Khác với những buổi chợ miền xuôi ngày nào cũng họp thì chợ phiên Mèo Vạc chỉ họp vào một ngày Chủ nhật mỗi tuần. Ngay từ tờ mờ sáng, một khung cảnh rộn ràng, náo nhiệt bao phủ từ đầu tới cuối chợ. Đồng bào nơi đây thường xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống với màu sắc rực rỡ nhất, đặc biệt là các chị em phụ nữ.
Phiên chợ Mèo Vạc không chỉ là nơi để bà con các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn tới mua bán, trao đổi các món nhu yếu phẩm, nông cụ, nông sản phục vụ đời sống thường ngày, mà còn là dịp để mọi người giao lưu, tâm tình chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Trong những năm gần đây, để có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm và giao lưu của người dân, Chợ phiên Mèo Vạc được tổ chức quy củ hơn với những mặt hàng được phân chia theo dãy. Điều này giúp cho mọi người có thể dễ dàng tìm mua.
Trong phiên chợ, du khách không chỉ bắt gặp những cô gái Lô Lô trở của các bản làng thuộc xã Xín Cái bốn mùa chìm trong mây trắng như bông gòn mà còn có thể gặp gỡ các bà, các mẹ người Dao đi bộ từ Sủng Máng cách đó hơn chục cây số chỉ để mua con dao mới. Những cô gái ở Pả Vi rủ nhau tới chợ chỉ để khoe bộ váy vừa thêu xong vẫn còn nguyên nếp hồ.
Chợ phiên Mèo Vạc là dịp để mọi người mua sắm, họp mặt, giao lưu văn hóa, được nghe tiếng xe cộ qua lại, tiếng cười nói rộn ràng cùng tiếng lục lạc ... Tất cả tạo nên bầu không khí náo nhiệt và sôi động đến lạ.
Không khí rộn ràng tiếng trò chuyện, cười nói của những cô gái vùng cao....
Khu vực bán rượu, chủ yếu là rượu ngô - một trong những loại rượu đặc sản của nơi này, được chính tay những người phụ nữ dân tộc chưng cất.
Có một điều thú vị là hầu như người nào ở chợ cũng mang theo ít nhất một sản vật quen thuộc do họ tự sản xuất để bán, trao đổi như rau củ, nông cụ, đồ vải lanh, thổ cẩm truyền thống, gia vị, đồ ăn, thảo dược ...
Một điểm khác biệt giữa chợ phiên Mèo Vạc và những chợ phiên khác là ở đây, chó, lợn, gà... không bị bỏ vào rọ mà sẽ được cắp nách hoặc buộc dây dắt đi.
Được hình thành từ những năm 2000 khi huyện Mèo Vạc chủ trương đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa thì khu chợ bò dần trở thành “sàn giao dịch bò” lớn nhất của miền biên viễn này.
Tại đây, có tới hàng trăm con bò đến từ khắp các vùng lân cận, thu hút thương lái các tỉnh miền xuôi như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên… Các thương lái xem chợ phiên Mèo Vạc như một "điểm hẹn" để giao thương.
Khu vực bán trâu bò đặc biệt hơn, trâu bò được đeo những chiếc lắc đợi người đến xem và chọn mua.
Những ‘chú lợn” Lũng Pù cắp nách bản địa nổi tiếng.
Thậm chí những chú chó Mông đuôi cộc thông minh nhanh nhẹn có tiếng cũng được dắt đi để trao đổi.
Là một trong những phiên chợ lớn nhất nơi cao nguyên đá chợ phiên Mèo Vạc thu hút rất đông du khách từ mọi miền của Tổ quốc.
Cứ bình dị và dân dã như thế, chợ phiên Mèo Vạc đã tồn tại song hành cùng bao thế hệ người Mông, người Dao, Kinh, Lô Lô, Giáy. Chính bởi thế nên phiên chợ Mèo Vạc đã luôn là một trong những nét đẹp văn hóa, đồng thời mang ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống của người dân nơi đây.