Độc đáo thổ cẩm làng Teng

12-08-2009 17:29 | Văn hóa – Giải trí

Khi sinh ra đã thấy người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu.

Khi sinh ra đã thấy người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu. Và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của làng Teng người H’rê. Các họa tiết hoa văn của người H’rê rất khiêm nhường, lặng lẽ, các gam màu hòa sắc chung với các màu khác, không rực rỡ phô trương.

Không chỉ nổi tiếng là mảnh đất anh hùng đã đi vào sử sách, làng người H’rê thuộc huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) còn được biết đến là một mảnh đất đẹp và thơ với núi sông hùng vĩ, thiên nhiên tươi đẹp; các làn điệu dân ca lêu, ca chọi nổi tiếng, các nhạc cụ độc đáo, nghề đan lát, cấu trúc nhà sàn... Đặc biệt, trong những dịp cúng mừng năm mới, hội làng, lễ cưới của người H’rê, ngoài cồng chiêng, rượu cần thì không thể thiếu những trang phục truyền thống được làm từ thổ cẩm.

Người H’rê dệt thổ cẩm.

Người H’rê có nghề truyền thống là dệt thổ cẩm với những nét độc đáo riêng từ nguyên liệu, hoa văn đến màu sắc sản phẩm. Trước kia, nguyên liệu để dệt thổ cẩm người ta lấy từ cây bông đem về phơi nắng cho cánh nở bung, sau đó đánh tơi xốp rồi kéo thành sợi. Điểm nổi bật dễ nhận thấy ở những bộ trang phục của người H’rê là thường có hai màu đen và đỏ. Nét này cũng dễ hiểu bởi người H’rê vốn rất ưa hai loại màu sắc đó. Theo người già ở đây những gì họ thích, đã thành biểu tượng thì luôn được đưa vào những thứ gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày. Hoa văn được thể hiện trên những tấm thổ cẩm của người H’rê rất đa dạng phong phú. Đó là hoa văn biểu hiện sự gần gũi với con người như mây trời, sông suối, núi rừng, nương rẫy, hàng rào... Ở những tấm choàng, tấm địu trẻ nhỏ, váy phụ nữ... hoa văn có mô típ hình học như hình thoi, hình quả trám, hình chữ nhật, hình vuông... tạo thành những ô nối tiếp nhau; hoặc hoa văn đường thẳng, đường lượn sóng... tạo nên hình dáng cách điệu con sông, con suối; hay hoa văn có hình giống các loài vật như mỏ gà, mũi tên bay, tổ ong, da rắn, da trăn, lá cây... Nghệ thuật dệt hoa văn này độc đáo ở chỗ là phương pháp kỹ thuật dệt cài hoa văn, chứ không phải là những đường thêu bằng chỉ màu trên nền vải như một số tộc người anh em khác. Các họa tiết hoa văn của người H’rê rất khiêm nhường, lặng lẽ, các gam màu hòa sắc chung với các màu khác, không rực rỡ phô trương. Tuy nhiên, ngày nay những loại hoa văn được đồng bào người H’rê thể hiện cũng đơn điệu dần.

Để làm ra một tấm thổ cẩm rất công phu, tỉ mỉ. Để dệt một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, người thợ thủ công phải tốn thời gian khoảng nửa tháng, có khi lâu hơn tùy theo kích thước của tấm thổ cẩm, nhưng giá trị về kinh tế không cao, tiền công còn thấp. Nếu như trước đây, một tấm vải thổ cẩm (khoảng 1 mét) đổi được một chiếc "nồi bảy" (loại nồi đúc bằng đồng rất có giá trị), thì nay chỉ bán được 200.000 đồng, trong khi tiền chỉ để dệt đã chiếm 40.000 đồng. Dù vậy, những người phụ nữ làng Teng vẫn nhất quyết không bỏ nghề cốt giữ nghề truyền thống cha ông. Đó như một cách "giữ lửa cho làng" vậy.

Những năm gần đây, sự giao thương giữa miền xuôi với miền ngược mở ra, người H’rê bắt đầu quen với kiểu ăn mặc mới, dần bỏ sắc phục truyền thống và ăn mặc như người miền xuôi. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng từ đó mai một dần. Những người già ở đây tâm sự: Bây giờ vải, áo quần ở dưới xuôi gửi lên nhiều lắm, bọn trẻ bây giờ cũng ít chịu mặc thổ cẩm mà ăn mặc như người dưới xuôi rồi. Hiện tại, trên 30 nghệ nhân của làng đang mở lớp truyền nghề cho gần 100 thiếu nữ. Những khung cửi bắt đầu rộn lên âm thanh của ngày mùa. Không còn cảnh lặn lội vào rừng tìm cây cho màu để nhuộm vải hoặc phải trồng bông như ông bà của họ, các thiếu nữ H’rê chỉ mất một giờ đi xe máy là có trong tay các nguyên liệu cần cho một vuông vải thổ cẩm. Có điều, các bà, các mẹ vẫn phải đứng bên họ trong suốt nhiều tháng trời thì thổ cẩm làng Teng mới giữ đúng thương hiệu của mình. Huyện đang chú trọng khôi phục các làng nghề truyền thống. Mục tiêu của các chương trình quảng bá trên là nghề dệt thổ cẩm của làng Teng tiếp tục duy trì và phát triển, phấn đấu tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình. Thêm nữa, chính quyền địa phương phối hợp với nhà tài trợ đang khẩn trương mở thêm các điểm trưng bày quảng cáo sản phẩm thổ cẩm H’rê ở các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng để quảng bá sản phẩm truyền thống này. Để làm được điều này, quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế, làm ra nhiều loại sản phẩm đẹp, tiện lợi hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Hy vọng trong một tương lai không xa, làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ trở thành điểm du lịch nằm trong tour du lịch phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi rời trung tâm thành phố Quảng Ngãi thăm nhà lưu niệm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đến bãi biển Sa Huỳnh thơ mộng, thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, ngược lên miền sơn cước thăm Bảo tàng Ba Tơ, du khách không thể không dừng chân ở làng Teng để xem các nghệ nhân dệt thổ cẩm. Lúc đó, sản phẩm thổ cẩm của làng trở thành hàng lưu niệm mang đậm tính văn hóa, sẽ đứng vững và sớm vươn ra các thị trường. Trong thời gian tới đây, trong những ngôi nhà của bản làng người H’rê sẽ giữ được nguyên vẹn những khung dệt thổ cẩm để làm ra những sản phẩm du lịch độc đáo, níu chân du khách ở lại vùng cao Quảng Ngãi.

Ngọc Mai


Ý kiến của bạn