Độc đáo vườn tượng của nhà văn đất lúa Thái Bình

31-01-2016 14:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhà văn Võ Bá Cường ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình (Thái Bình), là một người kỳ lạ. Cuộc đời ông là chuỗi ngày viễn du đến nhiều vùng đất để cóp nhặt...

Nhà văn Võ Bá Cường ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình (Thái Bình), là một người kỳ lạ. Cuộc đời ông là chuỗi ngày viễn du đến nhiều vùng đất để cóp nhặt, học hỏi thứ mà bản thân luôn cho là “cái gì đó hay hay”. Táo bạo, hay xê dịch nhưng Võ Bá Cường cũng rất “mải chơi”. Ở cái tuổi sắp trọn một “vành chơi”, ông hứng thú với vườn tượng. Giữa đất làng Chàng ngây ngất trong hương lúa mới, khuôn viên vườn tượng độc đáo của nhà văn “mải chơi” cũng phảng phất ra không ít nét lạ. Bất cứ ai, hễ một lần ghé qua, trông vào mỗi bức tượng đều cảm ngợp trong đó dấu ấn văn hóa chẳng nơi đâu có.

Độc đáo chân dung nhạc sĩ Văn Cao.

Ðộc đáo vườn tượng danh nhân

Tôi biết đến tiếng của Võ Bá Cường qua “chuyện Tướng Độ”, tất cả chỉ có vậy, dừng ở mức độc giả và “cảm” được đôi chút hơi hướng tính cách, chân dung của người viết. Tôi mường tượng ông là người khá gai góc và chịu khó tìm tòi. Thực tình cờ, một đồng nghiệp cũng có hứng với nhà văn này. Anh nói, Võ Bá Cường giờ đang mải mê trong cái thú chơi mới. Ông chơi vườn tượng.

Trông vẻ ngoài, Võ Bá Cường cười “hiền” hơn so với suy nghĩ về một người gai góc khi viết thành công Tướng Độ. Dáng người thanh thoát, vầng trán cao cùng mái tóc ngả bạc khiến ông toát lên nét thanh nhã của bậc túc nho. Hỏi về vườn tượng, Võ Bá Cường chẳng giấu, ông thực thà rằng đó là tâm nguyện ấp ủ đã lâu chứ chẳng phải bỗng nổi hứng mà làm. Mê mải với thú thơ phú, văn chương nên phải mãi đến quãng năm 2012, ông mới chú tâm chơi vườn tượng.

Vườn tượng của Võ Bá Cường nằm giữa làng Chàng. Gần như tất cả những gì có trong khu vườn đều mang bản sắc của nhà văn họ Võ. Trong khuôn viên rộng chừng hơn trăm mét vuông, Võ Bá Cường trang trọng bày những bức tượng về các danh sĩ của dân tộc như: nhà viết kịch Tào Mạt, nhạc sĩ Văn Cao, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, nhà thơ Chế Lan Viên... Và đặc biệt hơn cả là bức tượng chân dung Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, được đặt trang nghiêm, quay mặt về hướng Nam.

Trong không gian vườn tượng.

Nghe kể, khu vườn tượng mới được khánh thành vào đúng dịp giỗ đầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã dành trọn tâm huyết của mình để dựng lên bức tượng Ðại tướng bằng đồng. Bức tượng cao 1m03, được tạc bởi nghệ sĩ tạo hình Trần Văn Thức. Trước khi được chuyển về tư gia của nhà văn họ Võ, bức tượng này đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân đội và Nhà triển lãm Thành phố Hà Nội.

Vườn tượng theo lý giải của Võ Bá Cường là một “cuộc chơi” khó. Khó bởi những tác phẩm bày bố trong vườn tượng ấy phải làm sao chống chịu được với mưa gió thời gian. Thứ nữa, đã gọi là vườn tượng thì đó chẳng phải “của để dành”, chẳng ủ ấp trong riêng tâm trí bản thân. Thay vào đó, nó phải “phơi” ra để những người có tâm, có tầm thưởng lãm. Và gây dựng vườn tượng danh nhân thì khó lại càng khó. Nhưng khó nhất là ẩn trong mỗi bức tượng người xem phải thấy những góc cạnh sâu khuất của vị danh nhân đó.

May thay, tượng của Võ Bá Cường đầu tư tâm huyết trở nên “lạ”, bởi mỗi cá thể khi nhìn vào đều ít nhiều vương đôi chút bóng dáng của danh nhân. Chẳng hạn, ở Tướng Giáp là vầng trán cao cùng đôi mắt có hồn, nhạc sĩ tài hoa Văn Cao là nét suy tư chứa đầy góc cạnh. Không chỉ vậy, ở đó còn toát ra bóng hình của những nhà văn hóa lỗi lạc như Ðại thi hào Nguyễn Du, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, nhà bác học Lê Quý Ðôn.

Tượng chân thực đến nỗi anh bạn đồng nghiệp của tôi cứ ngơ ngẩn, ngắm nghía mãi chẳng dừng. Ánh mắt nhìn khu vườn tượng, vừa mê đắm nhưng cũng thật bâng quơ như thể trước mắt là một khoảng không mơ màng xa thẳm. Ấy nhưng, chừng đó với Võ Bá Cường dường như vẫn chưa đủ. Ông vẫn quả quyết rằng vườn tượng mình gây dựng chưa thật mỹ mãn và sẽ được bổ sung thêm, hoàn thiện để trở nên đẹp hơn, sang trọng hơn.

Mải mê với “cuộc chơi” số phận

Nghe kể lại rằng, Võ Bá Cường từng làm khá nhiều nghề và cũng trải qua không ít biến cố. Ban đầu là một anh lơ xe, rồi làm cán bộ địa chất. Sau không trụ với nghề này, Võ Bá Cường đi học sư phạm, ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh) dạy học, viết báo. Đến năm 1967, ông về công tác ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Phả (nay là Vân Đồn), cho đến năm 1971 thì về Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Bình.

Nhà văn Võ Bá Cường (áo đen) giới thiệu về bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nếu như Võ Bá Cường viết về Tướng Độ với cuốn “Chuyện Tướng Độ” vì lòng trọng một vị tướng cùng quê Thái Bình, với ngòi bút ông thanh thoát ông khiến những trang viết như rung lên vì xúc động. Để rồi, vì thương để dòng lệ chảy nhòa trên khóe mắt văn nhân. Thì ở vườn tượng, Võ Bá Cường khao khát hơn thế. Ông mong muốn có thể chưng cất những gương mặt, trí tuệ phập phồng vốn sống ấy vào trong mỗi bức tượng. Ông bộc bạch: “Đời người nói cho cùng là một cuộc chơi. Mỗi người chọn một cuộc chơi khác nhau. Khi viết tôi thả hồn vào những gương mặt sang trọng nên khi chơi cũng tìm một cuộc chơi văn hóa. Cao sang, hao tâm tổn trí và khó chơi”.

Trong vườn tượng, tôi hỏi nhà văn rằng bức nào ông ấn tượng nhất. Chẳng đắn đo, ông nói “sáng” nhất là tượng cụ Giáp và Văn Cao. Ấy nhưng, những tượng còn lại sẽ thực thiếu nếu không đề cập. Bởi nhìn vào đó người ta vẫn thấy dáng dấp của vị danh nhân. Chẳng hạn, riêng về tượng Tào Mạt. Võ Bá Cường say và kính Tào Mạt - ông vua chèo xứ Bắc bởi tư tưởng và cá tính sáng tạo đầy bản lĩnh với bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” nổi tiếng. Từ chân dung Tào Mạt, Võ Bá Cường như tìm thấy ngọn lửa nhiệt huyết, sự sáng tạo, chinh phục cái mới một cách không ngưng nghỉ. Ông nói, số phận của những vị danh nhân như Phố Phái, Tào Mạt... họ rất đỗi bi khuất. Nhưng chính điều đó đã tôi rèn nên bản lĩnh, tài năng trong mỗi người họ.

Tạm bỏ qua vườn tượng và những chân dung ẩn mình trong đó để nhắc về Võ Bá Cường. Năm nay, bước vào ngưỡng tuổi 76, ông nhà văn họ Võ càng khiến người đời “lạ” hơn. Vì sao ư? Bởi chẳng ai như ông. Ông sắm sẵn một chiếc quan tài đỏ au màu gỗ, đặt gọn trong từ đường để... đợi chết. Trước những băn khoăn rất đỗi phàm tục của tôi, ông tần ngần: “Ông Tào Mạt trước khi chết viết câu rất hay rằng, “sọ đầu mới vỡ lẽ đời/trăm năm trọn một vành chơi thì về”. Nghĩa là khi anh già, cái tuổi tác, thời gian khiến anh rụng hết lông tóc lúc ấy anh mới vỡ lẽ đời, nhận ra ai tốt, ai xấu. Cái vành chơi tròn vành vạnh ấy liệu có mấy ai đến nổi trăm năm? Sau khi mình chết, muốn về nơi bình dị, yên ả, chỉ muốn giữ cái cốt cách của một người dân quê mà thôi”.

Giờ đây, đặt chân đến Thái Bình, khách phương xa hễ ai biết tiếng ghé thăm vườn tượng của Võ Bá Cường sẽ được vợ chồng nhà văn đón tiếp nhiệt tình với ly rượu đặc sánh tình quê. Ông trân quý khách chẳng phải vì vườn tượng mà bản thân đang “chơi”, mà bởi cái tính ông từ trước đến nay quảng đại, thích giao thiệp. Và nếu có ai đó chợt có thắc mắc, hỏi han về vườn tượng, hoặc chuyện xoay quanh một pho tượng bất kỳ nào đó trong vườn sẽ nhận được một giải thích rất khúc chiết, tỉ mỉ. Trông Võ Bá Cường mải mê ngắm vườn tượng, tôi biết không gian ấy là tài sản vô giá với ông.


Bài, ảnh: Đinh Luyện
Ý kiến của bạn