"Đến hẹn lại lên", vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm, tại đền Sái (huyện Đông Anh, Hà Nội) lại diễn ra lễ rước kiệu "vua sống", "chúa sống" để tưởng nhớ sự tích An Dương Vương xây thành Cổ Loa.
Tương truyền rằng trong suốt quá trình nhà vua xây thành, cứ đều đặn ngày đắp đêm lại bị đổ nên mãi mà thành vẫn chưa thể xây xong. Việc này là do yêu ma Bạch Kê Tinh (tinh gà trắng) phá hoại. Vốn dĩ tinh gà trắng ban ngày trú ẩn nơi núi Thất Diệu và chỉ xuất hiện, phá hoại việc xây thành khi trời chập tối mà thôi.
Lễ rước độc đáo bởi có người thật vào vai vua và chúa được hóa trang độc đáo. Theo các cụ cao niên trong làng, tiêu chuẩn để chọn đóng vai vua, chúa khá khắt khe. Các cụ được chọn phải được toàn vẹn về gia đình, gia đình mẫu mực, con cháu đề huề. Đồng thời, gia đình phải thực hành chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng và hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.
Tuy từng bị gián đoạn trong một khoảng thời gian dài, tuy nhiên từ năm 1989, Lễ hội Đền Sái đã được khôi phục lại hoàn toàn và kéo dài cho đến tận ngày nay. Lễ hội Đền Sái diễn ra cả ngày, nhưng sôi động hơn cả là vào buổi chiều với nghi thức rước “vua sống”, “chúa sống” từ đình làng ra đền và ngược lại.
Theo tục lệ của làng, những người được chọn vào vai vua, chúa phải trên 70 tuổi, các quan trên 60 tuổi.
Trước màn rước “Vua” là lễ khênh kiệu từ đình làng về đền Sái. Thỉnh thoảng kiệu “Chúa sống” được tung hô, quay một hai vòng làm cho không khi càng thêm sôi động. Động tác tung hô này thể hiện tính xông pha, tinh thần xung trận của “chúa” vừa có ý dẹp đường để “vua” đi.
Được chọn là người đóng vai chúa năm nay, ông Trần Văn Tích cho hay, bản thân mình rất vui mừng, và thấy sức khỏe tốt khi được các trai tráng khỏe mạnh trong dòng họ rước từ nhà ra đình làng làm lễ rồi đến đền Sái và ngược lại.
Người được chọn làm vua, chúa phải lo chuẩn bị đầy đủ từ trang phục đến đồ lễ để sáng 11 làm lễ khao người trong họ và người dân trong xóm, ông Trần Văn Tích nói.
Nét đặc sắc của lễ hội là sự xuất hiện của 'Vua' và 'Chúa'. Người có vinh hạnh nhận vai An Dương Vương ((Vua) năm nay là cụ Nguyễn Quang Vinh 73 tuổi.
Ngay từ đầu giờ sáng, khắp các ngõ không khí tưng bừng náo nhiệt, các dòng họ có người được chọn làm “vua”, “chúa”, “quan”, lần lượt rước kiệu, võng ra tập trung tại đầu làng để bắt đầu cuộc hành hương rước lễ đi bái yết đức thánh Huyền Thiên.
Các quan: Thị Vệ, quan Tán Lý, quan Đề Lĩnh và quan Tán Thủ... trong lễ rước. Vua, chúa đi kiệu, các quan đi bằng võng, ăn mặc theo đúng tích xưa. Người khiêng kiệu và võng là các thanh niên trai tráng khỏe mạnh được lựa chọn từ những người của dòng họ. Đám rước đi khoan thai trong tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng chiêng và rợp trời cờ xí.
Chúa được vẽ mặt đỏ để phân biệt với vua.
Lễ rước kiệu “vua sống”, “chúa sống” trong lễ hội đền Sái là dịp để người dân bày tỏ tấm lòng thành kính, tôn trọng dành cho vị vua An Dương Vương về công lao xây dựng thành Cổ Loa năm nào. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để nhắc nhở con cháu nhớ về một thời kỳ dựng nước của dân tộc – những tháng ngày vua quan thời An Dương Vương đồng lòng xây thành, chống lại thiên tại, địch họa.
Độc đáo lễ rước kiệu vua sống, chúa sống tại thủ đô