Hà Nội

Đọc Những mảnh đời

24-10-2011 08:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

GS.TS. Ðào Ngọc Phong nguyên là Chủ nhiệm khoa Y tế công cộng Ðại học Y Hà Nội. Tôi quen biết anh hồi các bạn viết trẻ thủ đô thường sinh hoạt với phòng Văn Nghệ Sở Văn hóa Hà Nội. Ðược biết anh học Ðại học Y ngay từ khóa đầu sau giải phóng Thủ đô (1955-1960),

(GS.TS. Đào Ngọc Phong, NXB Văn học 2011)

GS.TS. Ðào Ngọc Phong nguyên là Chủ nhiệm khoa Y tế công cộng Ðại học Y Hà Nội. Tôi quen biết anh hồi các bạn viết trẻ thủ đô thường sinh hoạt với phòng Văn Nghệ Sở Văn hóa Hà Nội. Ðược biết anh học Ðại học Y ngay từ khóa đầu sau giải phóng Thủ đô (1955-1960), sau đó được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Ðại học Y suốt từ 1960 đến năm 2006 (gần 50 năm), gắn bó với Hà Nội. Khi có dịp làm việc ở báo SK&ÐS tôi mới nhớ tới anh khi cần có một số CTV làm văn nghệ ngành y. Ðào Ngọc Phong in thơ trên các báo trước cả khi các bác sĩ Trần Quán Anh, Vũ Dũng Minh nổi tiếng về những vở kịch Tiền Tuyến gọi, Ðôi mắt. Có lẽ Ðào Ngọc Phong là vị bác sĩ đầu tiên được kết nạp Hội nhà văn VN ?

Anh đã cho xuất bản  tới 10 tập thơ, tập thứ 11 anh vừa tặng: Những mảnh đời, 92 bài, gồm những bài thơ ghi nhận những cảm xúc, kỷ niệm và lòng biết ơn Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt là Khoa Lọc thận nhân tạo đã 12 năm giúp đỡ, kéo dài cuộc sống cho bà vợ bị suy thận mạn. Cùng với tập thơ Về trường xưa anh in trước đây dành riêng tặng trường Đại học Y Hà Nội và tập thơ này chứng tỏ anh rất tâm huyết với nghề, là sự nghiệp thiêng liêng suốt đời. Thơ là phương tiện giúp anh bộc lộ được những suy nghĩ, lòng cảm mến, ân tình sẻ chia với đồng nghiệp.

Tập thơ chuyên đề ngành y như một thứ quả vườn nhà, độc giả báo SK&ĐS phải được quyền nếm trước bởi đó là những đồng nghiệp của anh, những y bác sĩ nhiều thế hệ từng qua giảng đường Đại học Y Hà Nội và cả thân nhân những người bệnh Khoa Lọc thận nhân tạo đã thành thân thiết với anh, bởi cùng chung cảnh ngộ, nhất là họ chính là đề tài, nhân vật của anh trong tập thơ mà anh gửi gắm vào đó bao xót thương, chia sẻ…

Sống đúng với tấm lòng nhân ái của mình, của một bác sĩ, không chỉ quan tâm đến người bệnh mà cả hoàn cảnh gia đình từng người bệnh mà anh đã có điều kiện gần gũi họ… Nhờ hoàn cảnh riêng đã bộc lộ ở đầu sách, anh không chỉ là người đào tạo nhiều thế hệ y bác sĩ mà còn là người nhà bệnh nhân suốt 12 năm đưa vợ đi lọc thận nhân tạo, có nghĩa là đồng cam cộng khổ với các bệnh nhân và gia đình người bệnh. Từ góc độ đó mà anh có tầm nhìn rộng, sâu hơn những cảnh khổ của xã hội, mà ai cũng biết những gia đình có người bệnh phải chạy thận nhân tạo tốn kém nhường nào!

Mười hai năm ròng rã! Có nghĩa anh đã có hàng nghìn buổi tiếp cận, chia sẻ với mọi lớp người khổ cực trong xã hội. Anh hy vọng những dòng thơ của mình an ủi họ phần nào…

Anh viết về Bức phù điêu khắc đậm hình bóng quá khứ anh hùng của bệnh viện, để lớp người trẻ hôm nay luôn phải dừng chân: Máu nào đổ hôm qua? / Trái nào chín hôm nay?/ Sừng sững dưới trời mây/ Bức phù điêu trả lời tất cả! Anh rất nhớ từng sinh viên đã qua giảng đường anh đảm nhiệm, như liệt sĩ Đoàn Thị Giỏi: Nhớ một mùa hè đê Mai Lâm vỡ/ Cả trường ta bước vào chống lũ ở Tiên Sơn/ Bà con kể rằng trên con thuyền nhỏ / Em bơi thuyền đến khắp xóm thôn/ Hỏi trẻ thăm già, chăm người cơ nhỡ…Nhưng người con gái ấy với chiếc thuyền mỏng mảnh không bị chìm trong sóng dữ mà lại bị vùi trong hố bom ở Bệnh viện Bạch Mai khi cô đang cứu chữa bệnh nhân.

Chỉ một gương hy sinh ấy đã điển hình cho cuộc sống người thầy thuốc Việt Nam những năm chiến tranh, chống lại từ giặc nước đến giặc trời… Anh viết về Cây si già bệnh viện cũng phải hứng chịu bom B52 khi một đầu hồi khu A sập xuống, nhưng cây lại vững vàng hơn nhờ buông thêm bao chùm rễ nâu cắm sâu vào lòng đất, bên cạnh tượng đài khắc tên bao thầy thuốc đã hy sinh.       

Nỗi đau chung khi bác sĩ nghĩ đến người bệnh càng đậm thêm với nỗi đau riêng khi bản thân anh lại là người đưa vợ đi lọc máu. Lúc này người bác sĩ có thể là học trò anh đang làm việc kia, lại là người thầy thuốc đang cứu mạng vợ anh: Bác sĩ thức trong phòng siêu lọc máu/ Năm canh rợn trắng như màu áo/ Màu áo năm canh trắng nắng trời!  (Bác sĩ khoa lọc thận). Có hai sắc độ trắng trong hai câu trên: rợn trắng là màu trắng đến gai người, là cảm giác của người bệnh gắn liền với nỗi lo đau đớn bệnh tật, nhưng Màu áo năm canh trắng nắng trời! thì đã hửng lên màu hy vọng (vầng sáng giữa đêm đen). Ở đây, dường như thuộc tính mỗi sự vật còn tùy thuộc tâm trạng và góc nhìn từng người.

Có những câu thơ như nhỏ máu của người chồng thương vợ:  Ngỡ như mưa ở trong lòng/ Ngỡ như máu tự trăm dòng đổ ra/ Vợ tôi thường huyết áp sa/ Thường cầu nối tắc, thường nhòa lệ rơi…?Thế là mang nỗi bùi ngùi/ Hơn nghìn lần lọc, phận đời lênh đênh…(Cả nhà đón anh).

Bước chân vào đây (khu cấp cứu nhà A9), là đành trao số phận mình cho lẽ trời may rủi! Cái lẽ trời ấy lại nằm trong tay con người, những con người áo trắng đang “thế thiên hành đạo”. Ngoài niềm tin ở y bác sĩ, ai cũng mong số phận mỉm cười với mình, nhưng chẳng ai muốn nói ra! Có lẽ chỉ một nhà thơ mới có hành động trồng cây đào lớn mang ý nghĩa khái quát của nỗi đau và niềm tin trồng nơi ngã ba bệnh viện: Chúng tôi trồng một gốc đào thật to/ Ngay ngã ba của điều còn, điều mất/ Ngã ba của những điều bất trắc/ Ngã ba đầy nước mắt đau thương…(Ngã ba bệnh viện)   

Có những cảnh thương tâm: một em bé 9 tuổi ra sức dìu bà mẹ vào phòng lọc máu. Hẳn người lớn còn đang xuôi ngược kiếm tiền lo viện phí! (Em như tàu lá non/ Dìu mẹ tàu lá úa/ Mắt tôi mờ lệ ứa/ Tôi nhìn hai mẹ con). Nhưng dù hoàn cảnh nào, trước mắt người bệnh như vẫn có một niềm hy vọng dù nhiều khi chỉ là ảo ảnh. Nhà thơ chứng kiến không chỉ nhiều số phận mà cả nhiều cảnh tượng khác nhau, ông vẽ lại sắc màu của một ráng chiều với niềm hy vọng ấy, phác họa ánh nhìn của họ: Lọc máu xong, họ lại kéo nhau/ Về quán trọ trong ngõ sâu hun hút/ Phía cuối con đường cầu vồng bẩy sắc? Phải mưa bóng mây mờ ảo phía xa kia? (Bẩy sắc cầu vồng). 

Chính những số phận gian truân đa dạng của người bệnh từ khắp nơi tụ về gặp tấm lòng thương cảm, nhân văn của nhà thơ đã làm tập thơ đa dạng trong một đề tài ngỡ là đơn điệu!      

Vân Long


Ý kiến của bạn