Hà Nội

[Độc quyền] Chuyên gia Anh khuyến cáo về cách ứng phó với giai đoạn tiếp theo của đại dịch

30-03-2021 16:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam, Giáo sư Khoa Truyền nhiễm, Đại học Oxford- ông Guy Thwaites và Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward vừa có bài viết dành riêng cho Báo Sức khỏe &Đời sống về đại dịch COVID-19, dự báo về những diễn biến tiếp theo của dịch bệnh, cũng như cách các nhà khoa học đang tiến hành để ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn mới.

Xin giới thiệu tới độc giả bài viết này (tít bài do báo đặt).

Kể từ những buổi bình minh của loài người, chúng ta đã sống chung với các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh. Điểm khác biệt lần này là chủng virus corona mới và căn bệnh mà nó gây ra đã có thể khai thác được thế giới hiện đại với những kết nối chặt chẽ, và gây ra cái chết của 2,7 triệu người chỉ trong vòng hơn một năm. Chúng ta đang sống giữa một đại dịch toàn cầu mà thế giới chưa từng biết đến kể từ khi bệnh cúm giết chết hơn 50 triệu người trong thời gian từ năm 1918 đến năm 1920.

Trong năm đầu tiên của đại dịch này, chúng ta đã sử dụng các phương pháp cũ để kiểm soát chủng virus mới. Cách ly (quarantine) có nguồn gốc từ tiếng Ý quaranta giorni, nghĩa là 40 ngày, lần đầu tiên được sử dụng ở Ý vào thế kỷ 14 để bảo vệ thành phố Venice khỏi bệnh dịch hạch. Thời đó, tất cả các con tàu đều bị cô lập trong 40 ngày trước khi được công nhận là an toàn để vào thành phố. Ra lệnh phong toả và cách ly có hiệu quả nhưng chúng là những công cụ cũ và khắt khe, để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế và xã hội. Trong năm qua, những biện pháp đó là cần thiết để các nhà khoa học có thời gian phản ứng và tạo ra các công cụ của thế kỷ 21 để kiểm soát virus.

Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward (trái) và Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam, Giáo sư Khoa Truyền nhiễm, Đại học Oxford Guy Thwaites

Cách mà cộng đồng khoa học đã ứng phó với SARS-CoV-2 trên toàn cầu quả thật rất phi thường. Trong vòng vài tuần sau khi phát hiện đợt bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, toàn bộ mã di truyền của virus đã được công bố rộng rãi trên toàn thế giới. Điều này cho phép các quốc gia phát triển các bộ xét nghiệm chẩn đoán, yếu tố cần thiết để theo dõi sự lây lan của virus. Các thử nghiệm lâm sàng có sự điều phối trên toàn cầu và việc cung cấp nhanh chóng vắc-xin COVID-19 đầu tiên, đã cho thấy giá trị của sự hợp tác giữa các công ty dược phẩm và các trường đại học (ví dụ như Đại học Oxford và tập đoàn dược phẩm AstraZeneca). Tổ chức Y tế Thế giới đã chủ trì việc thiết lập các cơ chế như COVAX để phân phối vắc xin một cách công bằng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Hơn 420 triệu người hiện đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin COVID-19. Các loại vắc xin hiện đang được sử dụng trên toàn thế giới an toàn và hiệu quả, và là một công cụ quan trọng để thay đổi diễn biến của đại dịch. Dữ liệu thực tế từ những quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm chủng cao nhất - chẳng hạn như Israel và Vương quốc Anh - cho thấy tỷ lệ nhập viện và tử vong giảm đáng kể. Vắc xin vẫn phải được sử dụng đồng thời với việc chẩn đoán nhanh, cách ly các ca bệnh cũng như những biện pháp chung, như đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây truyền virus giữa người với người.

Nhưng, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở đó. Đặc biệt, có các biến thể mới của virus đã xuất hiện và có vẻ dễ lây lan hơn, và có thể chúng sẽ trốn tránh bảo vệ miễn dịch tạo ra từ lây nhiễm tự nhiên hoặc tiêm chủng trước đó. Các biến thể đang được quan tâm hiện nay lần đầu tiên được phát hiện ở Vương quốc Anh, Nam Phi và Brazil, nhưng chúng có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, đặc biệt là ở những vùng có đông dân cư và không kiểm soát được bệnh nhiễm trùng SARS-CoV-2. Không có gì ngạc nhiên nếu có thêm các biến thể khác xuất hiện.

Vì vậy, cùng với việc tăng tốc cung cấp vắc-xin cho mọi người trên toàn cầu, chúng ta cũng phải nhanh chóng phát triển các hệ thống giám sát có thể phát hiện các biến thể mới của virus. Các nhà khoa học ở tất cả các quốc gia phải bắt đầu giải trình tự toàn bộ hệ gen của virus và sau đó, chia sẻ dữ liệu trên toàn cầu. Nhiều quốc gia vẫn còn hạn chế chuyên môn để làm điều này. Với hệ thống giải trình tự gen tiên tiến, Vương quốc Anh có thể hỗ trợ quá trình này. Mặc dù những thiết bị này có giá thành tương đối phải chăng, việc sử dụng chúng đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt cần thời gian để tích lũy và củng cố. Chúng ta cần thiết lập các chương trình đào tạo và có sự hỗ trợ kỹ thuật liên tục từ các chuyên gia.

Ảnh minh họa

Quan trọng không kém việc thu thập dữ liệu về các biến thể là chia sẻ dữ liệu đó. Nếu thế giới muốn tự bảo vệ mình, thì hoạt động giám sát bắt buộc phải mang tính toàn cầu, phối hợp và minh bạch, tuân thủ các nguyên tắc cao nhất về chia sẻ dữ liệu quốc tế. Các nền tảng để chia sẻ dữ liệu bộ gen một cách an toàn, minh bạch và công bằng đã có sẵn. Ví dụ, GISAID được hình thành vào năm 2008 để cung cấp dữ liệu truy cập mở về trình tự gen virus cúm và đã được sử dụng kể từ khi đại dịch bắt đầu để chia sẻ trình tự SARS-CoV-2 từ khắp nơi trên thế giới.

Nhìn tổng thể lại, chúng ta đang trong một cuộc chạy đua, cố gắng đảm bảo vắc-xin luôn đi trước một bước sự lây lan của virus và các biến thể của nó. Chúng ta có thể giành chiến thắng trong cuộc đua và kiểm soát đại dịch, nhưng chỉ khi thông tin của chúng ta về virus được cải thiện. Chúng ta phải có khả năng phát hiện và theo dõi các biến thể virus mới, và do đó, phải phát triển các hệ thống thu nhận và chia sẻ dữ liệu về các chuỗi virus từ khắp nơi trên thế giới. Các hệ thống toàn cầu như vậy hiện đang được lên kế hoạch hình thành. Tại Việt Nam, Vương quốc Anh đang hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam và các đối tác quốc tế khác để xây dựng nền tảng khoa học, đưa Việt Nam dẫn đầu về giải trình tự gen trong khu vực ASEAN.

Mới đây, ngày 26/3/2021, Đại sứ quán Anh tổ chức hội thảo “Tầm quan trọng của nghiên cứu hệ gen trong ứng phó với đại dịch COVID-19” tại Hà Nội. Đây là diễn đàn cho các bên liên quan của Việt Nam và các đối tác quốc tế chính như Vương quốc Anh, Mỹ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thảo luận về những thành tựu và thách thức của việc giải trình tự gen SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Những chia sẻ từ 2 cơ quan nghiên cứu đầu ngành là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh thể hiện trình độ chuyên môn của Việt Nam cũng như cam kết chia sẻ thông tin với các nước ASEAN. Vương quốc Anh cam kết làm việc với các đối tác để mở rộng các chương trình đào tạo về tin sinh học, phân tích dữ liệu và các hạ tầng lưu trữ dữ liệu lớn, chia sẻ thông tin tức thời và thông minh.


Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam, Giáo sư Khoa Truyền nhiễm, Đại học Oxford, Guy Thwaites - Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward
Ý kiến của bạn