Độc quyền: SK&ĐS phát cầu truyền hình trực tiếp Hà Nội-Hồng Kông các ca can thiệp tim phức tạp

23-09-2016 08:49 | Sức khỏe TV
google news

SKĐS - Chiều nay (23/9), Trung tâm tim mạch Đại học Y Hà Nội đã trình diễn các ca can thiệp khó với sự tham gia trực tiếp của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Trung tâm tim mạch. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu vừa là bác sĩ can thiệp chính vừa là Chủ tịch ở đầu cầu Hà Nội để trao đổi với các giáo sư, bác sĩ hàng đầu thế giới về các ca can thiệp đang diễn ra. Báo Sức khỏe&Đời sống là đơn vị độc quyền truyền hình trực tuyến các ca can thiệp tim phức tạp này, Mời quý độc giả theo dõi cập nhật tại đây.

Báo Sức khỏe&Đời sống tường thuật trực tiếp các ca can thiệp tim mạch của các bác sĩ Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bs. Phạm Thu Thuỷ thuyết minh toàn bộ các ca can thiệp tim mạch trong chương trình, mời các bạn theo dõi.

Video trực tiếp ca can thiệp tim mạch phức tạp đầu tiền

13h10: Bắt đầu ca mổ đầu tiên:

13h20: Phát tín hiệu trực tiếp từ Trung tâm tim mạch Đại học Y Hà Nội. Ê kíp đầu cầu Hà Nội giới thiệu về ca bệnh đầu tiên của bệnh nhân 38 tuổi bị thiểu sản động mạch phổi trái, nhánh phổi phải khít hẹp ở đoạn xa.

Đây là trường hợp một bệnh nhân nam 38 tuổi, tên là Lê Văn V, ở Vĩnh Phúc. 6 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện khó thở khi gắng sức,  tuy nhiên  ở tuyến dưới các y bác sĩ không chẩn đoán và tìm được nguyên nhân. Bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên. Do các biểu hiện chưa rõ ràng, bước đầu bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu là bị giãn tim phải. Tuy nhiên khi làm các bước chụp chiếu, bác sĩ phát hiện ra nhánh động mạch phổi trái thiểu sản, nhánh phổi phải hẹp khít ở đoạn xa, làm cản trở thất phải, bệnh nhân bị thiếu ôxy khiến người bệnh bị tím tái.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống sau khi thực hiện thành công ca can thiệp tim mạch phức tạp.

Trước ca bệnh phức tạp, bệnh nhân bị tím lâu ngày, thất phải bệnh nhân bị giãn nhiều, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đã đề ra một “chiến lược” cho trường hợp này, là “nhả từ từ”. Bởi nếu nong ngay lập tức, bệnh nhân sẽ bị quá tải, dẫn đến suy thất phải cấp. Bệnh nhân V đã được nong nhánh động mạch phổi khít hẹp 1 lần hồi tháng 3. Tuy nhiên sau lần can thiệp đầu, bệnh nhân lại bị tái hẹp và các triệu chứng cơ năng như khó thở, tím tái lại xuất hiện. Lần này, PGS Hiếu sẽ đặt một stent ở vị trí đó để can thiệp nhằm cải thiện tình trạng của người bệnh.

Ca bệnh này tương đối khó bởi người bệnh đến viện muộn, tim đã bị giãn to, tổn thương ở đoạn xa (bác sĩ chuyên khoa đã phát hiện ra bệnh với sự hỗ trợ hình ảnh cắt lớp vi tính) và nhánh động mạch phổi rất khít, hẹp khoảng 4mm trên đoạn dài 10 mm.

13h30: Bác sĩ đang luồn một đoạn dây kim loại để đặt giá đỡ vào nhánh động mạch phổi bị hẹp, đây là bước dẫn đường, từ đó đưa stent vào chỗ nhánh động mạch phổi hẹp để cải thiện tưới máu cho động mạch phổi. Mục đích để cải thiện tưới máu cho phổi, khi máu đến phổi nhiều sẽ cải thiện lượng ôxy cho người bệnh, triệu chứng khó thở của người bệnh sẽ được cải thiện. Các bác sĩ tại Hà Nội và đầu cầu Hồng Kông đang bàn bạc, trao đổi các biện pháp can thiệp, những kỹ thuật nên sử dụng và cả những nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra để thu được kết quả tốt nhất điều trị cho bệnh nhân. Đây là giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất của quá trình can thiệp động mạch phổi bị hẹp vì việc đưa 1 dây dẫn đi qua đoạn động mạch phổi bị hẹp chỉ 4mm là rất khó khăn.

Khi bơm thuốc cản quang  làm hiện hình rõ cây động mạch phổi bác sĩ sẽ định vị được chính xác đâu là vị trí hẹp của động mạch phổi. Nếu bằng siêu âm, bác sĩ không thể chẩn đoán chính xác, chụp mạch là tiêu chuẩn vàng để đánh giá chính xác nhất vị trí hẹp, có can thiệp được hay không. Điểm may mắn của bệnh nhân này là vị trí hẹp rất khu trú, trên đoạn gần với nhánh động mạch phổi chính. Ở nhóm bệnh nhân bị đa đoạn hẹp hoặc hẹp liên tiếp, quá xa khó có thể đặt được dụng cụ.

Ở người bình thường có 2 động mạch phổi để tưới máu lên phổi giúp hấp thụ ôxy cho cơ thể, nhưng bệnh nhân này động mạch phổi trái gần như mất chức năng, chỉ được nuôi bởi 1 số tuần hoàn bàng hệ nhỏ, tất cả hoạt động hấp thụ ôxy đều phụ thuộc vào bên phổi phải, nhưng không may động mạch phổi này lại bị khít hẹp khiến bệnh nhân khó thở rất nhiều.

Bác sĩ đã đo chiều dài của đoạn bị hẹp khoảng 10mm. Bác sĩ đo đường kính động mạch phổi trước hẹp và sau hẹp để tính được kích cỡ  của giá đỡ. Khâu này khá quan trọng phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ làm can thiệp. Bác sĩ Hiếu đã trao đổi với bác sĩ nước ngoài về việc tư vấn sử dụng loại giá đỡ nào. Việc quyết định đưa ra kích cỡ, loại giá đỡ nào đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của ca can thiệp. Nếu kích cỡ giá đỡ quá lớn dễ vỡ động mạch phổi, chảy máu, nếu quá bé thì động mạch dễ bị tái hẹp.

13h35: Bác sĩ Hiếu đưa ra loại giá đỡ sẽ sử dụng cho bệnh nhân. Giá đỡ được gắn vào dây thả. Nếu bơm với áp lực nhỏ stent sẽ không nở ra, nếu bơm với áp lực quá lớn sẽ gây vỡ, rách, thủng động mạch phổi.

Dây dẫn đưa dụng cụ vào buồng tim dài, đi qua đùi, tĩnh mạch chủ dưới, ngực, bụng nên dây dẫn rất dài. Cách đây 3 tháng bệnh nhân này đã được bác sĩ Hiếu nong bằng bóng với kích thước 8x10mm, kích thước này gần đạt kích thước sinh lý của đường kính động mạch phổi bình thường. Đây là mục đích can thiệp đặt giá đỡ động mạch phổi.

13h41: Dây dẫn đi qua động mạch phổi phải tới chỗ hẹp chuẩn bị cho việc đặt giá đỡ. BS Hiếu đẩy stent tới vị trí cần đặt. Việc can thiệp như vậy cần thời gian từ 45 đến 1 tiếng. Bệnh nhân không cần gây mê mà chỉ gây tê, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp.

13h44: Trong quá trình can thiệp quả tim của bệnh nhân vẫn đập bình thường, có máy theo dõi huyết áp và dấu hiệu sinh tồn củia bệnh nhân, nếu có bất thường thì có thể can thiệp ngay.

13h50: stent can thiệp đã sẵn sàng, bác sĩ can thiệp làm phồng động mạch phổi bị hẹp sau đó rút ra làm cho quả bóng xẹp đi. Sau khi nong bằng bóng bác sĩ sẽ chụp lại và kiểm tra kết quả của động mạch.

13h52: Bệnh nhân đang có thông số sinh tồn ổn định. Bác sĩ gắn stent vào dây dẫn để chuẩn bị đưa vào người bệnh nhân.

13h56: Các bác sĩ đang bàn về kích thước giá đỡ cũng như kỹ thuật để đưa giá đỡ vào đúng vị trí. Mỗi giá đỡ được làm bằng kim loại. Các bác sĩ Việt Nam chuẩn bị 1 loại các loại giá đỡ khác nhau. Hai bên đầu cầu thảo luận sôi nổi về kích thước giá đỡ. Khi stent ở dạng chưa nở có kích thước rất nhỏ, nằm cố định trong dây dẫn. Do đó, các bs dễ dàng đưa stent vào lòng đm.

13h58: stent giá đỡ đang được đưa vào lòng động mạch.

Khi đưa vào đúng vị trí bác sĩ sẽ nong, stent này nở ra ép vào lòng động mạch phổi bị hẹp. Bác sĩ chụp lòng động mạch phổi để đảm bảo stent được đặt vào chỗ hẹp nhất của lòng động mạch phổi phải.

14h: Bắt đầu nong, bơm bóng. Bắt đầu tiến hành nong, bơm bóng để stent nở ra, để mở phần hẹp của động mạch phổi phải. Phần bơm bóng này được tiến hành từ từ, nhằm tránh áp lực quá lớn gây vỡ bóng, vỡ động mạch phổi. Bác sĩ can thiệp sẽ dừng lại khi độ nở stent phù hợp, tương thích với động mạch phổi đảm bảo máu có thể lưu thông qua động mạch phổi dễ dàng. Stent đang lớn dần theo thời gian bơm bóng. Trong quá trình can thiệp việc lựa chọn bóng rất quan trọng nếu chọn bóng quá bé, lực bơm vào stent quá ít, không làm nở được stent. Các bác sĩ tiếp tục thảo luận với nhau về mức áp lực bơm bóng để làm sao stent có thể nở vừa, áp sát vào động mạch phổi phải.

14h05: Thủ thuật gần kết thúc. Các bác sĩ bàn luận nên có tiếp tục nong thêm hơn nữa, bởi hiện tại stent đã gần đạt tới mức bằng động mạch phổi.

14h07: Kết quả can thiệp đã thành công. Trước khi can thiệp, độ bão hòa ôxy đạt 87%, sau khi can thiệp độ bão hòa ôxy đạt 98%, một kết quả rất tốt, áp lực trong thân và nhánh động mạch phổi rất tốt. Đường biểu lộ áp lực trong lòng động mạch phổi là đường màu đỏ trên biểu đồ, nếu áp lực giảm thì kết quả can thiệp tốt. Biểu đồ này giúp bác sĩ phát hiện ra những rối loạn nhịp trong quá trình can thiệp để xử lý kịp thời.

14h15: Bác sĩ Lân Hiếu đích thân ra thông báo với người nhà bệnh nhân là ca can thiệp hoàn toàn thành công. Bệnh nhân đang phục hồi rất tốt.


14h20: Bệnh nhân Lê Văn V được đưa ra ngoài phòng mổ. Anh V cho biết cảm thấy rất khỏe mạnh, tỉnh táo. Anh nói lời cảm ơn các bác sĩ.

14h40: Các bác sĩ Trung tâm tim mạch Bệnh viện Y Hà Nội chuẩn bị cho ca mổ thứ hai.

Bệnh nhân thứ 2 là Nguyễn D.L, 13 tuổi ở Lào Cai. Em bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp, tim 1 thất teo van 2 lá, bé đã từng mổ 3 lần tại Thái Lan, lần cuối cùng mổ năm 6 tuổi. Ở người bình thường có 2 buồng thất, nhưng em bé này chỉ có 1 buồng thất, em đã phải phẫu thuật fontal, mục tiêu của phẫu thuật fontal là tách biệt 2 hệ máu để bệnh nhân đỡ tím, sau đó, bệnh nhân đã hồng trờ lại.

Đến đầu năm nay, bệnh nhân có biểu hiện ho máu, tím tăng lên, em đã phải nhập viện và thông tim hồi tháng 3, qua điều trị  bằng thuốc tình trạng ho máu không còn, tuy nhiên cháu vẫn còn bị tím. Qua hình ảnh chụp cắt lớp vi tính PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phát hiện thêm bệnh nhân có đường tĩnh mạch trên gan bất thường đổ vào tâm nhĩ trái, là nguyên nhân khiến em bé bị tím.

Ca can thiệp này cực kỳ khó khăn bởi bệnh nhân đã mổ đến fontal mà kèm theo một bất thường ở đường tĩnh mạch trên gan. Trên thế giới đã có những báo cáo về các ca can thiệp loại này, nhưng tại Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm can thiệp nào như vậy. Bác sĩ sẽ phải bít đường tĩnh mạch trên gan đổ vào tâm nhĩ trái để cải thiện bão hòa ôxy cho bệnh nhân, làm bệnh nhân đỡ tím.

Với trường hợp rất hy hữu này, các bác sĩ sẽ phải tư vấn, hội chẩn với các chuyên gia tim mạch trên thế giới. Về kỹ thuật, các bác sĩ hoàn toàn có thể can thiệp, tuy nhiên về phần chỉ định, các chuyên gia sẽ cân nhắc xem có nên can thiệp bây giờ hay không bởi hiện bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định, nhưng nếu không xử lý, bệnh nhân có nguy cơ cao quay lại tím tái hay ho máu.

Video Pgs.Ts. Nguyễn Lân Hiếu trả lời báo chí sau thành công ca can thiệp đầu tiên

15h25: BS Lân Hiếu gặp người nhà của bệnh nhân để trao đổi về tình hình của cháu. Theo đó, BS cho biết sẽ không tiến hành bít đường tĩnh mạch trên gan đổ vào tâm nhĩ trái để cải thiện bão hòa ôxy cho bệnh nhân. Bởi làm như thế sẽ gây hại gan của bệnh nhân, hiện tại bệnh nhân đang sống tốt. Các bác sĩ chỉ chặn những mạch nhỏ để đảm bảo cho bệnh nhân không bị ho ra máu, không bị những biến chứng trước mắt. Trường hợp này cần theo dõi thêm, các bác sĩ sẽ bàn bạc với các bác sĩ ở nước ngoài về phương pháp điều trị trong tương lai cho cháu bé. Được biết, trong lần thảo luận về ca bệnh của bệnh nhân này có sự tham gia của giáo sư Pongtheng từ Thái Lan - người đã từng phẫu thuật cho cháu bé tại Thái. Các bác sĩ khẳng định sẽ làm những gì tốt nhất, an toàn nhất cho bệnh nhân.

Hội nghị APCASH lần thứ 7 được  tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Hồng Kông từ ngày 23-25/9/2016, quy tụ những bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật, các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về các bệnh tim bẩm sinh và tim mạch cấu trúc. Ngay trong ngày đầu tiên diễn ra hội nghị, Trung tâm tim mạch Đại học Y Hà Nội đã trình diễn các ca can thiệp khó với  sự tham gia trực tiếp của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Trung tâm tim mạch.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu vừa là phẫu thuật viên chính vừa là Chủ tịch ở đầu cầu Hà Nội để trao đổi với các giáo sư, bác sĩ hàng đầu thế giới về các ca can thiệp đang diễn ra. Trong hội nghị kéo dài 3 ngày này, ngoài các ca can thiệp tim mạch từ Việt Nam, các đại biểu sẽ cùng thảo luận và trực tiếp theo dõi hình  ảnh từ phòng phẫu thuật, các ca can thiệp tim mạch ở Bệnh viện Queen Elizabeth, Hồng Kông và Bệnh viện Đại học Benjamin Franklin, CHLB Đức.

Cả 3 trường hợp can thiệp tại Việt Nam trong hôm nay là những ca rất phức tạp và khó, có ca chưa từng được can thiệp tại Việt Nam.

16h03: Bắt đầu ca can thiệp thứ 3

Ca bệnh thứ 3 là trường hợp của bác Nguyễn Thị T, 62 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội. Bệnh nhân có biểu hiện phù, khó thở trên nền bệnh tăng huyết áp. Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện có dòng máu đổ bất thường vào tâm nhĩ phải, buồng tim giãn to, van 2 lá hở nhiều. Sau khi kiểm tra, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị rò động mạch vành trái vào tâm nhĩ phải với kích thước rất lớn lên tới 14mm (ở gốc động mạch vành), bình thường kích thước động mạch vành chỉ 3-4mm. Khi có luồng máu bất thường đổ vào buồng nhĩ khiến tim bị quá tải hoạt động của buồng tim trái.  Nếu không xử lý ngay, bệnh nhân có nguy cơ suy tim trái, biểu hiện là bệnh nhân đang bị phù. Bệnh nhân này có lỗ rò rất lớn, hở van nhiều, sa van nhiều.... .

Các bác sĩ đang can thiệp cho ca bệnh thứ 3

Bệnh nhân này động mạch vành không tưới máu cho cơ tim, có dị dạng mạch vành trái, không có chức năng nuôi máu. Bệnh nhân vào viện với triệu chứng của suy tim.

16h10: bác sĩ thả dụng cụ để bít động mạch vành. Kỹ thuật này thực hiện thường quy tại trung tâm.

Trong quá trình can thiệp tim của bệnh nhân vẫn co bóp bình thường. Dây dẫn đường của các bác sĩ nằm trọn trong động mạch bất thường.

Bệnh nhân này là bệnh lý bẩm sinh, nhưng do tiến triển âm thầm đến nay bệnh nhân mới phát hiện được. Các bác sĩ thảo luận để tìm cách lựa chọn can thiệp tốt nhất cho bệnh nhân.

16h14: Việc điều khiển dây dẫn đi một quãng đường dài, với đường nhỏ như vậy không dễ dàng.

Phương pháp can thiệp tim mạch giúp người bệnh phục hồi nhanh, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình can thiệp, chỉ có một vết rạch nhỏ ở đùi để đưa dụng cụ lên.

16h23: Sau khi hội chẩn với các chuyên gia nước ngoài, bác sĩ Lân Hiếu cho rằng, bệnh nhân có tổn thương van 2 lá phối hợp, nên gửi điều trị ngoại khoa.  Với thực trạng bệnh lý này, phẫu thuật ngoại khoa sẽ giải quyết được cùng lúc cả rò vành và tổn thương van 2 lá- đây là cách điều trị tối ưu cho người bệnh.


Hải Yến - Thu Trang- Duy Linh
Ý kiến của bạn