cả phần cứng và phần mềm đã có những bước phát triển vượt bậc. Kỹ thuật trong phẫu thuật dùng NVM5 là: Kích thích thần kinh, dòng tín hiệu di chuyển. Kỹ thuật đo điện thế gợi vận động sẽ ghi lại. EMG khi kích thích cơ học tại vị trí dây thần kinh sẽ có những đáp ứng, sóng tổng hợp của sợi vận động. Sóng điện cơ biểu hiện trên máy bằng tín hiệu kèm theo âm thanh. Theo dõi này liên tục trong suốt quá trình mổ. Ngoài cung cấp hình ảnh còn cung cấp cả âm thanh nên phẫu thuật viên không phải nhìn màn hình mà chỉ cần nghe cũng có thể nhận biết. EMG (điện cơ thời gian thực) có nhiều loại:

-          Có nhiều loại điện cơ thời gian thực, khi chạm vào rễ thần kinh tiếng rất nhanh và sẽ biến mất.

-          Phóng lực điện cơ, biểu hiện nhanh, cho phẫu thuật viên thấy những va chạm ở rễ thần kinh.

-          Sóng xuất hiện liên tục, cần kiểm tra lại xem phẫu thuật đã xâm lấn vào rễ thần kinh hay chưa.

EMG thời gian thực áp dụng tất cả các can thiệp trừ can thiệp cột sống ngực vì cần 1 tiêu chuẩn riêng

Đây là hệ thống duy nhất trên thế giới định vị theo thời gian thực, giúp tránh tổn thương dây hoặc rễ thần kinh.

Trước khi mổ cột sống, phẫu thuật viên sẽ kiểm tra trường mổ không có hệ thống thần kinh bằng mắt và hệ thống NVM5, Khi kích thích bằng dụng cụ trên màn hình báo màu đỏ hoặc vàng, phẫu thuật viên sẽ phải tìm đường khác vào, chỉ khi màn hình báo màu xanh mới an toàn để phẫu thuật viên tiến hành ở khu vực đó.

So với các máy theo dõi khác, NVM5 có ưu điểm hơn, vì các máy theo dõi chức năng thần kinh khác sau khi kích thích cần có thời gian mới báo kết quả, hệ thống NVM5 có ưu điểm hơn là phản ứng tức thời, chỉ khoảng 0,18 giây máy này sẽ đưa ra kết quả, ngưỡng an toàn với khu vực phẫu thuật. Máy NVM5 giúp theo dõi chức năng thần kinh trong mổ, giải quyết vấn đề hiệu quả.

Máy điện cơ truyền thống cổ điển cần có một chuyên gia điện lý thần kinh để phân tích các sóng điện cơ, trong khi phẫu thuật viên không thành thạo trong việc phân tích sóng điện cơ. Còn máy NVM5 phẫu thuật viên chỉ cần nhìn màn hình sẽ hiển thị kết quả theo dõi chức năng thần kinh.

Lưu ý là các dụng cụ phẫu thuật can thiệp qua da đều được lót dụng cụ cách điện bằng nhựa.

NVM5 không tiến hành trên phẫu thuật cột sống ngực và cột sống cổ ở ngả trước.

Một số lỗi có thể gặp trong quá trình phẫu thuật là âm tính giả (màn hình báo xanh nhưng thực tế có nguy cơ gây hại, cần phải khắc phục, hoặc dương tính giả (màn hình báo đỏ nhưng thực tế không chạm vào rễ thần kinh) có thể do loãng xương. Phòng mổ cách điện không tốt, gây nhiễu có thể gây dương tính giả.

PGS.TS. Kiều Đình Hùng tại hội thảo.

Các bác sĩ bắt đầu vào phòng chuẩn bị phẫu thuật ca phẫu thuật không liệt đầu tiên có sử dụng máy NVM5.

PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình cho biết, dự kiến ca mổ cho bệnh nhân Nguyễn Hữu Bình sẽ được thực hiện trong khoảng 2-2,5 giờ đồng hồ. Hiện tại tinh thần của bệnh nhân rất tốt. Đây là trường hợp tương đối phức tạp do bệnh nhân đã mổ cột sống thắt lưng 2 lần, mổ lại sẽ khó khăn và lâu hơn bình thường, dễ tổn thương thần kinh hơn, do đó khi có máy NVM5, chúng ta sẽ tránh được điều này.

PGS.TS. Kiều Đình Hùng Trả lời phỏng vấn PV báo Sức khỏe & Đời sống.
PGS.TS. Hùng cũng cho biết, mỗi ngày tại Khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình có khoảng 20 bệnh nhân cột sống đến khám, trong đó có khoảng 3-4 bệnh nhân có chỉ định mổ. Số bệnh nhân chờ mổ không nhiều lắm. Mặc dù số bệnh nhân có chỉ định mổ nhiều nhưng trong dân gian không hiểu nghe ở đâu rằng cứ mổ cột sống là 5 ăn 5 thua, sợ liệt, thậm chí ngay cả trong giới bác sĩ cũng có người hiểu như vậy nên có tình trạng là nhiều bệnh nhân sợ mổ vì sợ bị liệt. Do đó nhiều trường hợp để quá muộn, khi đến bệnh viện thì đã quá nặng, thậm chí bị liệt rồi. Số này cũng khá nhiều, phần lớn bệnh nhân mổ cột sống khi đã để bệnh nặng. Trước khi có máy NVM5 thì chúng tôi vẫn mổ theo phương pháp truyền thống, khi đó thì đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm để không làm tổn thương thần kinh của bệnh nhân trong cuộc mổ, tất nhiên cũng không thể nào tránh hết được. Tỉ lệ thành công đối với các ca mổ cột sống trước đây là khoảng 90-95%. Biến chứng thần kinh sau mổ cột sống không nhiều nhưng lại rất tệ, gây liệt ít nhất là một nhóm cơ, rễ thần kinh, nặng hơn là liệt cả 2 chi, thậm chí cả 4 chi, do đó bệnh nhân thường có tâm lý lo ngại khi có chỉ định mổ. Với hệ thống NVM5, thì hầu như không còn phải lo lắng về vấn đề này nữa.
NVM5 được chỉ định cho tất cả các trường hợp mổ bệnh lý cột sống: u tủy, chấn thương cột sống, gù vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, thoái hóa… Tuy nhiên có chống chỉ định với những người có đặt điện cực trong não như bệnh Parkinson, những người đặt điện cực kích thích tim… vì nó gây nhiễu song nên không thể sử dụng được máy này. Những trường hợp này chỉ có thể mổ theo phương pháp truyền thống. Những bệnh nhân đã bị liệt hoàn toàn cũng không nên dùng, trường hợp liệt không hoàn toàn thì vẫn có thể sử dụng được.
Với hệ thống này, thậm chí chúng ta có thể kiểm tra hiệu quả ngay sau khi mổ, ngay trong phòng mổ dựa vào sóng thần kinh, cả khi bệnh nhân chưa tỉnh.
Audio phỏng vấn PGS.TS Kiều Đình Hùng

Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc phỏng vấn TS Chor Ngee Tan- Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Putrajaya, Malaysia trước khi bác sĩ vào phòng phẫu thuật.
TS Chor Ngee Tan TS Chor Ngee Tan
Phóng viên : Là một chuyên gia phẫu thuật thần kinh cột sống, việc sử dụng máy NVM5 có lợi ích gì cho các phẫu thuật viên trong quá trình phẫu thuật?

TS Chor Ngee Tan: Việc sử dụng máy NVM5 trong phẫu thuật cột sống đem lại nhiều lợi ích cho cả phẫu thuật viên và bệnh nhân. Thứ nhất là phòng ngừa tổn thương thần kinh khi mổ. Tất nhiên không ai có thể đảm bảo 100%, nhưng sẽ hạn chế tối thiểu tổn thương thần kinh khi phẫu thuật cột sống. Thứ hai là sau mổ, bệnh nhân phục hồi tốt hơn và rút ngắn thời gian sau nằm viện. Đây là lợi ích nhiều nhất trong việc sử dụng máy NVM5 trong việc theo dõi chức năng thần kinh khi phẫu thuật cột sống.

Phóng viên: Máy NVM5 xuất hiện từ bao giờ và đem lại lợi ích gì cho người bệnh?

TS Chor Ngee Tan : Như tôi đã đề cập, máy này giúp ích cho bệnh nhân phòng ngừa các tổn thương thần kinh xảy ra trong cuộc mổ. Khi phẫu thuật cột sống các bác sĩ không muốn đụng đến tủy sống cũng như rễ thần kinh, máy này giúp chúng ta ngăn ngừa được việc đó.
Theo tôi biết máy theo dõi chức năng thần kinh xuất hiện từ những năm 70. Tuy nhiên máy NVM5 với chức năng tuyệt vời của nó mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây mà thôi.

Phóng viên: Sử dụng máy NVM5 có chống chỉ định với bệnh nhân mắc bệnh gì hay không?

TS Chor Ngee Tan: Một số chống chỉ định ( không sử dụng) đối với những bệnh nhân đặt máy tạo nhịp, bệnh nhân có tiền sử co giật hoặc động kinh, hoặc bệnh nhân có những điện cực trong sọ não hoặc bệnh nhân tới viện khi đã bị liệt không có tác dụng.

Phóng viên: Sử dụng máy này trong phẫu thuật có làm tăng chi phí phẫu thuật hay không?

TS Chor Ngee Tan: Tôi nghĩ nó tăng chi phí khoảng 1000 USD, tôi không biết ở đất nước của các bạn là bao nhiêu.

Tại đất nước của tôi, nếu tôi không dùng máy này mà sau mổ bệnh nhân có những biến chứng như bệnh nhân bị liệt hoặc có những biểu hiện lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị tổn thương thần kinh, đặc biệt những biểu hiện này xuất hiện sau khi mổ thì những người đại diện pháp lý cho bệnh nhân sẽ quay lại kiện bác sĩ. Chi phí sau đó sẽ còn lớn gấp nhiều lần như thế nào nếu chúng ta không sử dụng máy này.
Audio phỏng vấn TS Chor Ngee Tan


Hải Yến - Hạ Hiền - Duy Linh
Ý kiến của bạn